Việt Nam cũng đã từng bước xây dựng công nghiệp chế biến cà phê hiện đại, đa dạng sản phẩm, phù hợp thị hiếu thị trường.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng cao
Hội nghị quốc tế ngành cà phê Việt Nam năm 2022 - đón các nhà nhập khẩu ngành cà phê quốc tế vào Việt Nam giao dịch mua hàng do Hiệp hội Cà phê ca cao phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị tổ chức diễn ra ngày 11/12.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đánh giá, ngành cà phê Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về diện tích, năng suất, sản lượng.
Theo Thứ trưởng Tiến, nhiều tiến bộ đã được áp dụng vào sản xuất như giống mới, kỹ thuật thâm canh, tưới nước tiết kiệm, trồng xen, thiết kế cảnh quan, sơ chế, bảo quản, sản xuất có chứng nhận và nhất là tái canh cà phê đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê.
“Việt Nam cũng đã bước đầu hình thành công nghiệp chế biến cà phê nhân xuất khẩu, cà phê rang xay, cà phê hòa tan và hệ thống kho bảo quản 2,36 triệu tấn/năm”, ông Tiến thông tin.
Đến hết năm 2021, diện tích cà phê của Việt Nam đạt 710 ngàn ha, năng suất 2,7 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với năng suất bình quân của thế giới. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn cà phê, đạt trên 3,55 tỷ USD (tăng 31,3% so với cùng kỳ).
“Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong những niên vụ vừa qua, khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về cà phê”, Thứ trưởng nói và cho biết, dự kiến hết năm 2022, xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 3,9 - 4 tỷ USD.
Lưu ý động thái từ châu Âu
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương – ông Lê Hoàng Tài nhận định, Hội nghị ngành cà phê lần này là cơ hội cho các doanh nghiệp cà phê Việt Nam.
Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp chuẩn bị xuất khẩu và các doanh nghiệp có tiềm năng gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tác tiềm năng cũng như tiếp cận trực tiếp với các nhà nhập khẩu, các nhà môi giới thương mại cà phê trên thế giới.
Đây cũng là dịp tạo điều kiện cho các hợp tác xã, các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu tìm kiếm cơ hội liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tạo đầu ra ổn định cho người sản xuất, tận dụng các công nghệ sản xuất chế biến tiên tiết của các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó là hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác đầu tư, mở rộng cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Tài cho biết, bên cạnh những thuận lợi, ngành cà phê đang đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng kéo dài từ dịch bệnh Covid-19, những biến động của tình hình kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng lạm phát, sức mua giảm. Ngoài ra, xuất khẩu cà phê còn chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các nước xuất khẩu khác như Brazil, Ấn Độ, Colombia.
Đặc biệt, các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU đều ngày càng gia tăng yêu cầu về chất lượng, tính bền vững đối với các sản phẩm.
Ông Tài dẫn chứng, mới đây nhất, ngày 6/12, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy phá rừng, trong đó có cà phê.
“Đây rõ ràng là thách thực vô cùng lớn nhưng cũng là cơ hội để cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam thay đổi, thích ứng và phát triển”, đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cũng thừa nhận, dù đạt nhiều thành tựu nhưng ngành cà phê phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như tăng trưởng cao chưa bền vững, tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều rủi ro, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế.
Đặc biệt, cơ sở hạ tầng và quy trình sơ chế, chế biến, chế biến sâu còn yếu dù đã có những nhà máy quy mô tới 500 tỷ đồng. Do đó, theo ông Tiến, việc tiếp tục mời gọi đầu tư đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế phải được đẩy mạnh.
Đồng thời, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam và các bên liên quan tiếp tục rà soát quy mô trồng cà phê và quy chuẩn chế biến song song nghiên cứu lựa chọn, tạo giống có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chống chọi sâu bệnh, phù hợp thổ nhưỡng.
