Tăng trưởng GDP là thành công rõ ràng của Việt Nam
“Tất nhiên là chưa có số liệu cuối cùng và trong các báo cáo thống kê 11 tháng đầu năm cũng chưa có chỉ tiêu này. Mới có số liệu về tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm là khoảng 3%. Các tổ chức xếp hạng và ngân hàng thế giới dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay và những năm tới ở mức 6,5-7%. Theo tôi, nó chỉ ở mức 4-5%. Nhưng đây cũng đã là một thành công lớn đối với kinh tế Việt Nam, vì do hậu quả của việc phong tỏa chống đại dịch và hậu Covid, chỉ số này của nhiều quốc gia về âm”, - ông Vladimir Mazyrin lưu ý.
Trò chơi thống kê
“Gần đây tôi mới tìm được lời giải thích cho hiện tượng này. Hóa ra cơ quan thống kê của nhà nước Việt Nam đã thay đổi phương pháp tính toán và đưa vào đó các nguồn bổ sung: kinh tế ngầm, hộ gia đình - những thứ được cho là chưa được tính đến trước đây. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất sử dụng các kỹ xảo như vậy, chúng từng được sử dụng bởi Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác. Vì vậy, đây không phải là một phát minh mới nào cả, mặc dù nói chung, đây là một sự bóp méo, một trò chơi thống kê. Những thành công được phóng đại một cách có chủ ý để cho thấy sức hấp dẫn đầu tư của đất nước”, – ông Vladimir Mazyrin nói tiếp.
Công nghiệp là đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam
“Tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp là khoảng 9%, trong đó sản xuất điện tăng trưởng 7,7%. Điều này cho thấy công nghiệp vẫn là ngành chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam. Và với sự hỗ trợ đầy đủ của phương Tây, Việt Nam đang chuyển đổi thành công thành xưởng sản xuất thế giới, thay thế một phần vai trò này của Trung Quốc. Phương Tây tìm cách biến Trung Quốc thành kẻ bị tẩy chay, họ lập luận điều này với sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy từ Trung Quốc sang Việt Nam”, – Giáo sư Vladimir Mazyrin nói.
Vốn đầu tư nước ngoài không nằm chết
“Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một phần lớn trong dòng vốn chảy vào là do các doanh nghiệp nước ngoài - chủ yếu là các tập đoàn xuyên quốc gia Mỹ và châu Âu, đang tích cực chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và đã góp phần lớn trong gia tăng sản xuất. Mức tăng trưởng này lớn đến mức khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về những lý do giải thích cho mức tăng trưởng GDP kỷ lục của nước này do các cơ quan xếp hạng thế giới dự đoán.
Có lẽ họ đang thống kê cho Việt Nam khối lượng sản xuất tại các nhà máy trước đây đặt tại Trung Quốc nhưng hiện đã chuyển sang Việt Nam, tức là họ đang thống kê cho Việt Nam sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là giả thiết của riêng tôi và không chắc là nó sẽ được phương Tây chấp nhận vì quan điểm của phương Tây là Trung Quốc thì xấu - mọi thứ của Trung Quốc đều đi xuống, còn Việt Nam thì mọi thứ đi lên”, – ông Vladimir Mazyrin nói.
Khối lượng ngoại thương đang tiến gần đến một nghìn tỷ đô la
“Tôi tin rằng đến cuối năm, cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu sẽ đạt khoảng 400 tỷ USD và kim ngạch thương mại của Việt Nam sẽ đạt con số 800 tỷ USD. Các cơ quan xếp hạng có cơ sở báo cáo rằng chỉ số ngoại thương của Việt Nam sẽ đạt mốc nghìn tỷ USD trong thời gian tới”, – chuyên gia Nga tin tưởng.