Vừa qua, Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đã công bố bản luận tội, đề nghị tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Nhàn từ 16 - 17 năm tù về tội “đưa hối lộ” và từ 14 - 15 năm tù về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hình phạt là 30 năm tù; đề nghị tuyên bị cáo Thuyết từ 3 - 4 năm tù và bị cáo Hạnh từ 6 - 7 năm tù cùng về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Đề nghị gỡ lệnh truy nã
Trong phần tranh tụng, luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, cho rằng thân chủ của mình không bỏ trốn.
Nêu luận cứ chứng minh, luật sư Hải cho hay, sau khi biết mình bị đưa ra xét xử, bị cáo Thuyết đã liên hệ với gia đình mời luật sư bào chữa, đồng thời gửi bản tường trình tới TAND TP.Hà Nội, Viện KSND TP.Hà Nội xin được xét xử vắng mặt vì lý do bất khả kháng.
Ông Thuyết đã xuất cảnh hợp pháp khỏi Việt Nam từ tháng 4/2021, trước khi vụ án khởi tố. Sau khi xuất cảnh, ông Thuyết cư trú tại Mỹ vì là người giám hộ duy nhất cho 2 con theo học tại đây. Khi biết tin bị truy tố, đưa ra xét xử thì thời gian là quá ngắn để có thể sắp xếp trở về tham dự phiên tòa mặc dù ông Thuyết rất mong muốn được có mặt trình bày trực tiếp.
Do vậy, luật sư cho rằng thân chủ mình “không bỏ trốn” như cáo buộc, tích cực hợp tác theo phương án tối ưu, không từ bỏ quyền tự bào chữa cũng như bất cứ quyền, nghĩa vụ tư pháp nào, và đề nghị HĐXX chấp thuận quan điểm này.
Về tội danh và khung truy tố đối với bị cáo Thuyết, luật sư Hải nói rằng không tranh cãi vì thân chủ tôn trọng nội dung này. Tuy nhiên, luật sư Hải mong HĐXX đánh giá các tình tiết giảm nhẹ để cho bị cáo Thuyết được hưởng chính sách khoan hồng, tuyên mức án 2 năm tù và cho hưởng án treo.
Luật sư Nguyễn Văn Tú, một luật sư khác của bị cáo Thuyết cũng đề nghị "hội đồng xét xử và viện kiểm sát kiến nghị cơ quan phát lệnh truy nã gỡ bỏ lệnh truy nã" để thân chủ của mình nhận được chính sách khoan hồng tối đa của pháp luật.
Nói về căn cứ đề nghị cho bị cáo Thuyết được hưởng khoan hồng, luật sư Hải cho biết thân chủ của mình đã gửi hơn 1,9 tỉ đồng từ Mỹ về để khắc phục toàn bộ số tiền được hưởng lợi từ vụ án, đã có biên lai nộp cho tòa thể hiện sự ăn năn, thành khẩn.
Ngoài ra, bị cáo Thuyết cũng có nhiều hoạt động từ thiện, các thành tích trong lĩnh vực y tế, chính sách…
Nội dung bản tường trình viết tay
Trước đó, cựu giám đốc Công ty Thành An đã có "bản tường trình" viết tay nêu rõ địa chỉ liên hệ cụ thể nơi ông cư trú tại Mỹ.
"Thông qua báo chí Việt Nam tôi mới biết mình bị Tòa án TP Hà Nội xét xử vào ngày 21/12 vì liên quan đến việc Công ty Thành An Hà Nội tham gia thầu một số gói thầu thuộc dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai", mở đầu bản tường trình của ông Thuyết được công bố tại tòa.
Về kết luận bị cáo bỏ trốn phải xử lý nghiêm, trong thư ông Thuyết phân trần "mình không bỏ trốn và luôn muốn sống, làm việc, cống hiến tại quê hương".
Cựu giám đốc Công ty Thành An lý giải do "thời gian gấp mà điều kiện quá khó khăn không thể về Việt Nam trình bày trực tiếp tại tòa" nên gửi bản tường trình mong được tòa xem xét. Bị cáo và gia đình cũng liên hệ với luật sư Nguyễn Văn Tú để hỗ trợ tư pháp và bào chữa tại phiên tòa.
Về quá trình bị quy kết làm "quân xanh" cho AIC, ông Thuyết lý giải khoảng 10 năm trước đại diện công ty ký hồ sơ dự thầu một số gói thầu của dự án. Ông phân trần rằng "chỉ ký hồ sơ đại diện doanh nghiệp", còn quá trình triển khai do người khác thực hiện.
"Nay trước ngày xét xử, tôi tôn trọng bản kết luận điều tra, bản cáo trạng bởi đó là kết quả mà các cơ quan tư pháp làm việc theo thẩm quyền và pháp luật", ông Thuyết viết trong tường trình.