Tổng kết 2023 và Dự báo 2024

Nhìn lại thế giới năm 2022: trật tự trước đây sẽ không trở lại

Năm 2022 đã trở thành một bước ngoặt thực sự trong quan hệ quốc tế. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt ở Ukraina vào cuối tháng 2, Nga phải đối mặt với áp lực chưa từng có từ phương Tây, kết quả là mối quan hệ xấu đi nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Sự hỗn loạn trên thế giới đã bắt đầu vào mùa đông và kéo dài trong suốt năm qua.
Sputnik
Trong số các vấn đề toàn cầu đang đặt ra nóng bỏng là vấn đề cung cấp lương thực trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraina, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu do lệnh trừng phạt chống Nga, việc mở rộng NATO bằng cách mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập, và vụ tấn công khủng bố vào đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc khiến Nord Stream ngừng hoạt động trong một thời gian dài.
Sputnik nhìn lại các sự kiện quốc tế nổi bật nhất trong năm 2022.

Bão trừng phạt: Nga xoay trục sang phương Đông

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, phương Tây đã áp đặt hàng trăm biện pháp trừng phạt chống lại Nga trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, năng lượng đến giải trí và du lịch. Áp lực trừng phạt lan ra cả lĩnh vực ngoại giao: đến tháng 8, 550 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất khỏi 28 quốc gia phương Tây.
Những thay đổi cũng ảnh hưởng đến sự tham gia của Nga trong các tổ chức châu Âu. Vào tháng 3, Matxcơva tuyên bố sẽ rút khỏi Hội đồng Châu Âu và Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR) và sẽ tuân thủ các quyết định của ECHR nếu chúng phù hợp với Hiến pháp Nga. Ngày hôm sau, Chính phủ thông qua quyết định rằng Nga không còn là thành viên của ECHR kể từ ngày 16 tháng 3. Ngoài ra, kể từ tháng 9, Liên bang Nga không còn là thành viên của tổ chức này. Vào tháng 5, Nga đã rút khỏi Hội đồng các Quốc gia Biển Baltic. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, quan hệ với phương Tây sẽ không bao giờ như trước.

NATO mở rộng

Trong bối cảnh chiến dịch đặc biệt của Nga, vào tháng 5, Phần Lan và Thụy Điển đã đệ trình đơn xin gia nhập NATO lên Tổng thư ký NATO. Đến nay, chỉ có hai quốc gia trong số 30 thành viên NATO - Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ - chưa phê chuẩn hồ sơ đăng ký gia nhập NATO của hai nước này. Trong khi đó, Budapest có ý định phê chuẩn hồ sơ Phần Lan và Thụy Điển vào tháng 2 năm 2023.
Ukraina nộp đơn xin gia nhập NATO theo trình tự gấp rút
Về phần mình, Ankara ban đầu đã ra tay chặn Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO vì Stockholm và Helsinki cung cấp nơi trú ẩn cho các tay súng người Kurd, đặc biệt là thành viên đảng Công nhân người Kurd (PKK) được công nhận là một tổ chức khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, sau đó các bên đã ký bản ghi nhớ về an ninh có tính đến tất cả những lo ngại của Ankara. Sau đó Thổ Nhĩ Kỳ ngừng phản đối Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO, nhưng nhấn mạnh rằng, họ sẽ không chính thức phê chuẩn việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương nếu hai nước này không thực hiện lời hứa của mình.

Thế giới ở bên bờ vực khủng hoảng lương thực

Một chủ đề quan trọng khác trong năm 2022 là mối đe dọa đối với an ninh lương thực do các lệnh trừng phạt chống Nga và việc phong tỏa các cảng ở Ukraina. Các chính trị gia phương Tây đổ lỗi cho Nga về khủng hoảng lương thực. Về phần mình, Matxcơva giải thích rằng, chính quyền Kiev không cho phép các con tàu chở đầy ngũ cốc rời các cảng biển của Ukraina, và phía Nga sẵn sàng cung cấp hành lang nhân đạo cần thiết để xuất khẩu lương thực, rằng, chính các nước phương Tây thực hiện các hành động dẫn đến thực tế là trừng phạt nhắm vào bảo hiểm tàu biển đang cản trở hoạt động thương mại lương thực bình thường.
Một nỗ lực để giải quyết vấn đề này là thỏa thuận "lương thực" hoặc "ngũ cốc" được ký kết vào tháng 7 bởi đại diện của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina và Liên Hợp Quốc. Ngoài việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Ukraina qua Biển Đen, thỏa thuận này còn đảm bảo lương thực và phân bón của Nga ra được thị trường thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thỏa thuận này đã xuất hiện những vấn đề - Nga đã phát hiện ra rằng, ngũ cốc của Ukraina chủ yếu được gửi đến châu Âu chứ không phải các nước có nhu cầu, và việc xuất khẩu lúa mì của Nga vẫn bị chặn do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Hơn nữa, một số lô hàng phân bón của Nga bị mắc kẹt tại các cảng ở châu Âu, va họ thậm chí từ chối chuyển miễn phí các lô hàng này sang các nước châu Phi.
Có chú ý đến điều đó, việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc đã bị nghi ngờ. Vào tháng 10, Nga đã đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Ukraina sau khi Kiev tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga và các tàu dân sự ở vùng biển Sevastopol. Sau khi Ukraina đảm bảo rằng họ sẽ không sử dụng các hành lang nhân đạo ở Biển Đen cho mục đích quân sự, Matxcơva nối lại tham gia thỏa thuận này vào tháng 11, và xác nhận thỏa thuận ngũ cốc được gia hạn thêm 120 ngày.

Dòng chảy phương Bắc gặp sự cố

Vào cuối tháng 9, các vụ nổ làm hư hỏng cả 3 trong số 4 đường ống Dòng chảy phương Bắc dẫn khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu, kết quả là Nord Stream bị vô hiệu hóa hoàn toàn, gây ra thiệt hại không rõ nguyên nhân. Người điều hành đường ống gọi đó là vụ việc chưa từng có và cho biết rằng, không thể ước tính thời gian sửa chữa kéo dài bao lâu. Văn phòng Tổng công tố Nga đã khởi tố vụ án khủng bố quốc tế đường ống dẫn khí. Còn các phương tiện truyền thông phương Tây bắt đầu tìm kiếm "dấu vết của Nga" trong đó, đưa tin về "tàu Nga" trong khu vực xảy ra sự cố. Về phần mình, Matxcơva tuyên bố rằng, sự hiện diện của NATO trong khu vực thậm chí lớn hơn, đồng thời chỉ ra rằng, đứng sau vụ tấn công vào các đường ống dẫn khí là những kẻ muốn phá vỡ quan hệ giữa Nga và châu Âu.
Sự cố với đường ống Nord Stream: Châu Âu đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất
Các nước châu Âu - Thụy Điển, Đan Mạch và Đức - mở điều tra riêng sự cố Nord Stream mà không cho phép Nga tham gia. Do đó Nga tuyên bố sẽ không công nhận kết quả điều tra. Đến cuối tháng 12, vẫn chưa có quốc gia châu Âu nào hoàn thành cuộc điều tra.

Trao đổi tù nhân

Mặc dù quan hệ giữa Nga với Mỹ đã "chạm đáy" và các hình thức đối thoại bị đóng băng, nhưng, vào năm 2022, lần đầu tiên sau 12 năm, Matxcơva và Washington đã trao đổi tù nhân hai lần.
Vào cuối tháng 4, nhờ kết quả của các cuộc đàm phán khép kín, phi công Konstantin Yaroshenko, người bị bắt giữ ở Liberia vào năm 2010 và sau đó bị dẫn độ sang Hoa Kỳ, đã trở về Nga. Tại sân bay Ankara, Konstantin Yaroshenko đã được trao trả để đổi lấy công dân Mỹ Trevor Reed, người đã bị Nga tuyên án 9 năm tù với cáo buộc tấn công cảnh sát ở Matxcơva vào năm 2019. Tại Mỹ, Yaroshenko bị kết án 20 năm tù với tội danh âm mưu vận chuyển một lô hàng ma túy lớn đến lãnh thổ Mỹ, anh ta phủ nhận tội lỗi.
Một cuộc trao đổi tù nhân khác được tổ chức vào tháng 12. Lần này, UAE và Saudi Arabia đứng ra làm trung gian. Vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp người Mỹ Brittney Griner bị bắt giữ tại Nga vào tháng 2 năm 2022 vì tàng trữ dầu cần sa, đã được trao trả tại sân bay Abu Dhabi để đổi lấy công dân Nga Viktor But, người đã bị kết án 25 năm tù tại Hoa Kỳ với tội danh có âm mưu sát hại công dân Mỹ và hỗ trợ vật chất cho khủng bố. Bout bị cầm tù gần 15 năm.
Multimedia
Cuộc đón tiếp xúc động: Viktor But đã trở lại Nga
Anh ta đã bị bắt ở Thái Lan theo yêu cầu của Washington vào năm 2008 do các hành động khiêu khích của các cơ quan tình báo Mỹ, sau đó bị dẫn độ từ Thái Lan sang Hoa Kỳ. Viktor Bout phủ nhận mọi cáo buộc.

