Статуя дракона - Sputnik Việt Nam, 1920
Tổng kết 2023 và Dự báo 2024
Sputnik điểm lại các sự kiện, xu hướng chính trên thế giới và ở Việt Nam năm qua cùng những phân tích, dự báo cho năm 2024.

Kinh tế Việt Nam năm 2022 đã đạt được “thành tựu đáng kinh ngạc”

© Depositphotos.com / Phong.tranThành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh. - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.12.2022
Đăng ký
Việt Nam đã đạt được “thành tựu đáng kinh ngạc” trong phát triển kinh tế năm 2022, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 dự kiến sẽ chậm lại dưới tác động trực tiếp của suy giảm kinh tế thế giới cũng như những nút thắt nội tại của nền kinh tế trong nước.
Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 hôm 22/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nêu rõ: Ước tính cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), cao gấp 1,25 lần dự báo của IMF; xuất siêu đạt 10,6 tỷ USD sau 11 tháng, ước tính cả năm có thể đạt 12 tỷ USD; chỉ số tăng giá tiêu dùng CPI (lạm phát) được kiểm soát ở mức 2,89%... Đó thực sự là một thành tích rất lớn, có ý nghĩa lịch sử. Các báo “The Dipilomay” và News Wire” gọi đó là “thành tựu đáng kinh ngạc”.
Việt Nam đã gặp phải những khó khăn gì trong phát triển kinh tế năm 2022, đã phạm những sai lầm gì? Và Việt Nam đã vượt qua khó khăn, trở ngại như thế nào để đạt được kết quả tốt như vậy? Có thể nói gì về phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023?

Việt Nam bước vào năm 2022 với những khó khăn bộn bề

Khi đánh giá những khó khăn trước nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, nhiều chuyên gia đã dùng từ “khó khăn bộn bề”.
Trước hết, đại dịch COVID-19 tuy đã được đẩy lùi và kiểm soát nhờ Chiến lược tiêm chủng vaccine và các biện pháp quyết liệt nhưng đã để lại hậu quả rất nặng nề. Tính đến ngày 15/12/2022, tổng số ca nhiễm là 11.521.708 ca, tổng số ca tử vong lên đến 43.178 trường hợp. Trong đó, tổn thất những lao động trong độ tuổi sung sức, lao động có tay nghề cao chiếm hơn 50%.

“Hiện tại, vẫn còn trung bình khoảng 350 ca nhiễm mỗi tuần. Mặc dù số tử vong đã giảm dưới 1 người/tuần nhưng tổng số ca hiện đang điều trị là 911.796 ca. Một con số đáng kể cho thấy đại dịch COVID-19 vẫn chưa “đầu hàng” hoàn toàn. Việt Nam vẫn còn cần cảnh giác cao, cần dự trữ thêm những nguồn lực để ứng phó nếu dịch bệnh bùng phát trở lại”, - Chuyên gia về những vấn đề đối nội của Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Long phát biểu với Sputnik.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Hồng Long, hậu quả của đại dịch đã làm cho nền kinh tế Việt Nam gần như chững lại. Tuy mức tăng trưởng vẫn còn dương nhưng chỉ khoảng từ 2 tới 3% trong năm hai năm 2020 và 2021 - những năm đại dịch tồi tệ nhất. Không những thế, nhiều nguồn dự trữ chiến lược quốc gia vốn dành cho phát triển kinh tế xã hội như tài chính, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men và trang thiết bị y tế.v.v… đã được huy động tổng lực để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

“Nguồn nhân lực lẽ ra dành cho lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất cũng được tập trung vào nhiệm vụ phòng chống dịch. Có những thời điểm, Chính phủ Việt Nam đã phải huy động cả lực lượng vũ trang, doanh trại, phương tiện, dự trữ lương thực, thực phẩm để hỗ trợ công tác phòng chống dịch ở các địa phương”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.

Khó khăn lớn thứ hai là các hậu quả của hàng loạt các lệnh cấm vận và trừng phạt mà Mỹ và phương Tây đánh vào Liên bang Nga. Chúng đã gây ra những tác hại không nhỏ, đe dọa làm sụt giảm đà phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam.
“Là nền kinh tế có độ mở rất cao, có quan hệ kinh tế với trên dưới 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các thị trường lớn như Trung Quốc. Mỹ, EU, các thị trường trung bình như Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc.v.v… những biến động khó dự báo từ cuộc cạnh tranh địa chiến lược của các cường quốc đã tạo nên những trở lực cho sự phục hồi và phát triển trở lại của nền kinh tế Việt Nam”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng bình luận với Sputnik.
Toàn cảnh thành phố Hồ Chí Minh lúc hoàng hôn - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.10.2022
Phương Tây không thổi phồng tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng còn nhấn mạnh rằng, nguồn vốn ODA bị thu hẹp, các thị trường lớn đều rơi vào suy thoái. Số lượng đơn hàng giảm cả về số lượng và giá trị. Giá cả nhiên liệu và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng cao, có những thứ trở nên khan hiếm và đặc biệt khan hiếm. Nhất là các nguyên liệu chiến lược. Nguy cơ lạm phát rình rập khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất đồng USD để chống lạm phát cho Mỹ nhưng lại gây bất lợi cho hàng loạt các đối tác.
“Những điều kiện bất lợi nói trên đã đẩy nhiều doanh nghiệm vừa và nhỏ vào trạng thái hoạt động cầm chừng và có nguy cơ phá sản. Trong khi đó thì các doanh nghiệp lớn tuy trụ được nhưng một số lĩnh vực, như bất động sản chẳng hạn, đã thực sự lâm vào tình trạng “đóng băng” do cung vượt cầu”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
Đối với sản xuất công nghiệp thì công nghiệp chế tạo sản phẩm, công nghệ cao cũng vấp phải những khó khăn không nhỏ. Chính các lệnh cấm vận, trừng phạt từ Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga và Trung Quốc đã tạo ra tình trạng khan hiếm các mặt hàng chiến lược, nhất là các nguyên liệu chất bán dẫn và đất hiếm, những thứ đặc biệt cần thiết và không thể thay thế trong việc sản xuất các con chip điện tử. Khó khăn của ngành công nghiệp công nghệ cao đã ảnh hưởng đến các ngành chế tạo ô tô và máy móc, thiết bị khác.

“Sản xuất nông nghiệp thì ít bị ảnh hưởng hơn. Nhưng các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga cũng làm cho giá cả phân bón trên thị trường quốc tế và trong nước tăng lên. Qua đó làm cho giá thành nông sản cũng tăng theo”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.

Những biện pháp mang lại hiệu quả nhất

Ngay sau khi khống chế và kiểm soát được đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2021, lãnh đạo Việt Nam đã nhận thấy cần có các cơ chế, chính sách đặc biệt để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, nhanh chóng đưa đất nước vào trạng thái bình thường mới, vừa cảnh giác đề phòng, tích cực khống chế dịch bệnh, vừa nỗ lực khơi thông mọi nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế. Trong khi đó thì thời gian không chờ đợi. Nếu để đến kỳ họp thường niên gần nhất (một năm hai lần) diễn ra vào tháng 4, tháng 5-2022 thì mọi chuyện có thể sẽ chậm trễ, thời cơ quý báu có thể bị bỏ qua, không tận dụng được.
Các sáng kiến lập pháp và hành pháp chủ động, linh hoạt chưa từng có tiền lệ:
Cuối tháng 7/2021, Quốc hội Việt Nam khóa XV tại Kỳ họp thứ nhất đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 về “Các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19” (gọi tắt là Nghị quyết số 30).
Nhân viên y tế quận Hoàn Kiếm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp có nguy cơ cao tại khu vực liên quan đến ca dương tính với SARS-CoV-2 tại phố Hàng Mắm (phường Lý Thái Tổ) ngày 18/7/2021. - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.07.2021
Đại dịch COVID-19
Việt Nam bước vào thử thách lớn nhất trong cuộc chiến chống COVID-19
Đây là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành bốn nhiệm vụ: Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh, vừa xây dựng hệ thống chính trị trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được chủ động, linh hoạt quyết định triển khai các giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù, đặc cách, kể cả các biện pháp chưa được quy định hoặc chưa có tiền lệ.
Các chuyên gia đánh giá, các nghị quyết rất quan trọng đã thể hiện sự chủ động, linh hoạt, dự báo chính xác, quyết đoán kịp thời của các cơ quan lập pháp và hành pháp đã tạo nền tảng pháp lý, sớm phát hiện và nắm bắt thời cơ từ khi đại dịch còn đang diễn biến phức tạp; đã thực sự làm nền tảng để mọi hoạt động của xã hội Việt Nam nhanh chóng trở lại bình thường, ổn định và nền kinh tế đã tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2022, đặc biệt là quý III với mức tăng trưởng trên 16%, cao nhất so với cùng thời điểm ở nhiều năm trước đó.
Trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực tới mức cao nhất, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

An sinh xã hội là cơ sở căn bản để phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế

“Việc Chính phủ Việt Nam đã đặt nhóm chính sách “an sinh xã hội” lên hàng ưu tiên so với nhóm chính sách phục hồi và phát triển kinh tế đã tạo động lực mạnh cho việc nhanh chóng phục hồi sản xuất và nền kinh tế”, - TS kinh tế Lê Xuân Hòa đưa ra đánh giá với Sputnik.
Chính phủ Việt Nam đã thực hiện rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, duy trì lực lượng lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm tăng trưởng, tăng cường các biện pháp giữ chân người lao động đang làm việc, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ người lao động được vay vốn…; xây dựng và triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; thực hiện đồng bộ các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và nhiều chính sách cần thiết khác.
“Những chính sách nói trên trong năm 2022 đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, phần lớn lực lượng lao động của xã hội được hồi phục”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long phát biểu với Sputnik.
HSBC tại Hồng Kông - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.12.2022
Tổng kết 2023 và Dự báo 2024
“Cú quay xe” đầy bất ngờ của nền kinh tế Mỹ ‘giáng đòn’ vào Việt Nam
Song song với các chính sách đã đề cập ở trên là các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ và cân đối tài chính; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
“Trong việc thực hiện các biện pháp hợp lý, đúng lúc, chúng ta có thể thấy, Quốc hội Việt Nam đã luôn đồng hành cùng Chính phủ. Sự phục hồi và tăng trưởng tới 8% của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 là một kết quả đáng kinh ngạc và được đánh giá cao trên trường quốc tế’, - TS kinh tế Lê Xuân Hòa phát biểu với Sputnik.

“Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam coi đó là một “phép màu Châu Á”. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thì cho rằng Việt Nam đã tạo nên “Kỳ tích Châu Á” và có nhiều cơ hội để bứt phá khi các Hiệp định tự do thương mại với EU (EVFTA), Hiệp định liên khu vực CPTPP, Hiệp định RCEP được triển khai mạnh mẽ sau đại dịch. Còn IMF thì cho rằng “Việt Nam đã gây bất ngờ lớn cho cả thế giới” và xếp Việt Nam vào tốp 7 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2022”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik .

Những sai lầm

Theo đánh giá của chuyên gia Nguyễn Hồng Long thì không có sai lầm lớn về chính sách và điều hành có tính chiến lược, vĩ mô, chỉ có những sai lầm, thiếu sót khi triển khai thực hiện các biện pháp, chính sách, quy định.
Trước hết phải kể đến sự bất ngờ của hầu hết các chuyên gia kinh tế trong nước khi Liên bang Nga mở Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina vào cuối tháng 2/2022. Mặc dù triệu chứng xuất hiện xung đột đã dần dần tăng lên vào nửa cuối năm 2021 nhưng hầu như không ai, không cơ quan, doanh nghiệp nào lại dự báo được chiến sự lại nổ ra vào thời điểm này và phản ứng cấm vận, trừng phạt dữ dội từ Mỹ và phương Tây trút lên nước Nga.
Vấn đề thứ hai là một số chính sách về đất đai và bất động sản chưa được điều chỉnh và bổ sung kịp thời để theo sát với diễn biến thực tế. Do đó, một số phần tử thoái hóa, biến chất đã lợi dụng những kẽ hở của chính sách để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế nhằm đầu cơ, trục lợi. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2022, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật dưới sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương, nhiều vụ án lớn đã được khám phá, nhiều bị can bị truy tố ra tòa, buộc phải bồi hoàn số tiền thu lợi bất chính và lĩnh án. Số lượng và tỷ lệ tài sản, tiền bạc thất thoát được thu hồi đã vượt xa 10 năm trước đây.
Vấn đề thứ ba là một số điểm nghẽn trong triển khai dự án trọng điểm quốc gia xây dựng đường cao tốc phía Đông chưa được tháo gỡ triệt để. Việc giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay quốc tế Long Thành cũng bị chậm trễ. Một số dự án đường sắt đô thị cũng chậm tiến độ, dẫn đến việc giá thành bị đội lên cao. Trong tổng số gần 20 dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ duy nhất có tuyến Cát Linh – Hà Đông đã đi vào hoạt động.
Vấn đề thứ tư là chính quyền một số địa phương không quyết liệt thực thi các giải pháp tháo gỡ vướng mắc đã được chỉ ra trong khi được giao rất nhiều thẩm quyền vốn thuộc về cấp trên. Điều này đã gây ra những thiệt hại không đáng có, gây lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc. Một số địa phương không dám thực hiện các biện pháp mạnh vì sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị kỷ luật, bị xử lý, đến mức Trung ương Đảng phải ban hành Kết luận số 14-KL/TW về “Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.

Dự báo phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2023

Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển ở mức trung bình thấp, lại có độ mở rất cao, tới 200%. Sau một năm đầy biến động trên thế giới do cuộc cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị toàn cầu diễn ra khốc liệt giữa các nước lớn, những nguy cơ dịch bệnh vẫn còn rình rập. Kinh tế thế giới đang đứng trên bờ vực suy thoái. Các thị trường và đối tác lớn của Việt Nam vẫn chưa phục hồi hoặc phục hồi không đồng đều. Các đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được nối loại hoàn toàn.
Thủ Thiêm - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.12.2022
Chuyên gia Nga bàn về kinh tế Việt Nam năm 2022
Thêm vào đó, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt hơn, các thảm họa thiên nhiên diễn ra với mức độ tàn phá dữ dội hơn và mật độ dày đặc hơn. Tất cả những điều đó khiến cho việc dự báo kinh tế năm 2023 ở Việt Nam trở nên rất khó khăn. Chính vì vậy mà số lượng “kịch bản” phát triển cũng nhiều lên khiến cho các lựa chọn của Việt Nam cũng khó khăn hơn rất nhiều.

“Sự phát triển dường như chững lại của kinh tế Việt Nam trong quý IV/2022 có những lý do khách quan của nó. Trước hết, đó là các đơn hàng quan trọng, có giá trị lớn bị “ùn tắc” do đại dịch COVID-10 về cơ bản đã được giải tỏa, trong khi đó thì nhiều đơn hàng mới cho năm 2023 vẫn chưa được ký kết, chưa thể triển khai hoặc triển khai chậm.

Lý do khách quan thứ hai là cuộc cạnh tranh địa chính trị của các nước lớn, đặc biệt là thái độ và cách hành xử của Mỹ và phương Tây ở Châu Âu đã làm xáo trộn nghiêm trọng các mối quan hệ vốn dĩ đã ổn định của các quốc gia và khu vực, gây nên những đứt gãy mới còn nghiêm trọng hơn cả những đứt gãy do đại dịch COVID-19 gây ra”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng đưa ra đánh giá trong trả lời phỏng vấn cho phóng viên Sputnik.

Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng cũng nhấn mạnh, đứng trước sự co hẹp của các thị trường lớn ở các nước phát triển và đang phát triển bậc cao, Việt Nam sẽ phải tính toán lại các mục tiêu kinh tế của mình, sẽ phải tìm kiếm những thị trường mới. Các thị trường này có thể có quy mô không lớn nhưng tính khả thi cao hơn, có độ tin cậy lớn hơn.
Theo các chuyên gia, trong nước, nút thắt lớn nhất là thị trường bất động sản lâm vào bế tắc. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đã “mải mê” với phân khúc thị trường có giá trị cao, phục vụ các tầng lớp giàu có, đem lại lợi nhuận cao mà “quên bẵng” phân khúc thị trường có giá trị thấp, phục vụ các tầng lớp có thu nhập trung bình và trung bình thấp. Một số doanh nghiệp bất động sản có ”lưng vốn” chỉ đủ để triển khai 2 đến 3 dự án cỡ trung bình nhưng họ lại phiêu lưu, mở ra tới cả chục dự án ở nhiều nơi nhằm “xí phần” đất đai.
Do vượt quá năng lực tài chính cũng như vượt tầm kiểm soát nên dự án nào cũng dở dang hoặc chậm tiến độ, nợ đọng tại ngân hàng tăng lên từng ngày và có nguy cơ biến thành nợ xấu. Vì vậy mà một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn; lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí bị lỗ; một số cổ phiếu bất động sản “nằm sàn”, đặc biệt là “rủi ro” khi thanh khoản bị giảm sâu, thậm chí có thể bị mất khả năng thanh toán.

“Về hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam thì trong năm 2023 có thể bị tác động mạnh khi 7 nền kinh tế vốn chiếm khoảng 50,8% kim ngạch xuất khẩu gồm Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh, Hong Kong; và 7 nền kinh tế chiếm gần 42% kim ngạch nhập khẩu gồm Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Australia, Indonesia, được dự báo suy thoái nhẹ. Về đầu tư thì 8 trong số 10 nhà đầu tư lớn nhất chiếm 93% tổng vốn FDI vào Việt Nam, đều có dự báo sẽ gặp khó khăn trong năm 2023, trừ Trung Quốc và Thái Lan”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long phân tích.

Có thể thấy trước rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2023 dưới tác động trực tiếp của suy giảm kinh tế thế giới cũng như những nút thắt nội tại của nền kinh tế trong nước. Giám đốc Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,3 trong năm 2023. Trong khi đó, ông Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 chỉ đạt khoảng 5,8%. Còn tính trung bình cả 2 năm 2021 và 2022, Việt nam chỉ đạt tăng trưởng 5,2%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu trung bình 6,5%/năm do Quốc hội Việt Nam khóa XV hoạch định trong giai đoạn 2021-2025.
Ngày 17/12/2022, tại Hà Nội đã diễn ra “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Sau Tết âm lịch Quý Mão, Quốc hội Việt nam sẽ họp phiên bất thường để bàn các biện pháp đẩy mạnh phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Chúng ta hãy cùng chờ xem các chuyên gia, các nhà quản lý sẽ đưa ra những giải pháp gì, những sáng kiến nào để nâng cao tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала