Xuất khẩu đứng top đầu thế giới nhưng gỗ Việt Nam vẫn “vô danh” ở nước ngoài

Theo đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với việc xuất siêu khoảng 13 tỷ USD trong năm nay, có thể nói, ngành gỗ là trụ đỡ cho xuất siêu cả nước.
Sputnik
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tham luận tại Hội thảo “Thúc đẩy thương hiệu gỗ Việt” bày tỏ băn khoăn rằng, dù xuất khẩu đồ gỗ, sản phẩm gỗ Việt Nam đang đứng hàng đầu thế giới nhưng gỗ Việt vẫn ‘vô danh’ ở nước ngoài và chưa hề có thương hiệu nào mang tầm quốc gia, vươn ra quy mô tầm quốc tế.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 10 tỷ USD

Sáng 9/12, Hội thảo “Thúc đẩy thương hiệu gỗ Việt” được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động vật Hoang dã (TRAFFIC), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức tại TP.HCM.
Tham luận tại Hội thảo cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 300 làng nghề và 5.580 doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm gần 97,8%.
“Chỉ có 2,2% doanh nghiệp quy mô lớn (trên 100 tỷ đồng). Các doanh nghiệp chế biến gỗ tập trung chủ yếu tại khu vực Đông Nam bộ (42%)”, báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp nêu.
Việt Nam thành nút thắt quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ
Các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp lớn vừa sản xuất gỗ xuất khẩu, ván nhân tạo... đang sử dụng các công nghệ hiện đại của châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), doanh nghiệp chế biến đồ gỗ tiêu thụ nội địa chủ yếu sử dụng công nghệ của Đài Loan và Trung Quốc.
Nguồn cung nguyên liệu gỗ trong giai đoạn 2017 - 2021 là 38,6 triệu m3/năm. Trong đó nguyên liệu gỗ trong nước chiếm 74,6% (khai thác từ rừng trồng tập trung chiến 50,8%, cây trồng phân tán chiếm 13,5%, rừng cao su thanh lý chiếm 10,4%).
Đáng chú ý, hàng năm Việt Nam vẫn đang nhập trên 300 triệu USD nguyên vật liệu phụ trợ, chiếm trên 90% tổng nhu cầu nguyên liệu, vật liệu.
Ngành gỗ có trên 500.000 lao động, số lao động được đào tạo chiếm 55 - 60%, lao động giản đơn theo mùa vụ chiếm 40 – 45%. Năng suất lao động bình quân tăng từ 17.000 USD/người/năm vào năm 2010 lên 25.000 USD/người/năm vào năm 2022.
Giai đoạn 2017 – 2021, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 10,88 tỷ USD/năm, các thị trường lớn là Hoa Kỳ (52,3%), Nhật Bản (11,2%), Trung Quốc (10,8), EU (7,4%)... Nhập khẩu gỗ giai đoạn 2017 – 2021 đạt 2,51 tỷ USD/năm.

“Vô danh”

Nêu quan điểm tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Diện – Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm Nghiệp cho biết từ năm 2017 – 2021, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng trưởng đều trên 2 con số, tăng trên 1 tỷ USD /năm.
“Với việc xuất siêu khoảng 13 tỷ USD trong năm nay, có thể nói ngành gỗ là trụ đỡ cho xuất siêu cả nước”, ông Diện lưu ý.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp, ngành gỗ trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, khi cuộc xung đột Nga – Ukraina đang phức tạp, vấn đề lạm phát tăng cao và thắt chặt chi tiêu cũng khiến người tiêu dùng dè dặt khi mua hàng. Đặc biệt, đáng nói nhất là việc gỗ Việt Nam hiện vẫn “vô danh” trên thị trường quốc tế.
Mỹ và EU “thắt lưng buộc bụng” hậu trừng phạt Nga khiến Việt Nam bị sụt giảm đơn hàng
“Hiện gỗ Việt vẫn bán thông qua doanh nghiệp nước ngoài chứ chưa thể tiếp cận trực tiếp với khách hàng, điều này làm chúng ta mất khoảng 25 – 30% giá trị gia tăng của sản phẩm”, ông Diện băn khoăn.
Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, Việt Nam đã xây dựng hình ảnh là quốc gia sản xuất đồ gỗ hàng đầu trên thị trường quốc tế.
Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ từ các sản phẩm thô đến tinh xảo với kim ngạch bình quân mỗi năm đều trên 10 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 2 ở châu Á, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
“Nhưng đáng buồn là trong số hơn 2.600 doanh nghiệp gỗ của cả nước lại chưa có một thương hiệu riêng nào của doanh nghiệp hay của Việt Nam tại thị trường nước ngoài, hầu hết đều phải xuất khẩu đồ gỗ thông qua thương hiệu của các nước khác”, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết.

