Chuyên gia nói về hệ lụy đối với các nước áp trần giá dầu

MOSKVA (Sputnik) - Việc Moskva thắt chặt kiểm soát việc bán dầu của Nga cho những quốc gia tham gia lệnh trừng phạt và áp giá trần sẽ rất hữu hình đối với họ, chuyên gia kinh tế người Azerbaijan Natig Jafarli cho biết.
Sputnik
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Ba đã ra sắc lệnh cấm cung cấp dầu và các sản phẩm dầu của Nga cho nước ngoài nếu các hợp đồng trực tiếp hoặc gián tiếp quy định việc sử dụng cơ chế ấn định biên độ giá (cái gọi là giá trần) do Hoa Kỳ và các quốc gia không thân thiện khác đưa ra. Hơn nữa, lệnh cấm được áp dụng ở tất cả các giai đoạn cung cấp đến người mua cuối cùng. Biện pháp đáp trả của Nga về dầu mỏ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2, về các sản phẩm dầu mỏ - không sớm hơn thời hạn đó, ngày chính xác sẽ do chính phủ quyết định.

Nga không mất gì

"Việc các nước phương Tây đưa ra mức giá trần sẽ ảnh hưởng đến các công ty bảo hiểm và cung ứng hậu cần cho dầu của Nga. Các khách hàng chủ yếu mua dầu của Nga gần đây là Trung Quốc và Ấn Độ, những nước đã nhiều lần tăng lượng nhập khẩu dầu của họ. Vào tháng 12, giá dầu Urals của Nga trung bình thấp hơn 60 USD/thùng. Do đó với sự biến động về giá trong những tuần gần đây coi như Nga không mất gì", - ông Jafarli nhận xét.

Theo chuyên gia này, chính các nước phương Tây đề xuất và tham gia quyết định áp giá trần từ trước đến nay cũng không mua dầu của Nga theo đường cung cấp bằng tàu biển.
Điện Kremlin tiết lộ chi tiết về phản ứng đáp trả của Nga đối với việc áp trần giá dầu

“Còn đối với dầu cung cấp qua đường ống hiện vẫn đang được chuyển sang Liên minh châu Âu cho dù với khối lượng nhỏ, đặc biệt là sang Hungary, thì không bị trừng phạt và áp giá trần, nên sắc lệnh của Tổng thống Nga chỉ là biện pháp bảo hiểm cho các doanh nghiệp trong nước, những nơi có thể bán dầu cho những nước tham gia áp giá trần theo đường vòng. Việc thắt chặt kiểm soát việc bán dầu của Nga cho các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt và giá trần sẽ rất hữu hình", - nhà kinh tế Azerbaijan cho biết.

Thị trường chưa có phản ứng rõ rệt

Chuyên gia nhấn mạnh rằng thị trường hiện vẫn chưa phản ứng gay gắt lắm với những động thái này, không có biến động tăng giá đột ngột trên thị trường dầu.
"Ngay sau khi có tin tức về sắc lệnh của Tổng thống Nga, trên thị trường có động thái tăng giá nhẹ, nhưng ngay hôm sau giá đã trở lại mức chấp nhận được. Ví dụ dầu Brent được giao dịch trong khoảng 82-85 USD. Biện pháp trừng phạt đôi khi đánh vào các nước phương Tây không nhẹ hơn đánh vào Nga. Giá trần do các nước phương Tây đưa ra và sắc lệnh của Tổng thống Nga tất nhiên sẽ tạo ra căng thẳng nhất định trên thị trường dầu mỏ trong tương lai, còn những nước phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga sẽ tiếp tục muốn mua hàng thông qua các nước thứ ba", - ông Jafarli nói.
Vị chuyên gia nhắc đến Ấn Độ, quốc gia trong những tháng gần đây đã gia tăng khối lượng xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ sang các nước châu Âu lên nhiều lần.
Nga đe dọa sẽ có biện pháp trả đũa việc áp trần giá dầu

"Tất cả đều hiểu đây là dầu của Nga được chế biến tại các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ và cung cấp cho Liên minh châu Âu dưới thương hiệu Ấn Độ. Vì vậy, nếu Nga không có biện pháp cứng rắn hơn, tức là cắt giảm sản lượng, thì giá dầu trong tương lai gần rất có thể vẫn nằm trong biên độ 80-90 USD, và biên độ ấy vào lúc này dường như phù hợp với tất cả các đối tượng tham gia thị trường”, - nhà kinh tế tổng kết.

Bộ Năng lượng Nga được giao giám sát việc tuân thủ lệnh cấm cung cấp, đồng thời được trao quyền cùng với Bộ Tài chính đưa ra hướng dẫn chính thức về việc áp dụng sắc lệnh nói trên. Ngoài ra, công tác kiểm tra việc thi hành sắc lệnh được giao cho Tổ công tác liên ngành phụ trách các vấn đề liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng.
Vào ngày 5 tháng 12 các biện pháp trừng phạt dầu mỏ của phương Tây bắt đầu có hiệu lực: Liên minh châu Âu ngừng tiếp nhận dầu của Nga được vận chuyển bằng tàu biển, còn các nước G7, Úc và EU áp đặt giới hạn về giá cho dầu vận chuyển bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng, việc vận chuyển và bảo hiểm cho dầu mua với giá đắt hơn mức này bị cấm.
Thảo luận