Những thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam trong năm Quý Mão
Một khi đã nhận thức được những khó khăn, thách thức, đánh giá đúng tình hình thì vấn đề tìm kiếm, huy động các nguồn lực để vượt qua những thách thức, khó khăn đó là điều khả thi. Phương hướng chung là tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao tính chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài.
SputnikNăm 2022 là năm nền kinh tế Việt Nam thu được những thành công vượt lên trên sự mong đợi, gây ngạc nhiên cho nhiều chuyên gia, giới nghiên cứu và phân tích toàn cầu. Trong năm 2022, Việt Nam vừa tiếp tục phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả, 14/15 chỉ tiêu đề ra đã đạt được.
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đánh giá “Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh màu xám của nền kinh tế toàn cầu”.
Tuy nhiên, theo dự báo, 1/3 kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023.
Những thách thức nào lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong
năm Quý Mão 2023? Liệu Việt nam có đủ nguồn lực để vượt qua những thách thức đó?
2023 – một năm nhiều thách thức cho nền kinh tế Việt Nam
“Năm 2023 sẽ là một năm khó khăn đối với phần lớn nền kinh tế thế giới khi các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu đều trải qua giai đoạn suy yếu. Chúng tôi dự đoán một phần ba nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Ngay cả những quốc gia không bị suy thoái, hàng trăm triệu người cũng cảm thấy giống như suy thoái”, - Bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra nhận định.
“Trong bối cảnh suy yếu đó, Việt Nam – một đất nước có độ mở của nền kinh tế lớn chắc chắn sẽ không tránh khỏi tác động của kinh tế thế giới”, - TS kinh tế Lê Xuân Hòa nói với Sputnik.
“Rất nhiều thách thức lớn đang ở phía trước do những vấn đề khó dự báo trước đã bất ngờ xuất hiện, do sự phục hồi kinh tế không đồng đều và đang chậm lại trên toàn cầu, do sự cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn ngày càng căng thẳng và gay gắt, do biến đổi khí hậu, và một loạt các nguyên nhân nội tại cũng như khách quan khác. Trong đó, những biến động bất lợi bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối năm 2022 đã đột ngột trở nên phức tạp vào những tháng cuối cùng của năm”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
Cũng theo nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng, nhìn ra thế giới, thách thức đầu tiên có thể nhận ra được là môi trường kinh tế quốc tế đang trở nên khó khăn hơn. Các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng như các đối tác lớn của kinh tế Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều có dự báo suy thoái nhẹ. Trung Quốc mới bắt đầu chuyển hướng từ
chính sách “Zero COVID” sang chính sách “chung sống với COVID” nhưng tình hình dịch bệnh cũng vẫn đang diễn biến phức tạp, quá trình hồi phục chậm lại và chưa chắc chắn. Những yếu tố nói trên đã làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế.
Để kéo giảm lạm phát, một số quốc gia đã tăng cường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, tạo nên thách thức thứ hai đối
với kinh tế Việt Nam. Đến năm 2022, có tổng số 225 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; trong đó có 25% vụ việc phòng vệ thương mại đến từ Mỹ. Những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại rất đa dạng, gồm thép, xi măng, gỗ, mật ong, cá tra, tôm, sợi.v.v… Trong năm 2022, số lượng các quốc gia sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam không chỉ có Mỹ, EU mà còn có cả Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và một số nước Đông Nam Á.
“Thời gian tới, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, đơn hàng có thể giảm đến tận quý II-2023. Điều này dẫn đến việc lao động thiếu việc làm, ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập, đời sống của công nhân’, - TS Hoàng Giang nói với Sputnik.
Thách thức lớn thứ ba liên quan đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Có thể nhận thấy ngay rằng lĩnh vực này đang đối mặt với nhiều rủi ro.
“Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn tăng, trong năm 2023 đấy vẫn là thách thức lớn cho nền kinh tế của Việt Nam. Rồi nợ xấu tiềm ẩn cũng có thể gia tăng trong thời gian tới”, - TS kinh tế Lê Xuân Hòa nhận định trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
“Các thị trường thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp diễn biến rất phức tạp. Những ảnh hưởng tiêu cực của một số vụ án kinh tế rất nghiêm trọng còn kéo dài sang năm 2023 do độ trễ khi tác động đến các thị trường khác”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh, trả lời phỏng vấn của Sputnik.
Thách thức lớn thứ tư là
thị trường lao động thiếu ổn định. Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng lưu ý, dưới sức ép của giá nguyên nhiên liệu tăng cao, lãi suất cho vay tăng cao, nguy cơ lạm phát còn lớn. nên hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc; đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó thì việc chuyển hướng áp dụng phổ biến công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh đã tạo ra như cầu rất lớn đối với lao động có trình độ cao nhưng thị trường lao động lại chưa đáp ứng kịp. Điều này đặt ra một thách thức không nhỏ đối với nhiệm vụ đào tạo lao động có chất lượng cao, gắn bó chặt chẽ với việc sử dụng lao động trong môi trường công nghệ hiện đại chứ không còn là chỉ tiêu có tính hình thức về số lượng.
Thách thức lớn thứ năm là việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm cũng như triển khai các chương trình phục hồi kinh tế xã hội còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ.
“Nhiều dự án lớn được khởi công như 12 tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Sân bay Quốc tế Long Thành.v.v... nhưng đều gặp phải nhiều khó khăn do thủ tục giải ngân chậm, vật tư, xăng dầu tăng giá, việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia Sputnik phỏng vấn, thách thức lớn cuối cùng là năng lực xây dựng thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế. Chất lượng luật pháp, chính sách còn thấp, thậm chí một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh. Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, co kéo, giành giật lợi ích. Việc phối hợp thực thi chính sách còn chưa quyết liệt và thiếu đồng bộ, trong một số trường hợp còn để chậm trễ, làm lỡ thời cơ, thậm chí còn bị động, lúng túng, hiệu quả thấp.
Việt Nam có đủ nguồn lực để vượt qua những thách thức?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh, một khi đã nhận thức được những khó khăn, thách thức, đánh giá đúng tình hình thì vấn đề tìm kiếm, huy động các nguồn lực để vượt qua những thách thức, khó khăn đó là điều khả thi. Phương hướng chung là tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao tính chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài.
“Vấn đề được coi là chìa khóa để mở ra các cơ hội, biến nguy cơ thành cơ hội để tiếp tục phát triển chính là nâng cao hơn nữa năng lực dự báo, phân tích, chủ động, nhạy bén nắm chắc các biến động của nền kinh tế thế giới. Đánh giá đúng thực trạng nội tại của nền kinh tế và nhận diện chính xác những thách thức khó khăn. Từ đó xây dựng các kịch bản điều hành kinh tế-xã hội phù hợp là biện pháp chủ động nhất để vượt qua tất cả những khó khăn đó.
Việt Nam có một loạt các cơ quan nghiên cứu kinh tế của Nhà nước và các tổ chức xã hội, được đầu tư bài bản và chọn lọc kỹ lưỡng, kết hợp với các nguồn thông tin đến từ bên ngoài nên có đủ tiềm lực để hoàn thành nhiệm vụ dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nhận định.
Vấn đề thứ hai là thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định
kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đặc biệt chú trọng ổn định thị trường tài chính - tiền tệ, bảo đảm thanh khoản của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản... Trong đó, quan trọng nhất là “phá băng” thị trường bất động sản, chấn chỉnh lại các mục tiêu đầu tư vào thị trường này để khai thác có hiệu quả. Tiếp theo là ổn định thị trường chứng khoán và mở rộng có kiểm soát việc thu hút đầu tư bằng trái phiếu doanh nghiệp để có thể huy động nhiều các nguồn vốn hơn nữa cho đầu tư, phát triển.
24 Tháng Mười Hai 2022, 04:16
Thứ ba là kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động. Thực hiện chính sách tỷ giá và lãi suất một cách linh hoạt, mềm dẻo. Phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Chấn chỉnh là các ngân hàng thương mại yếu kém, phát huy thế mạnh của cả hệ thống tài chính-ngân hàng. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về tài chính-tiền tệ.
Thứ tư là đẩy mạnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; xử lý những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, tháo gỡ những nút thắt tăng trưởng, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách. Nguồn
vốn đầu tư công kết hợp với nguồn vốn xã hội hóa sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn.
Thứ năm là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Thứ sáu là tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp để đưa sản xuất kinh doanh phục hồi về chiều rộng và phát triển về chiều sâu.
“Các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là động lực chính của nền kinh tế Việt Nam. Chúng không những bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà còn khẳng định vị trí của Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; tập trung vào những mặt hàng đạt giá trị cao và có lợi thế’, - TS Hoàng Giang phát biểu với Sputnik.
Việc phát triển thị trường lao động bền vững, hiệu quả; tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, nhất là người lao động bị mất việc làm, giảm việc làm cũng vô cùng cần thiết. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần chú trọng mở rộng công tác đào tạo lao động chất lượng cao.
Một việc làm cần thiết nữa là tăng cường công tác đối ngoại về kinh tế theo hướng ngoại giao tích cực đồng hành cùng các doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp thâm nhập và khai thác các loại thị trường khác nhau. Ngoại giao kinh tế góp phần đẩy mạnh đàm phán để hóa giải những khó khăn do chính sách phòng vệ thương mại của các đối tác, khơi thông các nguồn lực cũng như các chuỗi cung ứng giữa kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế trên thế giới.