Ngành năng lượng tái tạo của Trung Quốc, với quy mô lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ được hưởng lợi từ gói tài chính - thỏa thuận quốc tế trị giá hàng tỷ đô la mà các nước giàu nhóm G7 hỗ trợ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu, tập trung cắt giảm điện than, tăng thị phần năng lượng tái tạo.
Nhiều giới chuyên gia trong ngành, các công ty thuần kỹ thuật và nhà sản xuất thiết bị của Trung Quốc có thể hưởng lợi từ việc hồi sinh loạt dự án năng lượng tái tạo đang bị đình trệ ở Việt Nam, dù tốc độ sẽ phụ thuộc vào chính sách của chính phủ trong việc điều hành và hỗ trợ ngành công nghiệp non trẻ này.
Trung Quốc hưởng lợi từ thoả thuận khí hậu 15 tỷ USD của Việt Nam
Theo Hiệp ước Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) được ký kết vào ngày 14/12, có 36 quốc gia phát triển đã cam kết cùng nhau hỗ trợ tài chính công và tư nhân trị giá 15,5 tỷ đô la Mỹ trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ Việt Nam loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Tờ Bưu điện Nam hoa Buổi sáng (SCMP) dẫn quan điểm của ông Frank Haugwitz, nhà sáng lập Công ty Tư vấn Năng lượng Sạch (Solar) Á-Âu, cho biết JETP cùng với việc giảm giá tấm pin mặt trời sẽ thúc đẩy nhu cầu về các dự án năng lượng mặt trời cho cả các nhà phát triển Việt Nam và Trung Quốc.
“Mặc dù điều này sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Việt Nam, nhưng rất khó để định lượng mặt hàng này do chính phủ Việt Nam quyết định giữ cho sự phát triển của thị trường trong giới hạn”, ông nói thêm.
Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của các nhà sản xuất tấm pin mặt trời Trung Quốc vào năm 2020, với sản lượng 10 gigawatt (GW) và chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia.
“Việt Nam cũng là nước thụ hưởng JETP thứ ba sau Nam Phi và Indonesia trong 2 năm qua. Hiệp định nhằm mục đích đưa Việt Nam đạt mục tiêu năm cao điểm về phát thải khí nhà kính, bao gồm cả ngành điện, từ năm 2030 đến năm 2035”, SCMP cho hay.
Điều này sẽ giúp Việt Nam cắt giảm công suất phát điện than cao nhất theo kế hoạch vào năm 2030 từ 37GW xuống còn 30,2GW, đồng thời tăng tỷ trọng điện từ các nguồn tái tạo từ 36% lên 47%. Điện sạch là xu hướng chung của thế giới và Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy ấy.
Không ai nghi ngờ về tiềm năng thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam
Việt Nam chỉ bổ sung thêm 2GW công suất năng lượng mặt trời vào năm 2021 so với gần 12GW vào năm 2020, sau khi chương trình trợ cấp hào phóng dẫn đến hai năm tăng trưởng ngoạn mục kết thúc, theo SolarPower Europe.
Con số này có thể giảm thêm 0,55GW vào năm 2022 sau khi nhà phân phối điện duy nhất của quốc gia thông báo rằng họ sẽ ngừng phê duyệt công suất năng lượng mặt trời hoặc gió mới do những hạn chế về lưới điện, một báo cáo vào tháng 5 năm 2022 cho biết.
Tuy nhiên, Chris Starling – một đối tác tập trung vào các thị trường Đông Nam Á tại công ty tư vấn năng lượng The Lantau Group – cho rằng tăng trưởng dự kiến sẽ tăng trở lại vào năm 2023, nhờ thoả thuận JETP trị giá 15,5 tỷ USD.
“Với nền tảng chính sách và các mục tiêu sẽ được hoàn thiện vào nửa đầu năm 2023 và sẽ còn rõ ràng hơn đối với các mô hình thương mại mà chính phủ đang tìm cách thực hiện, tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ phục hồi. Không ai nghi ngờ về tiềm năng thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam”, ông nói.