Bị cạnh tranh, cà phê Việt Nam cần tạo ra sự khác biệt
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11 ước tính đạt khoảng 110.000 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng giá trị xuất khẩu cà phê 11 tháng năm 2022 ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, với thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu như khu vực châu Á, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi, khai thác, tận dụng hiệu quả những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, nhanh chóng giành lại thị phần đã mất và từng bước mở rộng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, hiện Việt Nam đang từng bước tăng cường xuất khẩu cà phê chế biến, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu cà phê thô, mở ra triển vọng tính cực cho ngành cà phê.
Tại Hội nghị, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group lưu ý, trong mùa vụ 2021 - 2022, tổng xuất khẩu ước lượng khoảng 1,7 triệu tấn (bao gồm Arabica và thành phẩm), tăng 13% so với vụ trước do giá sàn cà phê London giữ ở mức cao khiến bà con hài lòng khi bán ra, không chịu sự cạnh tranh từ cà phê robusta Brazil.
Tuy vậy, trái ngược với 6 tháng đầu vụ, xuất khẩu cà phê liên tục tăng (trừ tháng 2 Tết) với gần 1 triệu tấn thì 6 tháng cuối năm 2022, lượng xuất khẩu giảm do người dân chỉ bán với mức cao và cạnh tranh từ cà phê robusta Indonesia.
Về niên vụ cà phê 2022 - 2023, ông Nam dự báo sản lượng trong nước giảm 10 - 15% so với vụ trước. Nguyên do là diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển đổi sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn (sầu riêng, bơ, hạt tiêu…), phơi sấy cà phê chậm do mưa nhiều như tại Đắk Lắk và Lâm Đồng, giá nhân công thu hái tăng cao (hơn 300.000 đồng/ngày).
Trong vài năm tới, lượng tiêu thụ nội địa dự kiến tăng ở mức 5 - 10% do nhiều nhà máy chế biến cà phê hòa tan đã và đang được xây mới, nhiều hệ thống chuỗi, quán cà phê mới được khai trương hoặc mở lại.
Đồng thời, Brazil có diện tích trồng cà phê rất lớn, gây sức ép cạnh tranh rất lớn đối với cà phê Việt.
“Do đó, cà phê Việt Nam cần nhanh chóng tìm chỗ đứng cho mình, đó là cần nhanh chóng đầu tư vào chiều sâu. Cùng với đó là trồng các loại giống có năng suất cao và xây dựng thị trường hàng hóa bền vững”, ông Nam khuyến nghị, cần tạo ra các sản phẩm cà phê có sự khác biệt.
Bán hàng theo “gói”, thay vì theo “bao”
Ông Đỗ Hải Nam nêu giải pháp để nâng cao giá trị cà phê cho nhà sản xuất, đảm bảo cuộc sống ổn định của người trồng cà phê.
Theo đó, Việt Nam cần đẩy mạnh các chương trình cà phê bền vững, cà phê chất lượng có các chứng nhận quốc tế như 4C, Rain Forest, Fairtrade… với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức quốc tế, các nhà rang xay hàng đầu thế giới.
Về phần mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời gian qua đã tham mưu xây dựng và triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển cà phê.
Trong đó có Đề án phát triển cà phê bền vững; Đề án tái canh cà phê; Đề án sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”, thành lập Ban chỉ đạo tái canh cà phê; Ban Điều phối ngành hành cà phê Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đề cập đến thách thức và giải pháp về vấn đề tăng lãi suất của các ngân hàng, cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng lại vùng trồng nguyên liệu, lao động trẻ có xu hướng rời quê, nhiều hộ nông dân bán đất trồng cây, tiêu thụ cà phê trong nội địa, áp lực từ doanh nghiệp FDI và miếng bánh thị phần.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý, để giảm bán hàng theo “bao”, tăng bán hàng theo “gói”, thì cần kêu gọi sự đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu gắn với quảng bá thương hiệu và văn hóa cà phê Việt Nam.