Các chuyên gia khẳng định, Mỹ là một trong những quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là điều tra chống lẩn tránh, do đó, phải đặc biệt cẩn trọng ở thị trường Hoa Kỳ.
Mỹ chiếm đến 1/4 số vụ điều tra phòng vệ thương mại của Việt Nam
Phát biểu tại Tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ” do tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22/12, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Mỹ là một trong số những quốc gia trên thế giới sử dụng một cách rất chủ động cũng như tích cực các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
“Đây là một trong số những quốc gia có số lượng các vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hàng đầu trên thế giới và cũng là một trong những quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”, ông Chu Thắng Trung cho biết.
Theo đại diện Bộ Công Thương, đã có 51 vụ việc được Hoa Kỳ áp dụng, chiếm khoảng 1/4 số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
“Thời gian gần đây, Bộ Công Thương cũng quan sát và nhận thấy rằng, nếu như trước đây, các vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào hoạt động điều tra chống bán phá giá cá tra, cá basa hoặc tôm thì trong giai đoạn gần đây, Hoa Kỳ sử dụng thêm các công cụ điều tra mới là chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại”, ông Trung cho hay.
Có thể hiểu chống lẩn tránh thuế ở đây là hàng được sản xuất, lắp ráp tại quốc gia khác ở mức độ tương đối và được hoàn thiện tại Việt Nam với hàm lượng giá trị thấp để mượn xuất xứ Việt Nam xuất sang Mỹ nhằm hưởng thuế ưu đãi sẽ bị đưa vào tầm ngắm của giới tư bản Hoa Kỳ. Cùng với đó, số lượng vụ việc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng tương đối nhanh. Đến thời điểm hiện tại, có đến 22/52 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, chiếm khoảng gần 50%.
O ép Việt Nam
Với xu hướng tăng cường các đòn phòng vệ thương mại nhằm vào Việt Nam, có thể thấy, giới tư bản Mỹ, như phong cách thường thấy của Washington, vẫn duy trì thái độ o ép và tìm cách kiềm chế đà đang lên của những quốc gia yếu thế hơn.
Thậm chí, việc Mỹ liên tục sửa đổi lại các quy định pháp luật về điều tra chống lẩn tránh và áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh để làm sao các thủ tục, khiến xuất khẩu hàng hoá Việt Nam là một trong những đối tượng điều tra nhiều nhất.
Lý giải rõ hơn về điều tra chống lẩn tránh là như thế nào, ông Trung chỉ rõ, đó là một hoạt động điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiến hành bằng các thủ tục theo quy định của pháp luật Mỹ cho phép mở rộng biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đã áp dụng với một nước thứ ba sang áp dụng với Việt Nam nếu như đáp ứng những điều kiện cần thiết.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, khi nói về lẩn tránh thì chúng ta thường hay nghĩ đến là những chuyện vấn đề về có thể là có hoạt động gian lận và hoạt động của một doanh nghiệp cá biệt nào đó gian lận xuất xứ hoặc là có những hành vi gọi là gian lận trong thương mại để mà tránh việc bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu.
“Tuy nhiên ở đây cuộc điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ còn có tính chất rộng hơn, tức là không chỉ điều tra những hành vi gian lận mà còn điều tra để xem hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam có lớn hay không”, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại bày tỏ.
Tức là, có thể hàng hóa xuất khẩu của chúng ta vẫn đáp ứng các quy tắc về xuất xứ nhưng theo các quy định của Hoa Kỳ thì chưa có một hàm lượng giá trị gia tăng đáng kể. Như vậy, họ vẫn cho rằng hàng hóa đó có thể là đối tượng bị áp dụng các biện pháp gọi là chống lẩn tránh mà thực tế là các biện pháp mở rộng của biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống phá giá mà họ đã áp dụng với các nước khác.
Ngoài ra, Mỹcũng tiến hành những vụ việc điều tra chống lẩn tránh đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Ông Trung dẫn chứng, cách đây 3-4 năm là vụ việc liên quan đến các sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội. Tuy nhiên sau đó, họ sử dụng công cụ này thường xuyên hơn. Thậm chí đến năm 2021, họ còn sửa đổi lại các quy định pháp luật của Hoa Kỳ về điều tra chống lẩn tránh và áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh để làm sao các thủ tục, các điều kiện quy định được chặt chẽ hơn và tạo cho cơ quan có thẩm quyền ở đây là Bộ Thương mại Hoa Kỳ một quyền hạn phù hợp hơn để thực hiện các hoạt động điều tra.
“Trong năm 2022, hàng hóa của chúng ta tiếp tục là đối tượng của rất nhiều các cuộc điều tra chống lẩn tránh từ Hoa Kỳ”, đại diện Bộ Công Thương thừa nhận.
Vì sao Mỹ tăng điều tra hàng hoá Việt Nam?
Ngoài các công cụ điều tra bán phá giá, thời gian gần đây Mỹ cũng tiếp tục sử dụng những hoạt động điều tra mới, trong đó có điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, chiếm 50% số vụ điều tra của Mỹ với Việt Nam.
