Thủ tướng có chỉ đạo đặc biệt đối với Ngân hàng Nhà nước và tỉnh Bạc Liêu
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bạc Liêu
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Đăng ký
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam rà soát phân loại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, thực hiện ngay việc nới room tín dụng phù hợp.
Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý, nếu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản thì phối hợp với các tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để xử lý ngay.
Chính phủ đã lập 3 tổ công tác đặc biệt
Chiều 4/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng thông tin, vừa qua Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác đặc biệt để xử lý các vấn đề liên quan đến tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Theo đó, tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng.
Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng.
Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng.
Thủ tướng yêu cầu, các địa phương phải phối hợp với các tổ công tác đặc biệt này, có gì cần trao đổi, cần báo cáo để tìm hiểu đúng nguyên nhân bản chất vấn đề, góp phần xử lý các khó khăn, vướng mắc, những gì còn tiềm ẩn rủi ro.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bạc Liêu
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bạc Liêu
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Chỉ đạo NHNN nới room tín dụng
Công ty Chứng khoán VNDirect cập nhật báo cáo cho biết, tín dụng hệ thống đã tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021 và 11,5% so với đầu năm tính đến hết tháng 10/2022, cao hơn mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái (+8,8% so với đầu năm).
Dù vậy, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 2% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 10, trong khi tốc độ tăng tại ngày cuối tháng 6 so với đầu năm là 9,4%. Theo VNDirect, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại một cách rõ rệt khi kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian còn lại của năm 2022.
Phát biểu tại tỉnh Bạc Liêu chiều ngày 4/12, người đứng đầu Chính phủ cho biết đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững.
Thủ tướng yêu cầu NHNN nghiên cứu và “thực hiện ngay” việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả để vừa kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Ông Phạm Minh Chính cũng lấy ví dụ ngành hàng tôm đang hoạt động tốt, có thị trường xuất khẩu.
Báo cáo vừa qua của NHNN cho biết, tính đến ngày 25/11/2022, huy động vốn tăng 5,01% (VND tăng 3,81%, ngoại tệ tăng 18,34%); tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,14% (VND tăng 13,16%, ngoại tệ giảm 4,92%) so với cuối năm 2021.
“Đi lên từ bàn tay, khối óc”
Báo cáo với Thủ tướng, tỉnh Bạc Liêu cho biết, GRDP ước cả năm tăng 9,6%, cao hơn ước chung cả nước là 8%. Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 ước đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng, vượt 25,7% dự toán, tăng 10,7% so với năm 2021. Tỉnh dự kiến có 15/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Điểm sáng của tỉnh chính là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực, 8 dự án điện gió hiệu quả với tổng công suất là 469,2 MW (thứ 3 cả nước), tổng sản lượng điện gió đạt trên 2 tỷ kWh/năm.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án trọng điểm tại Bạc Liêu
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án trọng điểm tại Bạc Liêu
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Tỉnh Bạc Liêu đề xuất Thủ tướng xem xét hỗ trợ về phát triển năng lượng; đầu tư cao tốc nối cao tốc Cần Thơ-Cà Mau tới tuyến đê biển Bạc Liêu; đầu tư tuyến đườn ven biển Bạc Liêu; nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Bạc Liêu; phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và một số vấn đề liên quan quản lý đất đai, khoáng sản; hỗ trợ người dân mua bảo hiểm xã hội; đẩy mạnh phát huy lợi thế ngành thuỷ hải sản, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Lãnh đạo Chính phủ bày tỏ, tỉnh Bạc Liêu có lợi thế cạnh tranh, phát triển nông nghiệp, đặc biệt là có thể làm giàu từ gạo và tôm, phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, hydrogen.
“Với nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Bạc Liêu có đầy đủ yếu tố để phát triển kinh tế-xã hội xanh, nhanh và bền vững, đặc biệt về nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và thương mại, dịch vụ, du lịch”, Thủ tướng nói.
Về hạn chế, người đứng đầu Chính phủ phân tích, Bạc Liêu còn có tỷ lệ lạm phát địa bàn cao, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 58,1% (tính đến 30/11), chưa thu hút hiệu quả FDI, hạ tầng y tế, giáo dục còn hạn chế; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thấp xếp thứ 55/63; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế…
Qua đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, dứt khoát không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, lo sợ trước tình hình, mà phải giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì trong những vấn đề nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình, nhất là trước các vấn đề phát sinh.
“Tỉnh Bạc Liêu phải phát huy tối đa nội lực đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Bạc Liêu cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới, tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu xây dựng các trường dạy nghề, đại học phù hợp với lợi thế, chiến lược phát triển của tỉnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, về định hướng, Bạc Liêu sẽ phát triển dựa trên trọng tâm là 3 đột phá chiến lược về hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, đẩy mạnh công tác quy hoạch, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược.
“Phải dành những vị trí đất vàng thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh tạo công ăn việc làm, của cải vật chất”, lãnh đạo Chính phủ lưu ý tỉnh Bạc Liêu về công tác quy hoạch.
Đưa Bạc Liêu thành một trung tâm về năng lượng sạch của Việt Nam
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị Bạc Liêu cần coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, duy trì bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, “nhất là người đứng đầu”.
Bạc Liêu tiếp tục nâng tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ, phát huy thế mạnh của tỉnh để triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ.
“Trong nông nghiệp, cần chú trọng lúa và tôm, chú ý nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi bền vững, kiên quyết chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)”, Thủ tướng chỉ đạo.
Tỉnh cần thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và nghiên cứu xây dựng trung tâm chế biến thức ăn gia súc và thủy sản cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Là tỉnh có thế mạnh về năng lượng tái tạo, Thủ tướng yêu cầu đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam. Đẩy mạnh công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông sản chủ lực.
Về du lịch, tỉnh phải nâng cao chất lượng, tính đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, gắn với truyền thống văn hóa lịch sử đặc sắc, tăng cường tính liên kết nội tỉnh và liên kết vùng.
Trước mắt, tỉnh Bạc Liêu cần khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng dịch COVID-19, không để xảy ra dịch chồng dịch. Chuẩn bị đủ nguồn cung, kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, bảo đảm cung ứng xăng dầu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tỉnh Bạc Liêu bảo vệ môi trường, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tập trung bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm người nghèo, người yếu thế, làm tốt chính sách với người có công, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai không có Tết.