Chuẩn bị cho cuộc đọ sức cuối cùng
“Từ năm 1966 - 1972, Quân chủng phòng không - không quân đã cử một số Trung đoàn vào phía Nam (Quân khu 4) để nghiên cứu cách đánh B52. Đó là cách chuẩn bị cho trận Điện Biên Phủ trên không và biên soạn ra tài liệu “Cách đánh B52” của bộ đội tên lửa. Đến tháng 10/1972 nhằm chuẩn bị đối phó với tập kích trên không của Mỹ, quân chủng tổ chức cuộc tập huấn cho toàn bộ kíp chiến đấu của bộ đội tên lửa ở khu vực phía Bắc. Trong cuộc tập huấn này, khi kết luận Đại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh quân chủng phòng không không quân có giao nhiệm vụ cho các kíp tên lửa chiến đấu của khu vực Hà Nội “nếu B52 đánh vào Hà Nội thì các đồng chí phải bắn rơi tại chỗ một chiếc B52 để đưa đuôi của nó vào bãi tha ma máy bay Mỹ tại miền Bắc”, Đại tá Nguyễn Đình Kiên kể.
Dũng cảm, sáng tạo trong muôn vàn gian khó
“Máy bay B52 có thể mang đến 30 tấn bom, trang bị một hệ thống nhiễu gồm 15-16 các máy gây nhiễu các loại radar, đài tên lửa, đài thông tin liên lạc, thậm chí cả đầu đạn nổ sớm ví dụ như nhiễu tiêu cực, nhiễu tích cực. Một tốp 3 máy bay B52 luôn có 12-16 chiếc F4 đi theo hộ tống. Khi đánh Hà Nội, thường có 1 đội hình từ 30-45 chiếc B52 trong một đợt và gần 100 máy bay hộ tống vòng trong. Vòng ngoài thì Mỹ sử dụng các loại máy bay EB-66, EC-130 bay dọc biên giới Việt - Lào và trên Biển Đông để gây nhiễu ngoài đội hình”.
“Đấy là những điều rất khó khăn cho không quân Việt Nam. Do đó, lực lượng nòng cốt vẫn là bộ đội tên lửa. Tên lửa ta bị đội hình nhiễu che phủ như vậy nhưng do đã được chuẩn bị trước và nhiễu tạp của không quân chiến thuật Mỹ cũng trùng với nhiễu tạp của B52. Do được huấn luyện nhuần nhuyễn và đã quen với không quân chiến thuật Mỹ, nên bộ đội tên lửa phòng không Hà Nội cũng thuận lợi hơn”, Đại tá Nguyễn Đình Kiên nhận định.
“Chính vì thế khi không quân Mỹ vào Hà Nội vừa gặp phải hỏa lực đánh bằng 3 điểm, vừa đánh bằng phương pháp nửa góc cho nên số lượng mục tiêu B52 vào Hà Nội bị tiêu diệt nhiều là vì lý do như thế. Khó khăn có khó khăn, nhưng từ những khó khăn đó mình khai thác triệt để được tính năng của bộ khí tài Liên Xô hỗ trợ thì chúng ta có thể nâng được hiệu quả chiến đấu lên rất cao”, vị Anh hùng kết luận.
“Cảm giác rất tự hào khi lần đầu tiên bắn được B52, thực sự sờ được đuôi của nó, thực hiện được nhiệm vụ Tư lệnh quân chủng giao cho đơn vị. Vì mình đã làm được điều gì đó bảo vệ Hà Nội, bảo vệ đất nước giúp cho giải phóng miền Nam, nhanh chóng tiến đến thắng lợi cuối cùng”, Đại tá Nguyễn Đình Kiên bồi hồi nhớ lại.
‘Có vũ khí Liên Xô, chúng ta mới đánh được Mỹ’
“Khi tiếp xúc và làm việc với chuyên gia Liên Xô, phải nói rằng họ là những người đồng chí giúp đỡ một cách rất vô tư. Bản thân họ khi chiến đấu cũng lăn lộn cùng chúng tôi trên cùng mặt trận. Nếu gặp báo động họ cũng sẵn sàng lên xe cùng chúng tôi đánh máy bay không quân Mỹ. Những kinh nghiệm của chuyên gia Liên Xô về công nghệ, khí tài, có vũ khí của Liên Xô thì chúng ta mới đánh được Mỹ”, Đại tá Nguyễn Đình Kiên cho biết.
“Chính thức năm 1972 có hai trung đoàn MiG-21 nhưng số phi công có thể bay đêm được chỉ khoảng từ 10-12 người để tham gia đánh được B52. Vì vậy, số lần xuất kích của không quân trong 12 ngày đêm ít. Có thể nói lực lượng nòng cốt lúc đó là tên lửa. Số tên lửa bắn rơi B52 cũng nói lên điều đó. Trong 34 chiếc B52 bắn rơi tại miền Bắc lúc đó (Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận) thì bộ đội tên lửa bắn rơi 30 chiếc, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ, pháo cao xạ bắn được 2 chiếc. Tỷ lệ đó nói lên vai trò quyết định của tên lửa. Nếu không có bộ đội tên lửa thì ta đối phó với B52 sẽ rất khó khăn”.
Lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ
“Tôi mong rằng chiến tranh đừng xảy ra. Vì bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng đều đau thương. Đối với đất nước ta, dù trong hoàn cảnh nào nếu chiến tranh xảy ra thì phải hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là các chiến sĩ phòng không - không quân, lực lượng bảo vệ vùng trời, đừng để Tổ Quốc bất ngờ trong các tình huống trên không. Đó là trách nhiệm của tuổi trẻ.”, AHLLVTND, Đại tá Nguyễn Đình Kiên mong mỏi.