Động thái ‘nóng’ để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh vòng quay tiền tệ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện hỏa tốc gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng về cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.
Sputnik
Đây là động thái rất đáng chú ý nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, cung cấp vốn tín dụng đúng mục tiêu, đẩy nhanh ‘vòng quay tiền tệ’ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân dịp cuối năm.

Chỉ đạo ‘nóng’, hối thúc NHNN cung ứng vốn cho nền kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Công điện hoả tốc Thủ tướng Chính phủ gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu Thống đốc Nguyễn Thị Hồng có các biện pháp kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, Thống đốc cần chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chương trình. Rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay.
“Chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh”, Thủ tướng lưu ý.
NHNN muốn nới "room ngoại" lên 49% cho các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc
Từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và góp phần xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thủ tướng yêu cầu cần tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý nhà nước, chống sở hữu chéo, các hoạt động không lành mạnh, không đúng hướng, trục lợi chính sách và khẩn trương kiện toàn lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng trước ngày 20/12 để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình hiện nay.
Trước đó vào ngày 6/12, kết luận phiên họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ hợp lý theo tinh thần chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả.
“Bảo đảm thanh khoản, ổn định hệ thống ngân hàng một cách an toàn; tìm điểm cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng”, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật, đúng mục tiêu, tập trung tín dụng cho 3 đột phá chiến lược. Trong đó xác định 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
“Tăng cường giám sát, kiểm tra để tín dụng đi đúng, đi trúng mục tiêu và chống tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách”, ông Phạm Minh Chính nêu rõ.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao sửa đổi Nghị định 31 để tiếp tục triển khai, đồng thời rà soát, đánh giá lại chính sách này để có phương án phù hợp.

Đẩy nhanh vòng quay tiền tệ

Vấn đề khoảng cách giữa cung – cầu tín dụng một lần nữa được nhiều doanh nghiệp, ngân hàng đề cập tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp” do Báo Người Lao động tổ chức ngày 13/12 ở TP.HCM.
Như báo chí trong nước thời gian qua phản ánh, kênh trái phiếu doanh nghiệp bị tắc, vốn đầu tư công chậm giải ngân, vốn vay ngân hàng không dễ tiếp cận… đang khiến dòng tiền của nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa cao điểm trước Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, đại diện ngành ngân hàng khẳng định, dòng vốn chờ đổ vào nền kinh tế rất lớn, nhưng cũng phải “đốt đuốc” đi tìm doanh nghiệp tốt mới cho vay tiền để tránh nợ xấu.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực tế, nguồn vốn cho nền kinh tế không chỉ có vốn ngân hàng mà còn nhiều kênh khác.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại tọa đàm.
Trong đó, quan trọng là nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, thứ 2 là kênh trái phiếu doanh nghiệp có quy mô lên đến 1,8 triệu tỷ đồng.
“Vấn đề hiện nay là cần phải có giải pháp khơi thông nguồn vốn trung dài hạn quan trọng này. Bởi các ngân hàng không thể mãi lo nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, vì tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp”, ông Quang thẳng thắn.
Ông Quang thừa nhận, kênh dẫn vốn và nguồn vốn hiện nay đúng là đang nghẽn. Nguồn vốn quan trọng nhất của nền kinh tế là đầu tư công.
“Những năm trở lại đây, Chính phủ rất quyết liệt thúc đẩy đầu tư công nhưng kết quả giải ngân thấp nên sự lan toả ra nền kinh tế rất chậm. Vòng quay tiền tệ của ngành ngân hàng từ đó cũng chậm theo”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ bày tỏ.
Thống kê cho thấy, 11 tháng năm 2022, kênh dẫn vốn lớn nhất cho nền kinh tế là kênh tín dụng ngân hàng. Hiện tăng trưởng tín dụng đạt trên 12%, các ngân hàng đã cung ứng gần 1,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế.
Điều này cho thấy, vai trò của ngành ngân hàng trong thời gian qua đóng vai trò rất lớn cho sự phục hồi và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Dù vậy, nguồn vốn này vẫn chưa đủ, vì nhu cầu của doanh nghiệp là rất lớn.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã nới tín dụng thêm 1,5-2% trên chỉ tiêu 14%, để tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt 15,5-16%.
Từng tuyên bố chắc nịch, vì sao Ngân hàng Nhà nước bất ngờ ‘bẻ lái’?
Như vậy, chỉ còn khoảng 3 tuần cuối tháng 12 để hệ thống ngân hàng cung ứng ra nền kinh tế 300.000 - 400.000 tỷ đồng.
“Đây cũng là một thách thức, dù nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế rất lớn”, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ nêu rõ.
Theo ông Quang, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng thương mại cũng phải “đốt đuốc” tìm doanh nghiệp tốt để cho vay. Các doanh nghiệp tốt không chỉ một ngân hàng mà nhiều ngân hàng cùng cấp hạn mức tín dụng, duy trì quan hệ tín dụng. Bởi các ngân hàng cũng rất muốn giải ngân cho vay, họ phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí.
Đề cập thực tế ở Việt Nam luôn có khoảng cách giữa cung và cầu tín dụng, ông Quang cho biết, ngành ngân hàng luôn muốn thu hẹp khoảng cách, tạo điều kiện để ngân hàng với doanh nghiệp có tiếng nói chung.
“Và thời gian qua, đã có nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng – doanh nghiệp được tổ chức để tìm tiếng nói chung, từ đó nguồn vốn tín dụng mới lan toả ra nền kinh tế”, đại diện NHNN nói.
Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng rất quan tâm hướng dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế; trong đó có hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, phải là các doanh nghiệp có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng đi đúng hướng

