Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; hàng dệt may; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; hàng thủy sản đều ghi nhận những thành công đáng mừng năm 2022.
Xuất nhập khẩu Việt Nam vượt khó
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, xuất nhập khẩu Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn cả từ cung và cầu trong năm 2022.
Theo đó, cầu nhập khẩu suy giảm do khó khăn kinh tế và lạm phát. Sản xuất bị tác động bởi đứt gãy nguồn cung, giá đầu vào tăng cao.
Dù như vậy, xuất nhập khẩu vẫn “lội ngược dòng” ngoạn mục. Ước tính, xuất nhập khẩu cả năm đạt khoảng 371,2 tỉ USD, tăng 10,5% so với năm 2021, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỉ USD.
Theo số liệu WTO, xét trên quy mô, xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 xếp thứ 23 và nhập khẩu xếp thứ 20 thế giới. Cần lưu ý, việc gia tăng hàm lượng nội địa hóa và giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu vẫn là mục tiêu xuyên suốt.
Hiện hàm lượng giá trị gia tăng và nội địa của sản phẩm xuất khẩu đã cải thiện. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may trước nay chỉ đạt tỉ lệ nội địa hóa khoảng 50% nhưng 8 tháng năm 2022, tỉ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã lên 57%. Tuy nhiên, một số ngành như ô tô, sản phẩm điện tử, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu từ các nước đối tác vẫn tương đối cao.
Xuất khẩu viên nén gỗ đứng thứ 2 thế giới
Trong nhóm các ngành trên 10 tỉ USD, ngành gỗ và sản phẩm gỗ đã mang về 16,5 tỉ USD. Đặc biệt, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ đạt thành tựu lớn. Trong năm 2022, mặt hàng gỗ và viên nén đã mang về gần 2,9 tỉ USD.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai thế giới. Năm 2022, viên nén đứng thứ tư về giá trị xuất khẩu trong 8 mặt hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản, chỉ đứng sau đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ nguyên liệu (bao gồm cả gỗ dán), dăm gỗ.
"Trong giai đoạn 2022-2030, ngành gỗ đang hướng đến mục tiêu đạt tổng giá trị xuất khẩu đạt 25 tỉ USD vào năm 2030. Đến năm 2030, ngành chế biến gỗ sẽ phát triển thành ngành kinh tế có vai trò quan trọng, hướng đến có thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì Việt Nam đang từng bước trở thành một quốc gia sản xuất và xuất khẩu gỗ đứng đầu thế giới", - ông Lập cho hay.
Xuất khẩu gạo đạt 4 tỉ USD
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ghi nhận, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lần đầu đạt 7 triệu tấn, với tổng trị giá gần 4 tỉ USD. Xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về giá trị và số lượng.
Doanh thu xuất khẩu tăng hơn 200% so với các năm trước, thị phần xuất khẩu sang khối châu Âu với tiêu chuẩn cao cũng tăng mạnh về số lượng, đạt 24.000 tấn. Gạo thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" được đưa vào hai siêu thị của nước Pháp.
"Hiện có rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước liên hệ để kết nối hợp tác với tập đoàn. Dự kiến trong năm 2023 tiếp tục là năm khả quan. Hiện tại, gạo Lộc Trời đã bán rộng khắp các nước châu Âu và đang đàm phán để chính thức lên kệ tại các siêu thị ở Đức, Thụy Sĩ..., dần khẳng định Việt Nam là cường quốc lúa gạo, có thể đạt kim ngạch xuất khẩu nhiều hơn 7 triệu tấn trong năm 2023", - Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho hay.
Xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên đạt 11 tỉ USD
Trong năm 2022, ngành thủy sản lập kỷ lục chưa từng có khi lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu 11 tỉ USD.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, kim ngạch thủy sản đạt mức kỷ lục so với kế hoạch 9 tỉ USD. Hai mặt hàng xuất khẩu cho kết quả tích cực nhất là tôm với 4,2 tỉ USD (tăng 13% so với năm 2021), cá tra 2,35 tỉ USD (tăng 70% so với năm 2021). Mặt hàng cá ngừ cũng lần đầu tiên trở thành ngành hàng xuất tỉ USD.
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe cho hay, kinh tế thế giới suy thoái và lạm phát đang khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập thủy sản của các thị trường giảm mạnh.
Trong quý đầu năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản sẽ không thể đạt kết quả tích cực như năm 2022. Tuy vậy, thị trường có thể hồi phục vào nửa cuối năm 2023. Doanh số xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng ở mức khả quan trong năm tới.
Xuất khẩu da giày đừng thứ 2 thế giới
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân, kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2022 đạt 27 tỉ USD, tăng trưởng hơn 30%, vượt kế hoạch. Việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, với các hiệp định quan trọng như CPTPP, EVFTA sẽ tạo lợi thế lớn hơn để thu hút đơn hàng.
"Cơ hội vẫn còn lớn nên chúng tôi mong muốn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì lực lượng lao động tay nghề cao. Giúp doanh nghiệp triển khai đơn hàng, chuẩn bị khi tình hình phục hồi trở lại; đầu tư công nghiệp hỗ trợ với sản phẩm chất lượng cao như da thuộc, giả da; áp dụng chuyển đổi số nâng cao chất lượng, tiết giảm chi phí", - bà Xuân kiến nghị.
Kim ngạch dệt may đạt kỷ lục
Về phần mình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, trong năm 2022, dệt may Việt Nam bị tụt xuống vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và Bangladesh. Tuy vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với 11%, kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục với 44,5 tỉ USD.
Ngành vẫn duy trì tăng trưởng hai con số và xuất khẩu được vào thị trường khó tính. Lấy ví dụ, tại Mỹ, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về sự đa dạng dòng hàng. Các doanh nghiệp Việt làm được các đơn hàng nhỏ linh hoạt, đặc biệt trong bối cảnh sức cầu còn yếu, nhu cầu thay đổi liên tục nên nhà mua hàng sẽ ưu tiên.
Tuy quy mô đứng thứ 3 toàn cầu nhưng xuất khẩu dệt may Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xếp thứ 2. Việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu là nhờ Việt Nam có thể làm được nhiều đơn hàng với kỹ thuật khó. Chẳng hạn, Công ty May 10 làm 12 mã hàng, có mã hàng chỉ làm 700 sản phẩm.
Trong năm 2023, tình hình được dự báo cực kỳ khó khăn. Dù vậy, vẫn có tín hiệu tốt là dù lạm phát nhưng thất nghiệp không tăng, nên kỳ vọng thị trường giảm cầu là do tâm lý.
"Chúng tôi đã đưa ra ba kịch bản, sẽ cùng thúc đẩy tiêu dùng nội bộ, kết nối dệt may theo chuỗi để tạo việc làm ổn định trên hệ thống, giảm tồn kho, tạo dư địa cạnh tranh giá tốt hơn, giữ việc làm cho công nhân", - ông Trường chia sẻ.
Ngành hồ tiêu dẫn đầu thế giới
Trong năm 2022, hồ tiêu Việt Nam đã quay lại nhóm ngành hàng xuất khẩu tỉ USD, đạt xấp xỉ 1 tỉ USD, chiếm 44,2% kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Năm thị trường chính của hồ tiêu Việt Nam bao gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ấn Độ và Đức.
Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) Hoàng Thị Liên cho biết, năm 2022 rất khó khăn với hồ tiêu nhưng ngành gia vị nói chung và hồ tiêu nói riêng đã vượt qua thách thức, giữ vững vị trí là nhà cung cấp hồ tiêu số 1 thế giới do Trung tâm Thương mại quốc tế xếp hạng.
Châu Âu là thị trường lớn của hồ tiêu Việt Nam, chiếm đến 22-23% thị phần. Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, ngành hồ tiêu Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ như Malaysia, Ấn Độ hay Campuchia.
"Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia, nghĩa là hướng đến hồ tiêu đã qua chế biến. Dù mới chỉ có khoảng 30% sản lượng hồ tiêu đã qua chế biến nhưng khi đã đứng vào hàng ngũ xuất khẩu trên tỉ USD, VPA kỳ vọng trong năm 2023 có thể đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch xuất khẩu ngành gia vị, trong đó nổi bật là hồ tiêu Việt Nam", - Chủ tịch VPA nhận định.
Xuất khẩu hàng điện tử xếp thứ 12 thế giới
Năm 2022, ngành điện tử của Việt Nam xếp thứ 12 thế giới về xuất khẩu. Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cho rằng dù nhu cầu chung của thế giới giảm nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng đáng kể nhờ di chuyển cơ học của chuỗi cung ứng sang.
Việt Nam còn nắm giữ các cứ điểm sẵn có nên càng có cơ hội gia tăng đơn hàng. Doanh nghiệp Việt cũng dễ dàng tham gia chuỗi cung ứng hơn, đơn hàng nhiều hơn, từ đó nâng cao trình độ, công nghệ. Xuất siêu lớn của ngành điện tử đã đóng góp cho cân bằng cán cân ngoại hối.
"Với kim ngạch lớn, chúng tôi cũng mong muốn cơ quan thống kê quốc gia có thống kê riêng cho ngành điện tử để định hướng sản xuất. Hiện mọi đánh giá đều "ghép" chung ngành chế biến chế tạo, chưa phân tách được đóng góp FDI và khối nội địa nên chưa thấy rõ được bức tranh của ngành", - bà Hương cho biết.
Các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia... đều có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp điện tử rất nhiều. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của Việt Nam còn hạn chế.
Doanh nghiệp có đơn hàng nhưng khó tiếp cận được vốn, lãi suất cao nên đầu tư gặp khó khăn. Vì vậy, bà Hương kiến nghị Nhà nước xem xét, nghiên cứu ban hành thêm các chính sách về tiếp cận vốn, miễn, giảm, giãn thuế hiệu quả hơn nữa.