Rủi ro từ thị trường Mỹ và phương Tây

Trong bối cảnh ở Mỹ và các nước phương Tây đang trong tình trạng lạm phát cao, lãi suất tăng, ngành địa ốc đóng băng dẫn đến hàng tồn kho ở các nhà bán lẻ nói chung, ngành gỗ Việt đang đối mặt với nhiều khó khăn hơn dự tính trước đó. Việc Hoa Kỳ và EU là các thị trường chính của gỗ Việt, nếu ở những quốc gia này xảy ra khủng hoảng hoặc thắt chặt chi tiêu, Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều rủi ro, theo đại diện một doanh nghiệp ngành gỗ.
Các Hiệp hội, Viforest, HAWA, đại diện doanh nghiệp thời gian qua cũng đề cập đến việc cần tìm kiếm thị trường mới, gần Việt Nam hơn như thị trường châu Á cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.
Mỹ, phương Tây trả giá đắt vì sai lầm trừng phạt Nga và tình huống của Việt Nam
Một số thị trường lớn và tiềm năng như Australia, Canada hay Trung Đông cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho ngành gỗ Việt tăng trưởng giai đoạn sắp tới.
Mở rộng, đa dạng hoá thị trường cũng đang là giải pháp nhiều doanh nghiệp đang ráo riết thực hiện trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển tăng mạnh bởi các yếu tố tác động bên ngoài.

Khẳng định vị thế gỗ Việt Nam

Tại Hội thảo, lý giải nguyên nhân của thực trạng gỗ Việt còn ‘vô danh’ ở thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp bày tỏ, do chính sách phát triển thương hiệu ngành chế biến gỗ chưa được thực hiện.
Cùng với đó, các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam chưa có kinh nghiệm, không đủ nguồn lực về vốn, con người, trình độ quản lý để phát triển hệ thống bán hàng ở nước ngoài.
Việc phát triển thị trường ở nước ngoài cũng đòi hỏi năng lực sản xuất quy mô lớn mà ít có doanh nghiệp Việt đáp ứng được.
Theo ông Trần Lê Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, một trong những giải pháp quan trọng nhất là thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn mác sản phẩm và quyền sở hữu công nghiệp các loại sản phẩm gỗ.
Ông Huy lưu ý rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cộng đồng doanh nghiệp gỗ cả nước, hợp tác phát triển chuỗi liên kết trồng rừng chứng chỉ FSC, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
Nhiều công nhân mất việc ở Việt Nam: “Rất bi đát”

“Cần tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, coi xây dựng, phát triển thương hiệu là việc cấp thiết gắn liền với tầm nhìn, giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển ngành gỗ”, ông Trần Lê Huy nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đề án phát triển quốc gia về sản phẩm gỗ, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển thương hiệu gỗ Việt tại một số thị trường xuất khẩu mũi nhọn như Hoa Kỳ hay tại các nước EU.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo các tham tán thương mại tại nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động liên quan đến việc xây dựng, phát triển thương hiệu gỗ Việt tại nước ngoài, để gỗ Việt có thể tiếp cận với đa dạng thị trường hơn.
Thảo luận