Chiều qua (26/12), tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, dù tình hình thế giới có nhiều biến động nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng cao, cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu là một điểm nhấn.
Dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732 tỉ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỉ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỉ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dù đạt mức kim ngạch tăng cao nhưng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Đến nay, các nước đã tiến hành điều tra 225 vụ việc phòng vệ thương mại với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, tốc độ tăng xuất khẩu chậm lại bắt đầu từ quý 4, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh gia tăng. Chi phí đầu vào tăng nhưng giá không tăng khiến một số hàng xuất khẩu giảm sức cạnh tranh. Đặc biệt, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn, chiếm 74%.
Dựa trên tình hình thực tế hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh năm 2023 ngành công thương tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai, sớm đưa vào hoạt động các dự án phát triển công nghiệp, thương mại trọng điểm nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước.