Soi Big 4 Ngân hàng quốc doanh Việt Nam Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank

BIDV - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.10.2022
Đăng ký
Chính phủ vừa có báo cáo với Quốc hội về ‘sức khỏe’ tài chính, tình hình hoạt động, kinh doanh của nhóm Big 4 – bốn Ngân hàng quốc doanh của Việt Nam gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ đánh giá tích cực về tình hình tài chính và hoạt động của khối ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) với thực tế nợ xấu giảm, tăng hiệu quả kinh doanh, vốn Nhà nước được bảo toàn và sinh lời tốt.

Big 4 Ngân hàng quốc doanh Việt Nam đang làm ăn ra sao?

Chính phủ vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý tài chính, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp năm 2021, trong đó, nhóm 4 Ngân hàng quốc doanh của Việt Nam – Big 4 Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank đặc biệt thu hút sự chú ý.
Cụ thể, về tình hình kinh doanh, báo cáo cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam năm 2021 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các ngân hàng thương mại Nhà nước đã có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng như giảm lãi suất cho vay.

“Đồng thời, hoạt động tín dụng của khối ngân hàng này vẫn đạt được tăng trưởng tích cực, huy động vốn có phần chậm lại nhưng chỉ các tiêu an toàn vốn vẫn được đảm bảo”, - báo cáo nêu.

Về huy động vốn, Chính phủ cho biết, đến cuối năm 2021, tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu (tổng nguồn vốn) của khối ngân hàng Nhà nước đạt gần 6,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,27% so với cuối năm 2020.
Trong đó, cơ cấu nguồn vốn huy động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ở nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư, phát hành giấy tờ có giá (huy động thị trường 1).
Các khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đạt 69.519 tỷ đồng, giảm 35,39% so cuối năm 2020. Tiền gửi của khách hàng: đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2020.
Phát hành giấy tờ có giá đạt 234.154 tỷ đồng, tăng 26,76% so cuối năm 2020. Nguồn vốn huy động thị trường 2 đạt 339.819 tỷ đồng, tăng 9,23% so với cuối năm 2020.
Về cho vay khách hàng, trên cơ sở đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng tín dụng và kiểm soát trong giới hạn được Ngân hàng Nhà nước cho phép, hoạt động tín dụng của khối nhà băng thương mại thuộc sở hữu Nhà nước đã có sự tăng trưởng năm 2021 so với năm 2020.

“Việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng luôn đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực cho vay tiềm ẩn rủi ro”, - báo cáo khẳng định.

Chốt đến cuối năm 2021, dư nợ cho vay khách hàng của nhóm big 4 đạt: 4,6 triệu tỷ đồng, tăng 10,41% so với cuối năm 2020. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, nợ xấu năm 2021 là 58.451 tỷ đồng, chiếm 1,23% so với tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Về hoạt động đầu tư, đến cuối năm 2021, tổng số dư các khoản chứng khoán kinh doanh đầu tư của khối nhà băng quốc doanh của Việt Nam là 597.235 tỷ đồng (đã tính dự phòng rủi ro), tăng 87.478 tỷ đồng (17,16%) so với cuối năm 2020.
 Tiền mặt là ổ vi trùng nguy hiểm - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.10.2022
Đồng tiền Việt Nam suy giảm kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước ‘đi giữa các lằn ranh’

Nợ xấu giảm, lợi nhuận của Big 4 tăng

Về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu của Big 4 đạt 452.238 tỷ đồng, tăng 2,15%) so với cùng kỳ năm 2020 trong khi chi phí giảm 0,38%. Lợi nhuận trước thuế của nhóm ngân hàng quốc doanh đạt 71.367 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) hợp nhất thời điểm cuối năm 2021: đạt 16,05%, tăng 1,01% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) hợp nhất thời điểm cuối năm 2020: đạt 0,9%, tăng 0,05% so với cùng kỳ năm 2020.
Báo cáo về chất lượng tài sản, nợ xấu của khối ngân hàng thương mại Nhà nước năm 2021, báo cáo cho biết, đạt 58.451 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu năm 2021 là 1,23% (giảm 9% so với năm 2020).
Trong khi đó, chất lượng tín dụng, khối quốc doanh tiếp tục chú trọng thực hiện quyết liệt các biện pháp để nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng một cách thực chất. Hoạt động thu hồi nợ xấu và các khoản nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được kết quả tốt.

“Các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu Nhà nước đạt kết quả khá tích cực trong xử lý nợ xấu trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, góp phần kiểm soát nợ xấu của từng ngân hàng nói riêng và kiểm soát nợ xấu của toàn hệ thống nói chung”, - Chính phủ cho hay.

Có ‘sức khỏe’ tốt, nhờ hoạt động hiệu quả, vốn đầu tư Nhà nước tại khối ngân hàng này tiếp tục được bảo toàn và sinh lời, theo báo cáo của Chính phủ.
Vốn chủ sở hữu đạt 356.833 tỷ đồng, tăng 31.446 tỷ đồng (9,66%) so với cuối năm 2020, trong đó vốn điều lệ đạt 170.060 tỷ đồng, tăng 24.807 tỷ đồng (17,08%) so cuối năm 2020.

4 ông lớn ngân hàng quốc doanh Việt Nam đầu tư ra sao?

