Theo các chuyên gia, trước những biến động khó lường trên thế giới, áp lực kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá vẫn còn, áp lực tăng lãi suất vẫn khá cao. Các chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, tín dụng của Việt Nam khó đi ngược dòng chảy của thế giới.
SCB niêm yết lãi suất huy động cao nhất hệ thống
SCB đang là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất hệ thống ở thời điểm hiện tại. Theo đó, đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, SCB niêm yết lãi suất gửi tiền tại quầy là 9,7%/năm và gửi trực tuyến là 9,9%/năm.
Từ 12 tháng trở lên, lãi suất huy động đồng loạt là 9,95%/năm. Dù vậy, đây chưa phải là mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này so với thời điểm biến động sau vụ bắt bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát.
Đáng chú ý, theo thông tin từ khảo sát được TTXVN thực hiện trong tuần đầu năm 2023, SCB hiện đang áp dụng chính sách cộng lãi suất thêm tới 1,5%/năm cho khách hàng gửi tiền tại quầy, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, trong giai đoạn từ nay đến hết ngày 28/2/2023.
Như vậy, lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể hưởng tại SCB lên tới 11,45%/năm.
Lãi suất ngân hàng nào cao?
Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng là nhà băng có niêm yết mức lãi suất xấp xỉ 10%. Cụ thể, NCB huy động với lãi cao nhất là 9,9%/năm dành cho sản phẩm tiết kiệm An Phú trực tuyến, kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ. Nếu khách hàng gửi tiết kiệm truyền thống cùng kỳ hạn, lãi suất là 9,7%/năm.
Thêm vào đó, NCB còn cộng thêm 0,2%/năm lãi suất so với biểu lãi suất online khi gửi trên ứng dụng NCB iziMobile. Ưu đãi dành cho khách hàng lần đầu gửi tiết kiệm tại NCB.
Tại một số ngân hàng thương mại khác, lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước cũng như động thái kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) về việc áp dụng mức tối đa 9,5%/năm cho lãi suất huy động các kỳ hạn, bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất.
Điển hình như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) với lãi suất cao nhất đã chỉnh từ mức 10,5%/năm xuống còn 9,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng cũng giảm 0,4%/năm so với trước, xuống lần lượt là 9,4%/năm và 9,2%/năm.
Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) giảm từ 10%/năm về mức 9,2%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank), lãi suất tiết kiệm cao nhất cho tiền gửi tiết kiệm bậc thang hiện chỉ còn 9,5%/năm khi gửi trực tuyến và 9,3%/năm khi gửi tại quầy.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) niêm yết lãi suất cao nhất là 9,2%/năm cho các kỳ hạn 18-36 tháng. Xét chung, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng tại các ngân hàng thương mại hiện dao động từ 3,8 - 6%/năm. Nhiều ngân hàng áp dụng mức kịch trần 6%/năm như SCB, SaigonBank, PVcomBank...
Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng khá cạnh tranh với mức 9,35%/năm tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), 9,1%/năm tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), 8,7%/năm tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)...
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng phần lớn đều trên mức 9%/năm như tại Bac A Bank, VPBank, tuy nhiên, cao nhất vẫn thuộc về ngân hàng SCB.
Lãi suất Vietcombank, Techcombank, Agribank
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động một số kỳ hạn ngắn.
Theo đó, Vietcombank tăng lần lượt 0,8%/năm và 0,3%/năm đối với lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1 và 3 tháng, đưa mức lãi suất hiện tại lên thành 6%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không đổi. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 - 9 tháng ở mức 6,5%/năm; kỳ hạn 12 - 24 tháng là 7,4%/năm.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) niêm yết biểu lãi suất mới, tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng lên mức 9,5%/năm, kỳ hạn dưới 6 tháng lên thành 6%/năm.
Đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, phần lớn các ngân hàng đều niêm yết lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng ở mức tối đa cho phép là 6%/năm. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng áp dụng ở mức thấp hơn, trong đó Agribank, Vietcombank, BIDV cùng mức 5,4%/năm.
NHNN sẽ tăng lãi suất điều hành?
Nhiều tổ chức, định chế tài chính, chuyên gia cho rằng, dù sau nhiều chỉ đạo nóng của nhà điều hành, cuộc đua lãi suất đang có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên, khó nói các nhà băng sẽ dừng hẳn việc điều chỉnh lãi suất huy động tăng cao để hút nguồn tiền gửi trong dân.