‘Phanh’ thế nào để không gây bất ngờ

Phát biểu từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel cho rằng, sau đại dịch, các doanh nghiệp như một cơ thể ốm yếu cần oxy và nguồn tài chính chính là nguồn oxy đó.
“Với tình hình tiếp cận vốn khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp phải chia nhau vốn thế này thì doanh nghiệp không thể khoẻ lên được”, ông Kỳ nói thẳng.
Lãnh đạo Vietravel đề xuất chính sách hỗ trợ phải có sự khác biệt giữa giai đoạn sau dịch với trước đây; đồng thời thiết kế chính sách phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Chính phủ có chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho một số đối tượng doanh nghiệp nhưng du lịch lại không được đưa vào diện ưu đãi. Tương tự, ngành hàng không cũng đang thiếu vốn trầm nhưng chính sách thiết kế cho 2 ngành này gần như không có.
“Do đó, cần xem xét, nhìn lại thiết kế chính sách cho phù hợp để tránh sự lệch pha như hiện nay”, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel phát biểu tại tọa đàm.
Về du lịch, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia cho rằng, việc quan trọng nhất bây giờ là Hiệp hội du lịch nên đề xuất cởi mở hơn đối với du lịch quốc tế. 11 tháng có khoảng 96 triệu khách du lịch trong nước nhưng chỉ có khoảng 3 triệu khách quốc tế, không hoàn thành kế hoạch 5 triệu trong năm nay. Mở cửa khách du lịch quốc tế tốt hơn nữa là giải pháp vô cùng quan trọng để thúc đẩy ngành du lịchViệt Nam.
“Cần có những cách làm hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, bên cạnh những khó khăn về vốn.
Về vấn đề vốn cho doanh nghiệp trong thời gian cao điểm trước Tết Nguyên đán, TS. Cấn Văn Lực cũng nêu có 2 xu hướng cần quan tâm.
Trước hết là cần đề xuất Chính phủ chỉ đạo sớm giải quyết, xử lý nhanh những vụ việc vừa qua để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư; trong đó, hết sức chú ý câu chuyện trái phiếu đáo hạn trong thời gian tới, nhất là lĩnh vực bất động sản.
“Chúng ta không thể dùng tiền ngân sách để can thiệp nhưng phải tạo cơ chế, chính sách cho phù hợp có tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Ví dụ, giãn, hoãn nợ, giãn, hoãn thuế, tăng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp… là những giải pháp hoàn toàn nằm trong khả năng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản”, ông Lực lưu ý.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc điều hành tín dụng trong thời gian tới cũng cần rút kinh nghiệm năm 2022. Trong 6-7 tháng đầu năm 2022, tín dụng tăng trưởng nhanh nhưng không lường được hết các khó khăn liên quan đầu tư công và việc “phanh lại” tín dụng, dẫn đến dòng vốn cho doanh nghiệp bị gián đoạn.
“Do đó, cần cân nhắc "phanh" như thế nào để không tạo bất ngờ cho doanh nghiệp, nền kinh tế”, ông Lực khuyến nghị.
Đối với dòng vốn tín dụng bất động sản, TS. Cấn Văn Lực đề xuất Bộ Xây dựng nên phân nhóm doanh nghiệp bất động sản theo từng phân khúc như nhà ở, nghỉ dưỡng, nhà ở xã hội, khu công nghiệp và giám sát cho vay theo nhóm này. Các nước khác cũng đang làm tương tự như vậy.
Bản thân các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn, từ vốn ngân hàng và kênh khác. Cái chính là cần công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, doanh nghiệp cần quan tâm hơn về quản lý, kiểm soát rủi ro.
Thủ tướng có chỉ đạo đặc biệt đối với Ngân hàng Nhà nước và tỉnh Bạc Liêu
Thời gian qua, do một số doanh nghiệp ít quan tâm tới quản lý rủi ro, nên khi xảy ra thì sẽ rất bị động, như rủi ro về tỷ giá, lãi suất, dòng tiền đang ảnh hưởng trực tiếp thời gian qua.
Các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp cũng nên hạn chế dùng đòn bẩy tài chính. Việc dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều và đầu tư dàn trải là yếu tố mấu chốt khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn như hiện nay. Đồng thời, việc doanh nghiệp đầu tư hàng loạt dự án cùng lúc sẽ khó quản lý và kiểm soát rủi ro khi có biến động xảy ra, dễ kéo theo nhiều hệ luỵ.
Bước sang 2023 - năm có rất nhiều thách thức khó khăn, đặc biệt là áp lực lạm phát rất lớn, nhưng theo Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Phạm Chí Quang, không phải vì thế mà NHNN Việt Nam chỉ bảo vệ lạm phát.
“Thời gian qua, chúng tôi luôn bám sát lạm phát để tham mưu cho các cấp chính quyền kềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, về mặt điều hành đồng bộ các chinh sách tiền tệ để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội”, ông Quang tái khẳng định.
Thảo luận