Yêu cầu ngân hàng SCB giải trình?
Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đã có văn bản đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật về kiến nghị của người dân phản ánh việc Bảo hiểm Manulife tổ chức mạng lưới bán bảo hiểm thông qua môi giới tại một ngân hàng.
Cụ thể, trong văn bản gửi tới SCB gần đây, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết đã nhận đơn thư của tập thể 33 khách hàng mua bảo hiểm Manulife qua Ngân hàng TMCP Sài Gòn.
Đơn có nội dung liên quan đến việc Bảo hiểm Manulife tổ chức mạng lưới bán bảo hiểm thông qua môi giới tại SCB lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và "có dấu hiệu đưa thông tin sai lệch lừa khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm".
"Sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ Điều 20 Thông tư số 05/2021/TT –TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh và quy định của pháp luật; Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng chuyển đơn của tập thể 33 khách hàng đến SCB xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời tập thể 33 khách hàng và thông báo kết quả giải quyết đến cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng", - văn bản do ông Trần Đăng Phi - Phó Chánh thanh tra, Giám sát ngân hàng nêu rõ.
Trước đó, theo thông tin do báo Tiền phong phản ánh, có hơn 50 người dân gửi tiết kiệm bị chuyển gần 10 tỷ đồng sang mua bảo hiểm nhân thọ Tâm An Đầu tư.
Bị tư vấn sai lệch?
Người dân cho biết, họ bị tư vấn sai lệch, không có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ.
Đơn khiếu nại cũng thể hiện, do nhân viên tự ý kê khai, kể cả mức thu nhập hằng tháng, tình trạng sức khỏe.
Dù đã gửi đơn khiếu nại tới Manulife nhưng đến nay người dân vẫn chưa được đơn vị này trả lời thỏa đáng.
Phía Manulife được cho là không phản hồi về vấn đề được báo giới quan tâm. Thậm chí, đại diện đơn vị truyền thông trả lời vòng vo trước sự việc báo nêu, theo Tiền phong.
Theo Petrotimes và tạp chí Doanh nghiệp Kinh tế xanh, người dân đã gửi đơn khiếu nại tới Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đề nghị vào cuộc bảo vệ người dân khi họ phải chịu cảnh tiền gửi tiết kiệm thành khoản mua bảo hiểm nhân thọ Manulife.
Dù vậy, đến nay, người dân mới nhận được trả lời của đại diện Ngân hàng Nhà nước.
Phải ghi âm, lưu lại nội dung tư vấn
Được biết, trước những hạn chế của kênh bán bảo hiểm tại ngân hàng, tại dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất quy định ngân hàng bán bảo hiểm phải ghi âm, lưu lại 5 năm toàn bộ nội dung tư vấn cho khách hàng.
Với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung, cung cấp thông tin và tư vấn (của nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) trước khi quyết định phát hành hợp đồng, trong đó, phải có nội dung kiểm tra việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện.
Hồi tháng 11/2022, nhiều người dân nêu bức xúc về việc nhân viên ngân hàng SCB đã mượn uy tín của ngân hàng để chào mời mua trái phiếu sai lệch và thiếu trung thực.
Nhiều người mua trái phiếu sau khi vừa tất toán sổ tiết kiệm, được nhân viên của SCB tư vấn chuyển qua đầu tư trái phiếu.
UBND TP. Hồ Chí Minh, NHNN chi nhánh TP.HCM cũng đã yêu cầu SCB cầu cung cấp thông tin, giải thích rõ ràng, ân cần, lịch sự và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để hỗ trợ và tuyệt đối không được né tránh việc đối thoại với khách hàng, người dân.
SCB mong người dân bình tĩnh
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị tương đương Tổng cục, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, bảo hiểm tiền gửi.
Cơ quan này tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
Giữa nhiều thông tin tiêu cực, ngoài ý muốn trên thị trường, trong các thông báo của mình thời gian qua, ngân hàng SCB cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng hành, chia sẻ, tin tưởng của khách hàng.
Sự đồng cảm và niềm tin của người dân, khách hàng là đặc biệt quan trọng để giúp SCB sớm ổn định tình hình, tiếp tục hoạt động bền vững, an toàn, hiệu quả, góp phần vào ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ của đất nước cũng như góp phần sự phát triển nền kinh tế đất nước.
SCB cũng cam kết sẽ nỗ lực làm việc với các bên có liên quan, trong khả năng và thẩm quyền theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Đặc biệt, trong thư ngỏ được phía SCB phát đi, nhà băng nêu rõ, trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, SCB mong khách hàng bình tĩnh, thấu hiểu và tâm thủ các quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp, đồng thời không gây trở ngại đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB.