Ngoài du lịch, những nhóm ngành khác như dệt may, da giày, sắt thép, ăn uống, hàng không, thủy sản và nông sản cũng sẽ được hưởng lợi khi thị trường tỷ dân dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch khắc nghiệt.
Du lịch Việt Nam hưởng lợi nhưng không nhiều
Sau 3 năm áp dụng chính sách kiểm dịch nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn Covid-19, Trung Quốc đã thông báo mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch từ ngày 8/1 sắp tới.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho biết điều này sẽ có cả tác động tích cực và tiêu cực đến Việt Nam.
"Hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ được cải thiện. Giao thương xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tích cực hơn nhưng không quá nhiều", - ông Lực nói với báo Lao động.
Theo chuyên gia, thị trường Trung Quốc hiện chiếm khoảng 15,75% thị phần xuất khẩu của Việt Nam, còn nhập khẩu chiếm 32%.
Năm 2022, khi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero-Covid, xuất khẩu của Việt Nam sang nước này vẫn tăng 4,5% và nhập khẩu tăng gần 8%. Khi Trung Quốc chính thức mở cửa vào 8/1, mức tăng này nhiều khả năng sẽ tăng thêm 1-2%. Tuy vậy, điều này còn phụ thuộc vào chính sách phòng dịch của Trung Quốc do số ca nhiễm đang tăng lên.
Trước hết, người dân Trung Quốc sẽ đi du lịch nước ngoài nhiều hơn. Trong đó, thị trường Việt Nam được đánh giá có tiềm năng vì là nước láng giềng ngay cạnh.
Theo ông, Trung Quốc chiếm khoảng 32% lượng khách quốc tế vào Việt Nam. Tuy vậy, lượng khách từ nước này là không chi tiêu nhiều tại Việt Nam. Trung bình, họ chỉ chi tiêu số tiền bằng một nửa so với khách quốc tế đến từ Mỹ, Châu Âu...
"Tính sơ bộ có thể khiến doanh thu du lịch quốc tế tăng thêm khoảng 8 - 10% với giả thiết là khách Trung Quốc sang Việt Nam phục hồi khoảng 50% so với trước đại dịch", - ông Lực dự báo.
Mặc dù vậy, du lịch chỉ là một trong rất nhiều yếu tố đóng góp vào GDP của Việt Nam. Thời điểm trước Covid-19, thu cả trực tiếp và gián tiếp cũng chỉ khoảng 7%. Do vậy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng đóng góp không đáng kể vào GDP. Điều quan trọng nhất vẫn là chính sách của Việt Nam sẽ mở như thế nào.
Báo cáo công bố tháng 12/2022 của Công ty nghiên cứu thị trường du lịch nước ngoài Dragon Trail cho thấy, có 17% khách Trung Quốc sẽ du lịch nước ngoài ngay khi có thể, 21% sẽ lên đường trong vòng 3 - 6 tháng.
Để có thể khai thác tốt thị trường này, ngành du lịch cần bám sát thông tin về độ mở cửa thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Cần có phương án để nắm bắt cơ hội
Chuyên gia cũng chỉ ra hàng loạt nhóm ngành sẽ được hưởng lợi khi Trung Quốc cửa. Các nhóm ngành đó bao gồm: dệt may, da giày, sắt thép, du lịch lưu trú, ăn uống, hàng không, thủy sản và nông sản.
Theo một số ý kiến cho rằng, thông tin Trung Quốc mở cửa đã được thị trường chứng khoán Việt Nam hấp thụ hết, tuy nhiên ông Lực nhận định đó chỉ là một phần. Điều quan trọng là Trung Quốc sẽ mở như thế nào và Việt Nam sẽ chủ động ra sao. Đặc biệt, Trung Quốc mở cửa nhưng không phải toàn bộ mà vẫn còn khá cẩn trọng do những lo ngại về Covid-19 vẫn còn đó.
"Nếu chúng ta có phương án đối phó với dịch bệnh thì sẽ nắm bắt tốt hơn cơ hội tiềm năng này", - chuyên gia lưu ý.