Trong lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Cung điện Bogor vào sáng 22/12, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đích thân ra tận cửa xe đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trao cái ôm nồng ấm trước khi chủ trì lễ đón nhà lãnh đạo Việt Nam với nghi thức trang trọng nhất.
Cảm kích trước sự tiếp đón của nước chủ nhà Indonesia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ:
"Một lần nữa, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, cảm ơn Tổng thống và người dân Indonesia vì sự đón tiếp nồng hậu, ấm tình, thân thiết".
Chủ tịch nước cho biết hai quốc gia đã vượt qua nhiều thách thức để trở thành đối tác quan trọng của nhau ngày nay và hy vọng dịp kỷ niệm 10 năm đối tác chiến lược vào năm 2023 sẽ mở ra trang mới trong hợp tác giữa hai bên.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Joko Widodo khẳng định Việt Nam là đối tác có tầm quan trọng chiến lược của Indonesia ở khu vực. Ông cho biết kim ngạch thương mại hai chiều 11 tháng đầu năm 2022 đạt 13 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Hai bên cũng đã cam kết đạt mục tiêu thương mại song phương 15 tỉ USD vào năm 2028.
Chia sẻ thêm về lĩnh vực này, Chủ tịch nước cho biết hai bên sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đa dạng hóa các lĩnh vực đầu tư và phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ và tăng cường các chuyến bay.
Tổng thống Widodo cũng thông tin hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mà ông gọi là "những lĩnh vực quan trọng".
Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết và trao đổi một số văn kiện hợp tác gồm bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống khủng bố; bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, chất hướng thần và tiền chất; bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng và tài nguyên khoáng sản.
Hoàn tất đàm phán EEZ
Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng thông báo Việt Nam và Indonesia đã hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai nước sau 12 năm nỗ lực.
Theo đó, từ năm 2010 đến nay, hai nước đã có hàng chục vòng đàm phán liên quan các tuyên bố về EEZ chồng lấn ở các vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông.
"Hai bên đã kết thúc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói tại họp báo.
Đề cập nội dung này, Tổng thống Indonesia cho biết:
"Sau 12 năm nỗ lực đàm phán, hai bên đã hoàn tất đàm phán dựa trên UNCLOS 1982".
Theo Tuổi Trẻ, việc làm rõ vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia rất quan trọng, vì đây là cơ sở để xem xét việc các ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia cáo buộc "đánh cá trên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia".