Ngày 4/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nhà Bè, TP.HCM, đã khởi tố 10 người liên quan sai phạm tại Trung tâm đăng kiểm 50-17D, huyện Nhà Bè, về các tội Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ.
Danh tính những người này gồm: Nguyễn Thanh Phong (42 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát); Hồ Hữu Tài (52 tuổi, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-17D); Trần Thanh Vinh (51 tuổi, Phó giám đốc Trung tâm 50-17D); Tào Huyên Thanh (vợ Phong, Thủ quỹ Trung tâm 50-17D); Phan Hữu Minh (28 tuổi, đăng kiểm viên); Phạm Công Danh (49 tuổi, đăng kiểm viên); Lê Tấn Thiện (26 tuổi, đăng kiểm viên); Nguyễn Trung Tín (28 tuổi, đăng kiểm viên); Dương Minh Khánh (28 tuổi, đăng kiểm viên), Đinh Thành Trung (30 tuổi, nhân viên). Trong số này, 9 người bị bắt tạm giam, riêng Tào Huyên Thanh được tại ngoại do nuôi con nhỏ.
Theo cơ quan điều tra, ông Phong là Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát, thành lập Trung tâm đăng kiểm 50-17D từ năm 2019. Tuy nhiên, hoạt động được một thời gian thì dịch Covid-19 ập đến khiến hoạt động bị đình trệ dẫn đến nợ nần.
Một trong số chủ nợ của ông Phong là ông Hồ Hữu Tài. Để trả nợ cho ông Tài, ông Phong đưa người này lên làm Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-17D rồi trả nợ dần.
Theo cơ quan điều tra, ông Phong và ông Tài có chủ trương cho phép các đăng kiểm viên bỏ qua lỗi vi phạm để nhận tiền hối lộ, kéo doanh thu về cho công ty.
“Khi các xe không đạt tiêu chuẩn về khói, đèn, còi thì nhân viên trung tâm sẽ sử dụng các thủ đoạn để cấp giấy đủ tiêu chuẩn. Ví dụ, nếu xe không đủ điều kiện về khói thì thay bằng các xe đạt chuẩn để đưa vào máy kiểm định”, một cán bộ điều tra chia sẻ.
Thượng tá Trần Thị Kim Lý, Chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, cho biết ngoài việc môi giới, nhận hối lộ, Trung tâm đăng kiểm 50-17D còn móc nối, cấp giấy chứng nhận khoảng 120 phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật cho một trung tâm đào tạo sát hạch lái xe trên địa bàn huyện Nhà Bè.
Ngoài các hành vi mà công an đã khởi tố, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ làm rõ thêm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của những cơ quan, đơn vị có liên quan.
Trước đó, trả lời câu hỏi của báo chí vì sao một người không biết đọc, biết viết lại được làm giám đốc trung tâm đăng kiểm, Đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT) cho biết, ông Tài là giám đốc nhưng không phải đăng kiểm viên, không chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT), không bị ràng buộc về yêu cầu kỹ thuật cũng như không có vai trò trong công tác kiểm định.
Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ quản lý lãnh đạo trung tâm đăng kiểm là đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận ATKT&BVMT.
Theo đó, các trung tâm đăng kiểm xã hội hoá như Trung tâm đăng kiểm 50-17D về bản chất là một doanh nghiệp đầu tư dịch vụ kinh doanh đăng kiểm. Giám đốc trung tâm có thể là người đầu tư hoặc người đứng tên trên giấy tờ mà không phải là đăng kiểm viên.
Với Trung tâm Đăng kiểm 50-17D, một phó giám đốc khác mới là đăng kiểm viên và chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động đăng kiểm và ký giấy chứng nhận.