Vị này cũng dẫn chứng so sánh, trong khi các thương nhân Thái Lan có thể nhanh chóng nắm bắt được đặc điểm về giá cả và chào bán sản phẩm của mình tại đất nước tỷ dân, thì các thương nhân Việt Nam lại thường “chậm chân” hơn.
“Thiếu hiểu biết” về thị trường Trung Quốc
Sáng 10/12, Tổ điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức diễn đàn Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Bob Wang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã nêu ra 5 đề xuất cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc, đặc biệt là những sản phẩm vừa được ký kết trong nghị định thư.
Theo ông Wang, cơ quan chức năng và người nông dân Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây, thống nhất quy tắc đảm bảo việc thu hoạch, bảo quản trái cây Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, không được vi phạm về sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật cũng như quy trình đóng gói, bán hàng. Đồng thời, phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng khi xuất khẩu sản phẩm.
Ông Wang thẳng thắn cho biết, Việt Nam là nước đang xuất khẩu nhiều loại trái cây vào Trung Quốc nhưng các doanh nghiệp lại thiếu hiểu biết về xu hướng thị trường này.
Theo ông, các nhà kinh doanh Việt Nam đang bán hàng một cách thụ động, không tìm hiểu nhu cầu thực sự của người tiêu dùng.
“Các chợ đầu mối của Trung Quốc mở cửa vào buổi sáng. Rất nhanh chóng, thương nhân Thái Lan nắm bắt được giá và bán sản phẩm, trong khi thương nhân Việt Nam thì chậm hơn”, ông Wang so sánh.
Từ đó, vị này cho rằng, Việt Nam cần xây dựng mô hình nông nghiệp mới, kết nối chặt chẽ người sản xuất và người bán hàng để nắm bắt thông tin nhanh hơn từ thị trường Trung Quốc.
Tính đến việc bán trái cây trực tuyến
Theo ông Wang, từ tháng 9 đến nay, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Tuy vậy, ông cảnh báo các cơ quan quản lý, doanh nghiệp phải hết sức lưu ý những quy định về chất lượng sản phẩm tại Trung Quốc, nhằm đảm bảo cho vị trí của sầu riêng Việt Nam.
Ông Wang kiến nghị Chính phủ Việt Nam nên thành lập cơ quan xúc tiến thương mại nông sản với Trung Quốc, nhằm xây dựng thương hiệu và tiếp thị nông sản Việt Nam tại thị trường này.
Cách tốt nhất là thành lập Văn phòng thường trú tại Trung Quốc hoặc tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng qua các kênh mua sắm hiện đại, ít người trung gian hơn như các kênh mua sắm trực tuyến.
Ông Wang cũng cho hay, Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh sẽ khởi động dự án "Chợ trái cây quốc tế" tại Trung Quốc trong năm nay, dự kiến tổ chức phiên đầu tiên tại Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN ở TP.Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây.
Cụ thể, hiệp hội dự định tổ chức một cuộc triển lãm và bán sầu riêng Việt Nam quy mô lớn tại Nam Ninh vào khoảng ngày 24/12, sử dụng mô hình trực tuyến để đổi mới hình thức bán trái cây Việt Nam tại Trung Quốc.
“Theo cách này, trong tương lai trái cây có thể vừa được hái tại vườn Việt Nam nhưng đã bán xong hàng sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu quan tâm có thể liên hệ với chúng tôi để cùng nhau quảng bá mô hình bán hàng này”, ông Wang nói.