Trong số các mặt hàng chủ lực, thép là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tần suất bị Mỹ điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh nhiều nhất. Theo chia sẻ của ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tại Toà đàm cho biết năm 2018, Tổng thống Donald Trump quyết định áp điều khoản 232 của Đạo luật thương mại mở rộng năm 1962 với thép Việt Nam.
Khi những sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ có liên quan đến những nguyên liệu từ các quốc gia mà Mỹ đang áp thuế, cơ quan quản lý nước này sẽ theo dõi và nghi ngờ có chuyện lẩn tránh thuế. Điều khoản này khiến một số mặt hàng thép Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ phải chịu mức thuế 25%.
Kể từ năm 2018 đến nay, Mỹ đã tiến hành 4 vụ việc điều tra với thép Việt Nam. Cụ thể, năm 2018, Mỹ có điều tra chống lẩn tránh thuế đối với mặt hàng thép ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ mặt hàng của của ngành thép lẩn tránh thuế từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hàn Quốc. Tiếp đó năm 2020, Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế và chống trợ cấp đối với thép tấm không gỉ dạng dải và dạng đai nhập khẩu từ Việt Nam.
Vụ thứ ba là năm 2021, Mỹ nhận đơn của ngành hàng sản xuất trong nước đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm chống ăn mòn nhưng sau đó Mỹ có phán quyết là không khởi xướng vì chưa đủ căn cứ. Mới đây nhất, tháng 8/2022, Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm thép ống nhập khẩu từ Việt Nam. Lãnh đạo VSA nhận định điểm chung nhất trong 4 vụ việc điều tra nêu trên là việc gia tăng xuất khẩu thép của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Để bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước, Mỹ có các chính sách phòng vệ thương mại.
“Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan dẫn đến ngành thép Việt Nam thường xuyên phải đối diện với vụ kiện phòng vệ thương mại là chi phí nguyên vật liệu đầu vào sản xuất, chi phí nhân công của Việt Nam đang ở mức thấp, chúng ta có lợi thế về giá hơn so với những nền kinh tế phát triển như Mỹ”, ông Thái lưu ý.
Theo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, VCCI - cho hay kim ngạch của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ năm 2021 tăng một cách ấn tượng, lên đến 23%, chủ yếu là những mặt hàng dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ và những mặt hàng về sắt thép kim loại. Còn về việc vì sao Mỹ đưa ra các biện pháp lẩn tránh với hàng xuất khẩu Việt Nam, bà Hương cho rằng do nước này muốn kiểm soát tình hình lạm phát nên hạn chế và ngăn chặn nhập khẩu hàng hóa vào thị trường.
“Việc thay đổi về quy định của Mỹ khiến chúng ta thấy rằng phạm vi những sản phẩm có nguy cơ bị áp mức thuế hoặc điều tra lẩn tránh sẽ mở rộng hơn trước đây rất nhiều”, chuyên gia nhấn mạnh.
Giảm rủi ro cho hàng Việt xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Tại Toạ đàm, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nêu Mỹ cũng áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với nhiều nước như Malaysia, Thái Lan nhưng số vụ việc ở Việt Nam tăng cao nhất vì hàng xuất khẩu của ta vào Mỹ gia tăng nhanh về tỉ trọng, giá trị, lần đầu tiên vượt tới hơn 100 tỷ USD.
Ông Hưng khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần phải tăng cường tìm hiểu pháp luật về các quy định về phòng vệ thương mại để chủ động ứng phó.
Về hệ thống pháp luật, hệ thống quản lý về hoạt động xuất khẩu của Mỹ, ông Chu Thắng Trung cho biết, hệ thống quản lý xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ dựa trên nguyên tắc quản lý hậu kiểm. Do vậy, doanh nghiệp bị điều tra cần hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin đầy đủ, nhất quán và theo đúng thời hạn. Đồng thời doanh nghiệp cần có sự chủ động, tích cực và khắc phục tâm lý e ngại khi vướng phải các vụ việc điều tra, cũng như nâng cao năng lực, hệ thống quản trị của doanh nghiệp góp phần hạn chế những rủi ro bị điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.
Bộ Công Thương đã, đang và sẽ có những chương trình trao đổi và chia sẻ với các doanh nghiệp để doanh nghiệp nắm được những nguyên tắc điều tra chống lẩn tránh như thế nào, đồng thời giúp cho doanh nghiệp có thể xác định được ngay từ đầu để chủ động. Ông Chu Thắng Trung cho biết, nếu như có sự việc chẳng may xảy ra và doanh nghiệp là đối tượng bị điều tra thì cũng không e ngại mà sẵn sàng tham gia để chứng minh là doanh nghiệp của Việt Nam không phải là đối tượng cần phải áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh.
Hiện nay, Bộ Công Thương cũng có những hoạt động cảnh báo sớm để dự báo trước cho doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra chống lẩn tránh để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và chủ động hơn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
“Ngay trong quá trình khi chẳng may bị áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh như vậy, Bộ Công Thương và Cục phòng vệ thương mại cũng đã tích cực phối hợp với các hiệp hội, các doanh nghiệp để tư vấn các bước đi mà doanh nghiệp cần phải tiến hành để bảo vệ quyền lợi của mình”, ông Trung khẳng định.