Cái chết của Elizabeth II, Vương quốc Anh liên tục thay thủ tướng

Đầu tháng 9, Nữ hoàng Anh Elizabeth II, quốc vương trị vì lâu nhất của Anh đã qua đời, hưởng thọ 96 tuổi. Sau cái chết của Elizabeth II, phu quân của bà là Charles III lên ngôi và Camilla trở thành Vương hậu của Vương quốc Anh.
Trong cùng tháng đó, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã trở thành thủ tướng tiếp theo của Vương quốc Anh sau khi giành chiến thắng trong cuộc tranh cử để thay thế Boris Johnson ở vị trí này, nhưng bà giữ vị trí lãnh đạo vỏn vẹn trong 44 ngày. Kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế của bà đã vấp phải một loạt chỉ trích và bà phải từ chức. Người tiền nhiệm của bà, ông Boris Johnson, cũng rời chức vụ thủ tướng sau một loạt vụ bê bối liên quan đến chính sách nhân sự của ông và những buổi tiệc tùng tại dinh thủ tướng trên Phố Downing trong thời gian nước này phong tỏa cứng để chống COVID-19. Giữa “bão” chỉ trích, sau khi Nội các từ chức hàng loạt, Boris Johnson phải từ chức.
Kết quả là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, 42 tuổi, trở thành Thủ tướng thứ ba của Vương quốc Anh trong vòng một năm. Ông cũng là thủ tướng trẻ nhất kể từ năm 1812 và là thủ tướng da màu đầu tiên trong lịch sử nước Anh.

"Lằn ranh đỏ" ở eo biển Đài Loan

Năm nay, diễn biến tình hình bất ổn kéo dài tại khu vực Đông Á. Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã gây ra phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Các nhà chức trách Trung Quốc lên tiếng phản đối gay gắt chuyến thăm của bà Pelosi, coi bước này là sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với phe ly khai đòi Đài Loan độc lập. Ngay sau khi bà Pelosi rời hòn đảo, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức một loạt cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan. Sau đó, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một loạt quan chức Đài Loan “ủng hộ độc lập”, bản thân bà Pelosi và những người thân của bà. Còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Đài Loan là “lằn ranh đỏ đầu tiên” trong quan hệ song phương không được vượt qua. Joe Biden tái khẳng định cam kết của Washington tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc Một Trung Quốc.
CHDCND Triều Tiên cũng gây thêm căng thẳng ở châu Á bằng cách gia tăng đáng kể số lượng vụ thử tên lửa. Tổng cộng từ đầu năm, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành hơn 30 cuộc thử nghiệm vũ khí, trong đó có các vụ phóng tên lửa hành trình, kể cả vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwaseong-12 có thể bay xa 4.500 km.

Vụ ông Abe bị ám sát

Vào tháng 7, thế giới bàng hoàng trước tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị sát hại: ông bị bắn tại sự kiện vận động tranh cử ở thành phố Nara. Ông Abe bị vết thương do đạn bắn ở 2 chỗ, ông đã được đưa đến bệnh viện, nhưng 5 giờ sau, chính trị gia 67 tuổi tử vong vì ngưng tim do mạch máu bị tổn thương nghiêm trọng. Linh cữu cố thủ tướng Abe Shinzo được hỏa táng tại nhà tang lễ ở Tokyo chiều 12/7. Tang lễ cấp nhà nước dành cho cựu Thủ tướng Nhật Bản diễn ra vào ngày 27/9.
Kẻ ám sát ông Abe là Tetsuya Yamagami bị các sĩ quan an ninh khống chế tại hiện trường. Yamagami khai với các nhà điều tra rằng hắn đẩy nhanh kế hoạch ám sát cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ mùa thu năm ngoái. Yamagami đã tính đến việc sát hại ông Abe vì cho rằng ông có liên quan đến một tổ chức tôn giáo đã hủy hoại gia đình của nó.

Nhiệm kỳ thứ ba của Chủ tịch Tập Cận Bình

Vào tháng 10, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bầu ra Ban chấp hành trung ương Đảng khóa mới. Và ông Tập Cận Bình đã được bầu làm Tổng Bí thư, nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp kể từ Đại hội lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc chính thức bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước vào năm 2018, ông Tập có cơ hội tiếp tục duy trì chức vụ nhà lãnh đạo đất nước vô thời hạn. Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình chính thức cùng Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đi vào lịch sử ĐCSTQ.
Các thời đại dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình đã được phân chia rõ, đồng thời làm nổi bật hơn nữa vai trò lý luận của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.

Khăn hijab chết người

Vào mùa thu, làn sóng biểu tình đã quét qua Iran sau cái chết của cô Mahsa Amini, người bị "cảnh sát đạo đức" Iran bắt giữ vào ngày 13 tháng 9 vì cô đã vi phạm quy tắc đội khăn trùm đầu (hijab). Ban đầu đây là cuộc phản kháng của phụ nữ Iran, những người biểu tình đã giương cao khẩu hiệu của cuộc nổi dậy – “Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do”, nhưng, rất nhanh những hành động phản đối có tính chất chính trị gay gắt, những người biểu tình yêu cầu chuyển từ một nền chính trị thần quyền sang một nền dân chủ cởi mở hơn.
Làn sóng biểu tình kéo dài trong hơn 2,5 tháng với cường độ khác nhau, đã có những cuộc đụng độ với cảnh sát và lực lượng an ninh: theo phía Tehran, ít nhất 200 người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn biểu tình, và các tổ chức khác nhau bị thiệt hại hơn 200 triệu đô la. Một số phương tiện truyền thông gọi các cuộc biểu tình là thách thức lớn nhất đối với giới tăng lữ lãnh đạo Iran kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Thảo luận