HSBC cho rằng, lạm phát lõi tăng, giá nguyên liệu thô cũng tăng, chu kỳ tăng lãi suất sẽ còn tiếp tục. HSBC dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 0,5 điểm phần trăm trong quý 1/2023 và quý 2/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7% vào giữa năm 2023.
Cũng như Sputnik đã đề cập, Standard Chartered dự báo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm vào quý 1/2023, sau đó giữ nguyên đến cuối 2024 nhằm duy trì sự ổn định.
Trong báo cáo chiến lược mới năm 2023 mới công bố, Chứng khoán Mirae Asset nhận định, trước mắt, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát cao, chỉ số sản xuất thấp do nhu cầu xuất khẩu giảm, và đồng nội tệ suy yếu. Cạnh đó, mặc dù thu hút FDI duy trì góp phần làm dịu tỷ giá hối đoái ở một mức độ nhất định.
Dù đánh giá ‘các biện pháp thắt chặt tiền tệ dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn’ nhưng Mirae Asset lưu ý, động thái tăng lãi suất điều hành hai lần tổng cộng 2%, khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới vẫn đang bỏ ngỏ, và triển vọng kinh tế chưa khả quan khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn cá nhân giảm đòn bẩy tài chính, đặc biệt là vay nợ cho các nhu cầu như mở rộng kinh doanh hay mua sắm tài sản.
Căn cứ vào những yếu tố bất lợi đã đề cập, MiraeAsset cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao như các năm trước là 14%. Về lãi suất, Mirae Asset khẳng định, mức lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch. Hơn nữa, Fed vẫn đang có kế hoạch tăng lãi suất điều hành trong 2023 với mức đỉnh kỳ vọng 5,1%.
“Vì vậy, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nước nhằm ổn định tỷ giá với dự báo thặng dư thương mại chưa khả quan trong quý 4/2022, trong khi dự trữ ngoại hối cần được hạn chế sử dụng để can thiệp vào tỷ giá hối đoái trong dài hạn”, - Mirae Asset dự báo.
Xem phản ứng của Fed
Công ty Chứng khoán Tienphong (TPS) bày tỏ, trong thời gian tới, ngoài yếu tố thâm hụt cán cân vãng lai, thì các hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất của Mỹ và yếu tố lạm phát trong nước sẽ có tác động khá lớn tới sự điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
TPS lưu ý, điều chỉnh giá xăng không còn là công cụ hiệu quả cho các nhà điều hành kiểm soát lạm phát và nhấn mạnh “sắp tới, khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất điều hành là rất cao”.
Thêm vào đó, năm 2023, Fed có thể có 2 đến 3 lần tăng lãi suất, tức là Ngân hàng Nhà nước có khả năng cũng phải tăng lãi suất điều hành thêm 2 – 3 lần, trung bình mỗi lần khoảng 1%. Đỉnh lãi suất điều hành có thể sẽ rơi vào giữa quý 2/2023, với mức tăng từ 2 - 3 điểm phần trăm so với mức lãi suất điều hành hiện tại.
Ở góc nhìn ngược lại, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) bày tỏ, Ngân hàng Nhà nước có thể phải đánh đổi một số mục tiêu ổn định và an toàn dài hạn để giải quyết vấn đề ngắn hạn.
Mục tiêu lạm phát năm 2023 được nới lỏng lên 4,5% và được chia sẻ bởi chính sách tài khoá trong khi điều hành tỷ giá kỳ vọng sẽ bớt áp lực hơn. Theo VDSC, lãi suất điều hành sẽ không chạy theo lãi suất thị trường với định hướng kiềm chế lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát đà tăng lãi suất để đảm bảo an toàn hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề nợ xấu tăng sẽ nổi cộm hơn trong năm 2023.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, động thái giữ mặt bằng lãi suất cao của Fed trong tương lai sẽ ảnh hưởng tới lạm phát và lãi suất của Việt Nam.
“Điều hành lãi suất, tín dụng, tỷ giá trong năm 2023 rất khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới”, - ông Quang nói và đề cập, việc giảm lãi suất cần nỗ lực rất lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất, yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định sẽ hỗ trợ cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát lên hàng đầu, xem xét rất thận trọng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 nhưng không cứng nhắc.