Sáng 5/1/2023 Quốc hội Việt Nam khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ hai, đã miễn nhiệm hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.
Hai sự kiện “bất thường” nói trên đã gây nhiều tranh luận và thu hút sự chú ý lớn của dư luận. Phóng viên Sputnik đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Long, nhà nghiên cứu các vấn đề đối nội của Việt Nam về chủ đề nóng này.
Trong năm 2022, đã có 3 trường hợp điển hình cho việc xin từ chức
Sputnik: Là một chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam, chắc ông nắm được thông tin và hiểu vì sao có quyết định nói trên. Thực sự là rất đáng ngạc nhiên, khi 2 phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam hoàn toàn còn trẻ, năng động. Chúng ta có thể thấy điều gì ở đây, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Long, nhà nghiên cứu các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Trong năm 2022, đã có 3 trường hợp điển hình cho việc xin từ chức, xin thôi nhiệm vụ của cán bộ cấp cao trong Đảng gồm ông Nguyễn Văn Thể xin từ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; ông Phạm Bình Minh xin thôi nhiệm vụ Ủy viên Bộ Chính trị và xin miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng thường trực; ông Vũ Đức Đam xin thôi nhiệm vụ Ủy viên Trung ương và chức vụ Phó thủ tướng. Tuy nhiên, ba trường hợp này có những chi tiết khác nhau.
Theo Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/1/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, việc xin từ chức của ông Nguyễn Văn Thể rơi vào trường hợp thứ nhất trong 4 trường hợp được Quy định 41 chỉ dẫn. Đó là “Hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao”. Vì vậy, ông Thể chỉ thôi giữ chức vụ Bộ trưởng Giao thông vận tải để chuyển công tác làm Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan trung ương nhưng vẫn là Ủy viên TƯ Đảng khóa XIII.
Trường hợp của các ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam thì nặng nề hơn. Yếu tố đầu tiên được xem xét trong Quy định số 41 đối với hai ông này là điểm thứ hai trong 4 trường hợp xin thôi nhiệm vụ. Đó là “Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng”. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả tiếp theo là “không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao”.
Ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ
© Ảnh : TTXVN
“Tội quy vu trưởng”
Sputnik: Như vậy, có thể hiểu là việc này liên quan tới 2 vụ việc đình đám nhất trong năm 2022 là vụ án “Chuyến bay giải cứu” và vụ Việt Á?
Ông Nguyễn Hồng Long, nhà nghiên cứu các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Đúng vậy! Trong năm 2022, dư luận cả nước chấn động khi lực lượng An ninh điều tra – Bộ Công an khám phá vụ án “Chuyến bay giải cứu”, xuất phát từ tham nhũng, tiêu cực của nhiều cán bộ cấp cao ở Bộ Ngoại giao, lan ra cả các công chức trung-cao cấp ở một số bộ ngành, thành phố Hà Nội và nhiều địa phương, doanh nghiệp khác cũng như một số đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Sau gần một năm phá án, 38 nghi can đã bị khởi tố, bắt tạm giam; một số khác bị khởi tố, cho tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú. Trong đó có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, 2 đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Nhật Bản và Malaysia, 4 cán bộ lãnh đạo cấp Vụ-Cục, 4 cán bộ lãnh đạo cấp phòng, 1 trợ lý của ông Phạm Bình Minh, 5 người đứng đầu doanh nghiệp và hàng chục chuyên viên, cán bộ, nhân viên của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Tổng công ty Hàng không Việt Nam…
Vụ án này trở thành đại án được Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương trực tiếp theo dõi, giám sát và chỉ đạo do quy mô phạm vi rất lớn và gây ảnh hưởng xấu đặc biệt nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan và các cá nhân có liên quan. Ngoài thiệt hại về vật chất thì việc tổn thất một số lượng không nhỏ cán bộ từ chuyên viên đến cấp thứ trưởng và tương đương là điều rất đau xót. Tuy nhiên, thiệt hại về tinh thần mới là nghiêm trọng nhất.
Tục lệ Việt Nam từ xa xưa đã xác định “Tội quy vu trưởng”. Có nghĩa là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm của người dưới quyền. Hành vi phạm tội của các bị can chủ yếu trong vụ án này khởi phát và diễn ra trong thời gian ông Phạm Bình Minh đang giữ chức vụ Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Là người đứng đầu ngành ngoại giao, một trong ba trụ cột sức mạnh của đất nước. ông Phạm Bình Minh phải chịu trách nhiệm vì đã để cấp dưới mắc sai phạm rất nghiệm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, ngành ngoại giao và cá nhân ông. Do đó, dù ông Phạm Bình Minh có nhiều năng lực chuyên môn và có nhiều cống hiến, đóng góp cho đất nước về đối ngoại nhưng trước những hậu quả hết sức nặng nề mà vụ đại án này gây ra, việc ông có đơn xin thôi và được TƯ cho thôi nhiệm vụ Ủy viên Bộ Chính trị cũng như Quốc hội cho thôi chức vụ Phó Thủ tướng thường trực là hợp lẽ.
Trước đó, dư luận trong nước và quốc tế cũng rung động khi lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Bộ Công an khám phá vụ án “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần TNHH Việt Á do Phan Quốc Việt làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tổng cộng có tới trên 90 bị can đã bị khởi tố, bắt tạm giam hoặc bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Như một vết dầu loang khổng lồ, vụ án đã lan rộng tới 5 công ty có liên quan, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) và hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài 2 hành vi phạm tội được xác định ba đầu, 3 hành vi phạm tội của gần 80 bị can đã được bổ sung gồm “Nhận hối lộ”, “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”. Trong số hơn 90 bị can bị khởi tố có Bộ trưởng và thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, 4 cán bộ lãnh đạo cấp Vụ và tương đương, 14 cán bộ lãnh đạo cấp sở và trung tâm trực thuộc UBND tỉnh, thành phố, 36 cán bộ lãnh đạo cấp phòng và tương đương.
Giống như đại án “Chuyến bay giải cứu”, đại án “Kít xét nghiệm Việt Á” cũng để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Tổn thất vật chất lên tới con số hàng nghìn tỷ đồng nhưng không thể so sánh được với tổn thất về nhân sự, lại càng không thể so sánh được với tổn thất về tinh thần, tổn thất về niềm tin của cán bộ và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và của riêng ngành y tế cũng như của quân đội vốn có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng trong hai năm phòng chống đại dịch COVID-19 hết sức căng thẳng và vất vả.
Bên cạnh đó, vụ án tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo hiện cũng đang làm dư luận cán bộ và nhân dân hết sức bức xúc. Đó là các vụ việc sai phạm từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua như gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT tại một số tỉnh phía Bắc năm 2018, như việc in lậu, làm giả sách giáo khoa, sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục…Cộng hưởng vào đó là các sai phạm của Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
Ở cương vị phó thủ tướng, ông Vũ Đức Đam phụ trách nhiều lĩnh vực xã hội gồm Y tế, Giáo dục, Lao động-Thương binh-Xã hội, Khoa học và công nghệ, Thông tin truyền thông, Văn hóa-Thể thao-Du lịch.v.v…, được coi là phó thủ tướng nhiều việc nhất trong số các phó thủ tướng. Trong các nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ vừa kết thúc, ông có nhiều công lao đóng góp trong phạm vi các lãnh vực mà mình quản lý. Ở tuổi 60, ông còn nhiều khả năng cống hiến hơn nữa.
Tuy nhiên, tục ngữ Việt Nam có câu “Mũi dại, lái chịu đòn” với ý nghĩa là trên một con thuyền lớn, có một tay chèo đằng mũi và một tay chèo phía sau là lái, trong đó, người lái rất quan trọng. Nếu người đứng mũi khua chèo sai thì phía lái sẽ rất vất vả để chỉnh hướng đi. Nếu không chắc tay lái sẽ dẫn đến lật thuyền. So sánh với trường hợp của ông Vũ Đức Đam, chúng ta có thể thấy một loạt sai phạm của các tư lệnh ngành ở cấp dưới đã gây ra hậu quả ảnh hưởng xấu đến ông Vũ Đức Đam. Và một điều không thể khác là vị “tư lệnh của các tư lệnh” ấy phải xin thôi chức trách nhiệm vụ của mình, thôi tham gia Trung ương Đảng để chịu trách nhiệm về những sai phạm do cấp dưới mình gây ra.
Kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam là nghiêm túc; pháp luật của Nhà nước Việt Nam là nghiêm minh
Sputnik: Theo ông quyết định của TƯ ĐCS Việt Nam và Quốc hội Việt Nam có thể mang lại những điều gì tích cực?
Ông Nguyễn Hồng Long, nhà nghiên cứu các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Sự việc cùng một lúc hai Phó thủ tướng, trong đó có một Ủy viên Bộ Chính trị và một Ủy viên Trung ương phải thôi giữ chức vụ là điều đáng buồn. Tuy nhiên, theo quy luật “họa phúc hữu môi phi nhất nhật” thì mọi việc đều có nguyên do của nó.
Xét về khách quan thì trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, yêu cầu phòng chống dịch vô cùng cấp bách và cần đặc biệt ưu tiên như Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng) đã ra lệnh: “Chống dịch như chống giặc”; việc để xảy ra các sai sót là điều khó tránh khỏi. Và ở chiều ngược lại, cũng có không ít kẻ đầu cơ trục lợi nhân khi có thiên tai, dịch bệnh. Cộng hưởng hai yếu tố này chính là nguyên nhân khách quan chủ yếu dẫn đến sự kiện cùng lúc hai phó thủ tướng thôi tham gia Bộ Chính trị và BCH TƯ Đảng. Và cũng chính vì vậy mà Quốc hội Việt Nam, trong phiên họp bất thường ngày 5/1/2023 đã phải làm một việc bất đắc dĩ là miễn nhiệm hai nhân sự đó, đồng thời, chấp thuận đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, phê chuẩn hai phó thủ tướng mới.
Nhìn từ khía cạnh tích cực của vấn đề, có thể thấy ngay rằng, sự kiện này đã một lần nữa chứng minh rằng, kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Namlà nghiêm túc; pháp luật của Nhà nước Việt Nam là nghiêm minh. Còn trên tất cả thì sự kiện này thể hiện đạo đức của người “làm quan”, trách nhiệm của người được giao quyền lực, đồng thời là lòng tự trọng, biết giữ liêm sỉ của bản thân, của sự chính trực, thẳng thắn.
Vì vậy, việc hai Phó thủ tướng nhận thức rõ trách nhiệm của mình liên đới tới những đại án mà thủ phạm chính là các cấp dưới của mình để xin thôi nhiệm vụ cho thấy sự chính trực, thẳng thắn, tinh thần cầu thị, tự phê bình được đề cao. Đó là những “tấm gương không mong muốn”nhưng cũng để lại bài học sâu sắc cho cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam, dù là những bài học xấu là hết sức đau xót.
Đối với dư luận trong cả nước thì sự thẳng thắn, chính trực, tự soi, tự sửa đó lại được tuyệt đại đa số nhân dân đánh giá cao. Sự vụ này không những không làm giảm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Namvà ngược lại, còn củng cố vững chắc hơn niềm tin của người dân vào tính nghiêm túc của kỷ luật Đảng, tính nghiêm minh của luật pháp.
Chân dung các tân phó thủ tướng
Sputnik: Ông có thể phác họa sơ qua chân dung các tân phó thủ tướng?
Ông Nguyễn Hồng Long, nhà nghiên cứu các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Chiều muộn ngày 5/1/2023, Văn phòng Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra thông cáo về phiên họp thứ nhất, Kỳ họp bất thường thứ 2 của Quốc hội khóa XV. Theo đó, các ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường và Trần Lưu Quang, Bí thư thành ủy Hải Phòng được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó thủ tướng thay các ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.
Theo thông tin tóm tắt từ Văn phòng Chính phủ Việt Nam, ông Trần Hồng Hà cùng tuổi với ông Vũ Đức Đam (sinh năm 1963), từng là Cộng tác viên khoa học tại trung tâm điện tử thông tin ALTEI (Liên bang Nga); bắt đầu tham gia công tác môi trường từ năm 1996 cho tới hiện nay là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường. Ông tham gia Ban chấp hành Trung ương các khóa XI (dự khuyết), XII và XIII (chính thức), là Đại biểu Quốc hội khóa XV. Ông có học vị tiến sĩ và trình độ lý luận chính trị cao cấp.
Ông Trần Lưu Quang năm nay 55 tuổi. Ông trưởng thành từ cơ sở địa phương với chức vụ đáng kể đầu tiên là Bí thư huyện ủy Trảng Bàng, Tây Ninh (chức vụ do Trung ương quản lý). Ông từng giữ các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh (2015-2019), Phó bí thư thường trực Đảng ủy thành phố Hồ Chí Minh (2019-2021), Bí thư Thành ủy Hải Phòng (2021 đến nay). Ông cũng tham gia Ban chấp hành Trung ương các khóa XI (dự khuyết), XII và XIII (chính thức), là Đại biểu Quốc hội khóa XV. Ông có học vị Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý công vụ và trình độ lý luận chính trị cao cấp.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ ban hành quyết định phân công công tác cho hai tân Phó thủ tướng.
Sputnik: Cảm ơn ông Nguyễn Hồng Long đã trả lời phỏng vấn cho Sputnik.