Bệnh sọc vàng (tên gọi này là do san hô bị chuyển thành màu vàng khi nhiễm bệnh), được phát hiện lần đầu tiên cách đây nhiều thập kỷ và đã gây thiệt hại đáng kể cho các rạn san hô ở vùng biển Caribe. Cho tới giờ vẫn chưa tìm ra cách chữa trị, căn bệnh này hầu như luôn dẫn đến cái chết của rạn san hô. Tuy nhiên, ngoài khơi Thái Lan, căn bệnh này chỉ được phát hiện vào năm 2021 gần thành phố du lịch Pattaya. Đến nay, căn bệnh này đã ảnh hưởng đến san hô trên diện tích 240 ha.
Lalita Putchim, chuyên gia làm việc tại Cục Tài nguyên biển và ven biển Thái Lan cho biết: “Tôi chưa từng thấy điều gì tương tự từ trước đến nay. Bất cứ nơi nào chúng tôi đặt chân đến đều xảy ra hiện tượng này, và chúng tôi chờ đợi rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.”
Các nhà khoa học cho rằng việc đánh bắt quá mức, ô nhiễm và nhiệt độ nước tăng cao do biến đổi khí hậu có thể khiến các rạn san hô dễ bị bệnh sọc vàng hơn. Tác động của bệnh không thể đảo ngược, không giống như tác động của việc tẩy trắng san hô.
“Khi san hô bị nhiễm bệnh này, nó sẽ chết,” - Lalita giải thích.
Hậu quả của cái chết của san hô
Cô nói thêm rằng việc mất san hô có thể gây ra những tác động tàn phá đối với hệ sinh thái - một rạn san hô giống như một khu rừng đóng vai trò là môi trường sống của nhiều loài và cái chết của sanhô cuối cùng cũng có thể ảnh hưởng đến con người. Các nhà khoa học Thái Lan vẫn hy vọng rằng họ sẽ có thể làm sáng tỏ nguyên nhân của căn bệnh và ngăn chặn sự lây lan của nó. Các nhà chức trách đang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để theo dõi các báo cáo về các rạn san hô bị nhiễm khuẩn và cũng đang yêu cầu công chúng thông báo về bất kỳ trường hợp nhiễm bệnh nào của san hô mà họ phát hiện thấy.