Báo cáo gửi Quốc hội của Chính phủ cũng nêu kết quả hoạt động đầu tư vốn và thoái vốn ngoài ngành của 4 nhà băng quốc doanh hàng đầu là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank.
Kết quả cho thấy, hầu hết các ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước của Việt Nam trong nhóm Big 4 đều làm ăn có lời và tình hình hoạt động tại các công ty con, đơn vị liên kết vẫn được đảm bảo.
Chẳng hạn, tại Vietcombank, tính đến cuối năm ngoái, tổng giá trị vốn đầu tư của nhà băng này đạt 5.778,7 tỷ đồng, chiếm 13,4% vốn điều lệ và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, giảm 80 tỷ đồng (1,4%) so với thời điểm cuối năm 2020. Vietcombank được xác định đầu tư vào 10 công ty con, đơn vị liên kết với tổng vốn đầu tư đạt 4.117 tỷ đồng, chiếm 71,2% danh mục đầu tư của nhà băng, kết quả hoạt động kinh doanh “cơ bản đều có lãi”.
Các khoản đầu tư dài hạn khác gồm 11 khoản với tổng vốn đạt 1.661,46 tỷ đồng, chiếm 28,8% tổng danh mục đầu tư của Vietcombank. Ngoài ra, danh mục đầu tư dài hạn khác của Vietcombank tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: tổ chức tín dụng chiếm 67,5% và hàng không chiếm 22,8%.
Tổng thu nhập từ danh mục đầu tư năm 2021 của Vietcombank là 1.033,78 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ cổ tức/lãi được chia tiền mặt là 139,5 tỷ đồng.
Nhà băng này thực hiện 3 khoản đầu tư ra nước ngoài gồm Công ty Chuyển tiền Vietcombank (sở hữu 87,5%), Công ty tài chính Việt Nam- Hong Kong và Ngân hàng TNHH MTV Ngoại Thương Việt Nam tại Lào (Vietcombank sở hữu 100% vốn). Tình hình đầu tư vốn ra nước ngoài, thu hồi vốn đầu tư và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án đầu tư đều có lãi. Cùng với đó, năm ngoái, nhà băng này cũng hoàn tất việc tăng vốn điều lệ tại Công ty Tài chính Việt Nam tại Hong Kong từ 36,02 triệu HKD lên 105 triệu HKD (tương đương 306,9 tỷ đồng), thu từ thoái vốn tại Vietnam Airlines đạt 3,93 tỷ đồng.
Tại BIDV (đơn vị sở hữu nhiều công ty con hàng đầu hệ thống ngân hàng), tình hình sức khỏe cũng tương đối ổn định. Cụ thể, theo báo cáo, đến cuối năm 2021, tổng giá trị các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, công ty liên doanh và đầu tư tài chính của BIDV là 8.133 tỷ đồng, chiếm 15,1% vốn điều lệ và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, giảm 79 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020.
Lợi nhuận sau thuế các công ty con của nhà băng này năm 2021 đạt 870,6 tỷ đồng tăng 328 tỷ đồng (60,4%) so với năm 2020. Cùng với đó, đầu tư vào 4 công ty liên kết, lợi nhuận sau thuế đạt 567 tỷ đồng, tăng 117 tỷ (26%) so với cuối năm 2020.
Hiện nay, BIDV đang có 4 dự án đầu tư tại nước ngoài gồm Ngân hàng liên doanh Lào - Việt (LVB) tại Lào, Công ty TNHH BIDV Quốc tế (BIDVI) tại Hong Kong (Trung Quốc), BIDV - Chi nhánh Yangon tại Myanmar và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) tại Campuchia.
Ngoài ra, BIDV tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch thoái vốn của BIDV tại VALC theo các quy định của pháp luật.
Đối với Agribank, hầu hết các công ty con đều hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Được biết, năm 2021, các công ty con của Agribank đều kinh doanh có lãi, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận được giao.
Báo cáo cho thấy, Agribank thu lợi nhuận, cổ tức của năm 2020 từ hoạt động đầu tư vào công ty con và doanh nghiệp khác đạt 18,7 tỷ đồng và 2.730.000 cổ phiếu của ABIC (cổ tức chia bằng cổ phiếu).
Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.08.2022
“Việt Nam đang gây xôn xao”
Cùng với đó, ngày 28/3/2022, Agribank nhận được cổ tức năm 2020 của CMC là 258.219 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ chi trả cổ tức là 9%; ngày 23/4/2022, Agribank nhận được cổ tức năm 2020 của Napas là 43,5 tỷ đồng. Năm ngoái, nhà băng này thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Đại chúng, thoái một phần tại CMC, hiện đang xây dựng phương án trình Ngân hàng Nhà nước cho thoái vốn tại Agriseco và ALCI.
Trong khi đó, tại Vietinbank, về cơ bản, báo cáo cho thấy, hoạt động của các công ty con ở trong nước và tại nước ngoài của nhà băng này năm 2021 đều có lãi, dự kiến lợi nhuận chuyển về công ty đạt trên 750.387 triệu đồng.
Năm ngoái, tổng số dư đầu tư góp vốn, mua cổ phần tại các công ty con, công ty liên kết, đơn vị khác của Vietinbank đạt 5.928 tỷ đồng. Nhà băng này cũng tiếp tục tiến hành tái cơ cấu danh mục đầu tư, thoái vốn tại Vietinbank Leasing, giảm tỷ lệ sở hữu tại Vietinbank Security từ mức trên 75% xuống còn 51%.
Như vậy, nhóm Big 4 các ngân hàng quốc doanh của Việt Nam hiện đều vận hành ổn định và thu lời hàng trăm tỷ đồng từ hoạt động đầu tư vốn ở các công ty con, đơn vị liên kết.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала