Kinh tế Việt Nam: ‘3 lùi, 4 tiến, 5 cải cách’
© Depositphotos.com / Vietnam_imagesThành phố Hồ Chí Minh.
© Depositphotos.com / Vietnam_images
Đăng ký
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra các động lực và rào cản đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022 cũng như triển vọng cho năm 2023.
Bất chấp các biến động toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy sự ổn định. Không chỉ WB, nhiều định chế tài chính lớn khác của thế giới như IMF, ADB, HSBC, Moody’s, Fitch, Standard Chartered…thời gian qua đều đánh giá cao tốc độ hồi phục và tăng trưởng kinh tế thần tốc của Việt Nam.
‘4 tiến’
Năm 2022, trong bối cảnh thế giới tiếp tục chứng kiến biến động ở nhiều khu vực, từ những "tàn dư" của đại dịch COVID-19 đến xung đột Nga - Ukraina và những hệ lụy đi kèm, khiến kinh tế toàn cầu rơi vào vùng "không xác định", thì Việt Nam vẫn cho thấy những nền tảng kinh tế vững chắc.
Đây là điều không phải quốc gia nào cũng làm được. Ngân hàng Thế giới (WB) giữ quan điểm cho rằng, Việt Nam sẽ là nền kinh tế dẫn đầu khu vực Đông Á - Thái Bình Dương với mức tăng trưởng 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023.
Ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đã có những đánh giá về động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và triển vọng của năm 2023.
Nhận định về động lực chính giúp Việt Nam đạt tăng trưởng cao và được WB dự báo sẽ dẫn đầu khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ông Coppola cho biết, kết quả kinh tế tích cực của Việt Nam trong năm 2022 được thúc đẩy bởi 4 yếu tố chính.
Có thể nói, đây là 4 động lực kéo kinh tế Việt Nam tiến về phía trước và vụt sáng trong năm nay cũng như duy trì được nền tảng tốt cho năm sau, vốn sẽ có nhiều thách thức hơn.
Yếu tố thứ nhất, theo kinh tế trưởng WB Việt Nam, chính là động lực xuất khẩu. TTXVN dẫn ý kiến của ông Andrea Coppola cho hay, xuấ khẩu của Việt Nam vốn đã rất mạnh trong quá khứ, cho thấy khả năng phục hồi ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch COVID-19, với xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính.
Động lực tăng trưởng thứ hai là nhu cầu trong nước. Tiêu dùng trong nước và doanh số bán lẻ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2022.
Điều này được thể hiện qua việc doanh số bán lẻ tháng 10/2022 ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2021.
“Chúng tôi đánh giá nhu cầu trong nước của Việt Nam dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng bởi lạm phát trong nước gia tăng thời gian tới, nhưng vẫn sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2023”, ông Andrea Coppola nói.
Yếu tố thứ ba thúc đẩy nền kinh tế tiến lên đó là đầu tư. Đại diện WB khẳng định, đầu tư đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Việt Nam.
Trong giai đoạn tháng 1-11/2022, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Cuối cùng, chính là hiệu ứng xuất phát điểm thấp.
“Có một thực tế là đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam trong năm ngoái, đặc biệt là trong quý III của năm. Do đó, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ được ghi nhận trong năm 2022 cũng là kết quả của hiệu ứng xuất phát điểm thấp”, ông Coppola nhận xét.
‘3 lùi’ và triển vọng cho năm 2023
WB dự báo Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng kinh tế 7,2% năm 2022.
“Việt Nam đã ghi nhận kết quả kinh tế vĩ mô tốt trong năm 2022. Nền kinh tế dự kiến tăng trưởng 7,2% trong năm 2022”, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.
Nhận định về năm 2023, chuyên gia kinh tế trưởng WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.
“Dự báo của chúng tôi là nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại trong những tháng tới, do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm”, ông Coppola cho biết.
Nhiều chuyên gia cũng có chung niềm tin rằng, sẽ có những rào cản, thách thức kéo lùi đà tăng trưởng mạnh mẽ của đất nước, tuy nhiên, không vì thế mà triển vọng kém tươi sáng.
Theo ông Andrea Coppola, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất lâu dài và sự kết hợp của nhiều cú sốc liên quan đã kéo kinh tế toàn cầu đi xuống.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được cho là sẽ giảm tốc mạnh trong năm 2023. Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nêu ra ba lực cản mạnh đã và đang tác động đến kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 là áp lực lạm phát dai dẳng, các điều kiện tài chính xấu đi và đà tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc cùng các nền kinh tế lớn khác.
“Trong bối cảnh đó, triển vọng kinh tế toàn cầu rất u ám”, ông Coppola nhấn mạnh.
Sự giảm tốc mạnh của kinh tế toàn cầu và các cú sốc kinh tế bổ sung, chẳng hạn việc các ngân hàng trung ương thực hiện thắt chặt tiền tệ mạnh hơn dự kiến, có thể dẫn đến suy thoái.
“Trong năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những "cơn gió ngược" mạnh ở cả bên ngoài và bên trong”, kinh tế trưởng WB Việt Nam nói.
Phân tích sâu hơn, ông Andrea Coppola cho biết, rủi ro bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng, xu hướng các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ và suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam, cũng như sự gián đoạn liên tục trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ở trong nước, môi trường lạm phát cao hơn và sự không chắc chắn trong lĩnh vực tài chính có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam cần làm gì để vượt qua thách thức?
Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, đại diện WB lưu ý, sự không chắc chắn và những rủi ro đang hiện hữu đối với kinh tế toàn cầu đã đặt các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam vào thế khó.
Theo đó, các lãnh đạo Việt Nam sẽ phải cân bằng giữa việc tiếp tục hỗ trợ chính sách để củng cố quá trình phục hồi và kiềm chế lạm phát cũng như các rủi ro tài chính mới nổi.
Đồng thời, mức độ không chắc chắn cao sẽ đòi hỏi tổ hợp chính sách phải thích ứng với hoàn cảnh thay đổi.
“Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất và áp lực tỷ giá vẫn còn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa”, ông Coppola cho hay.
Ngoài ra, đại diện WB cũng đề nghị, khi áp lực tỷ giá hối đoái dai dẳng, việc bán ngoại tệ trực tiếp cần được sử dụng rất thận trọng để duy trì dự trữ ngoại hối.
“Trong trường hợp tỷ giá trượt giá nhanh hơn dẫn đến lạm phát gia tăng đáng kể và kỳ vọng lạm phát tăng lên, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét sử dụng lại lãi suất tham chiếu”, ông Coppola bày tỏ.
Tuy nhiên, dư địa chính sách hạn chế do lãi suất đã ở mức cao. Khi đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ giúp hạn chế tối đa việc tăng thêm lãi suất.
Theo ông, các cơ quan chức năng có thể xem xét hạn chế chi tiêu công đồng thời ưu tiên chi cho phát triển nguồn nhân lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công đã được chọn có tác động dự kiến cao nhất đến tăng trưởng kinh tế.
“Quản lý đầu tư công hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát”, chuyên gia nhắc lại.
Về chính sách trong lĩnh vực tài chính, để giải quyết những thách thức về thanh khoản trong ngành ngân hàng, khi một số ngân hàng trở nên dễ bị tổn thương hơn và cần hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước có thể giúp khôi phục niềm tin thông qua việc hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp.
“Điều kiện là các ngân hàng phải có kế hoạch khôi phục khả năng thanh khoản thỏa đáng, không phụ thuộc thường xuyên vào nguồn vốn vay từ ngân hàng nhà nước”, ông Andrea Coppola thẳng thắn.
Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng dẫn ra thực tế, một số yếu kém về thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản trong những năm qua đã hạn chế hiệu quả của chính sách tài khóa của Chính phủ và tác động của chính sách này đối với tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, chi tiêu công gặp nhiều khó khăn do những thách thức trong quá trình triển khai, bao gồm các vấn đề như thu hồi đất và tái định cư. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với các dự án sử dụng vốn ODA, mà việc thu hồi đất và tái định cư được thực hiện bằng nguồn vốn đối ứng thường bị dự toán thấp trong quá trình chuẩn bị dự án, dẫn đến không đủ vốn ở giai đoạn thực hiện.
Một vấn đề khác làm chậm tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công là khâu chuẩn bị dự án còn yếu kém. Chuyên gia khuyến nghị, để tăng cường hiệu quả quản lý đầu tư công, các cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án bằng cách đưa ra các ước tính chính xác hơn về chi phí và lợi ích, bao gồm cả chi phí giải quyết đất đai.
“Nếu dự án được đánh giá là không khả thi sau khi phân tích chi tiết, các cơ quan chức năng nên đơn giản hóa thủ tục hành chính để cho phép điều chỉnh kịp thời”, ông Coppola khẳng định.
5 cải cách
Để Việt Nam đặt mục tiêu hiện thực hóa khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, chuyên gia kinh tế trưởng của WB cũng nêu một số kiến nghị, đặc biệt là 5 cải cách quan trọng.
Theo phân tích của ông Coppola, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần trong ba thập kỷ qua, nhưng các thể chế của Việt Nam chưa thích ứng kịp với tốc độ tương tự.
Trong bối cảnh đó, một loạt cải cách thể chế có thể giúp đất nước tránh bẫy thu nhập trung bình bằng cách nâng cao năng lực ứng phó với những thách thức mới và phức tạp trên toàn cầu cũng như trong nước.
Theo báo cáo đánh giá quốc gia gần đây của Nhóm Ngân hàng Thế giới với tiêu đề "Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả", Việt Nam cần thực hiện 5 cải cách thể chế.
Cụ thể, thứ nhất, cần tạo nền tảng thể chế vững chắc cho từng ưu tiên phát triển, nhằm biến những ưu tiên phát triển đó thành hành động cụ thể. Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao hiệu lực của chính quyền các cấp. Thứ ba, sử dụng các công cụ dựa trên thị trường để tạo động lực cho các bên liên quan thuộc khu vực công và khu vực tư. Thứ tư, thực thi hiệu quả các quy tắc và quy định để tăng cường động lực, niềm tin và sự công bằng. Cuối cùng, áp dụng các quy trình nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn.
Chuyên gia lưu ý, khi áp dụng những cải cách thể chế này một cách có hệ thống hơn, Việt Nam sẽ có thể củng cố tầm nhìn về phát triển kinh tế, tăng cường năng lực thực hiện các chiến lược quốc gia và nâng cao năng lực tạo ra kết quả trong một số lĩnh vực then chốt để giúp đất nước đạt được các mục tiêu phát triển, chẳng hạn như tăng trưởng xanh, chuyển đổi kỹ thuật số, tài chính bao trùm, an sinh xã hội và nâng cấp cơ sở hạ tầng.