Trước thỏa thuận JETP, tổng công suất lắp đặt năng lượng mặt trời trong 5 năm đến năm 2026 được dự báo nằm trong khoảng từ 7GW đến 24GW tùy thuộc vào chính sách của chính phủ, theo SolarPower Europe.
“Thị trường năng lượng của Việt Nam, vốn có quy mô lớn nhất và phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, đã được hỗ trợ bởi sự dịch chuyển các hoạt động sản xuất sử dụng nhiều lao động từ Trung Quốc”, SCMP lưu ý.
Theo Phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia (NREL), Việt Nam cũng có tiềm năng phát triển các trang trại gió có hiệu quả kinh tế cao thứ hai trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN. Cơ quan của Mỹ cho biết Việt Nam có tiềm năng sản xuất 311 GW điện gió, chỉ sau Myanmar (482 GW).
Về tiềm năng phát triển điện mặt trời, Việt Nam đứng thứ ba với 2.847 GW, sau Thái Lan là 10.538 GW và Myanmar là 7.717 GW.
Các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội
Starling cho biết sự chậm lại trong 2 năm qua là do chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh lại quá trình hoạch định chính sách để tính đến các hành động giảm thiểu khí hậu, đồng thời giải tỏa các nút thắt cổ chai trong lưới điện truyền tải sau nhiều năm tăng trưởng chóng mặt.
Ông lưu ý, chính phủ vẫn chưa hoàn thiện kế hoạch phát triển điện dài hạn của quốc gia, sau khi đã ban hành hơn 10 dự thảo trong vài năm qua, đặt ra các mục tiêu công suất mới cho các dự án điện than, khí đốt tự nhiên, năng lượng mặt trời và gió.
Cũng theo Starling, một phần của khoản hỗ trợ 15,5 tỷ USD từ sáng kiến JETP dự kiến sẽ giúp tài trợ cho lưới điện mới và cơ sở hạ tầng lưu trữ năng lượng, giúp giảm bớt tắc nghẽn truyền tải.
“Nhiều công ty Trung Quốc sẽ tìm kiếm cơ hội bán thiết bị, kỹ thuật, xây dựng và chuỗi cung ứng tại Việt Nam”, ông nói.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đánh giá cao việc các nước giàu đạt đồng thuận hỗ trợ 15,5 tỷ USD cho Việt Nam vì mục tiêu phát triển xanh.
Người đứng đầu LHQ cho rằng, với thỏa thuận này, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khuôn khổ hợp tác mới để thực hiện một quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, bao trùm và hướng đến năng lượng tái tạo.
JETP là công cụ quan trọng để khơi thông những nỗ lực giảm phát thải mà thế giới cần trong những năm 2020.
Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong 15,5 tỷ USD sẽ có khoảng 200 triệu USD là viện trợ không hoàn lại, phần còn lại là cho vay với lãi suất thấp. Trong năm 2023, Việt Nam phải làm việc với các đối tác để xây dựng và thông qua kế hoạch huy động nguồn lực.
Giảm điện than, tăng năng lượng tái tạo
Như Sputnik đã đưa tin, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (hiện đã được Quốc hội phê chuẩn là Phó Thủ tướng Chính phủ - PV), Việt Nam và nhóm đối tác quốc tế, bao gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch, đã thống nhất một chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Khoản hỗ trợ này được công bố tại hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Brussels, Bỉ, ngày 14/12.
Theo ông Trần Hồng Hà, JETP đưa ra bốn mục tiêu. Thứ nhất, đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến ở Việt Nam từ năm 2035 thành năm 2030. Thứ hai, giảm phát thải đỉnh của ngành điện tối đa là 30% đến năm 2030, tức từ 240 triệu tấn CO2 xuống 170 triệu tấn CO2. Thứ ba, giảm công suất điện than của Việt Nam từ 37 GW theo kế hoạch hiện tại xuống còn 30,2 GW. Thứ tư, đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, để năng lượng tái tạo chiếm 47% tổng lượng điện được tạo ra đến năm 2030 (so với tỷ trọng hoạch định hiện nay là 36%).
“Thực hiện thành công bốn mục tiêu trên sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khoảng 500 triệu tấn khí nhà kính từ giờ đến năm 2035”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.