“Khả năng xuất khẩu khí đốt hàng tỷ đô la đang được đặt vào ván bài”, - nhà bình luận Javier Blas viết.
Ông cũng lưu ý rằng tại một cuộc họp do Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford tổ chức, nhiều chính trị gia và chuyên gia cho biết họ nhất trí với ý kiến cho rằng Nga có thể một lần nữa trở thành nhân vật chủ chốt trên thị trường năng lượng châu Âu.
“Tôi đồng ý với những người nói “có”, - ông Blas tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng “hiện thực không thể phủ nhận về mặt địa lý và thị trường” quan trọng hơn nhiều so với ý kiến của bất kỳ chính trị gia nào.
Tác giả cũng lưu ý rằng Nga từng là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu trong nhiều năm.
“Cây cầu năng lượng (giữa Nga và EU), được xây dựng trong nhiều thập niên đã vượt qua những giai đoạn giá rét nhất của Chiến tranh Lạnh, sự tan rã của Liên Xô và quá trình tự do hóa thị trường năng lượng châu Âu”, - tác giả nhấn mạnh.
Theo nhà báo, các chính trị gia châu Âu có những ý kiến khác nhau về quan hệ giữa EU và Nga. Ví dụ, Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler nói rằng "tự do" của EU chỉ đạt được khi từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga, trong khi Thủ hiến bang Sachsen của Đức, ông Michael Kretschmer lại lưu ý rằng việc cắt đứt quan hệ năng lượng với Moskva sẽ là "sự thiếu hiểu biết về lịch sử và sai lầm về địa chính trị".
Cuối bài báo, tác giả phán đoán rằng do quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, EU sẽ không cần đến một lượng nhiên liệu xanh lớn như vậy, tuy nhiên, nếu châu Âu cố gắng duy trì các ngành công nghiệp của mình ở thế cạnh tranh, thì họ cần phải có nhiên liệu với giá cả phải chăng. Theo nhà báo Blas, châu Âu sẽ không tìm được nguồn cung cấp nào rẻ hơn so với khí đốt của Nga.
Các nước phương Tây đang phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao và chỉ số lạm phát nhảy vọt do áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Moskva và chính sách từ bỏ nguồn nhiên liệu của Nga. Trong bối cảnh giá nhiên liệu chủ yếu là khí đốt đắt lên, ngành công nghiệp châu Âu phần lớn đã mất đi lợi thế cạnh tranh, điều này cũng ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Ngoài ra, Hoa Kỳ và các nước châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao kỷ lục sau nhiều thập niên.