Một chú voi bạch tạng được sinh ra trong rừng rậm một tỉnh phía tây Myanmar. Màu lông của nó rất sáng, xen giữa xám và hồng, nhưng người dân địa phương gọi nó là voi trắng. Ở Myanmar và các nước láng giềng như Thái Lan, Lào, nơi phần lớn dân số theo Phật giáo nguyên thủy, voi trắng được coi là biểu tượng của may mắn, thành công, thịnh vượng mà những dân tộc nuôi voi đạt được. Truyền thống tôn thờ voi trắng đã có từ nhiều thế kỷ trước. Trong thời đại phong kiến, nhiều kẻ thống trị chỉ vì muốn chiếm một con vật như vậy làm của riêng cho mình mà gây chiến với các nước láng giềng. Nhưng người dân Myanmar hiện nay đã có được con voi trắng mà không gặp nhiều khó khăn. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên trong lịch sử Myanmar hiện đại xuất hiện những con voi trắng trên lãnh thổ nước này. Hiện tại, hai chú voi trắng đang được nuôi tại một nơi đặc biệt ở Yangon. Chú voi con mới sinh được đưa đến chuồng tại thành phố Naypyidaw, thủ đô mới của Myanmar.
Các thành viên chính phủ hiện tại của Myanmar, những người lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2 năm 2021, tin rằng con voi trắng xác nhận tính hợp pháp của sự cai trị của họ.
Hy vọng vào chú voi, nhưng đừng chủ quan
Mặc dù các ý tưởng Phật giáo và thậm chí cả các điều mê tín được phổ biến trong dân chúng Myanmar, nhưng không phải tất cả người Myanmar đều đồng ý công nhận sự xuất hiện của một con voi trắng như sự biện minh cho chính sách quân đội.
Trong bối cảnh diễn ra các vụ bắt giữ hàng loạt do chính quyền thực hiện, việc nuôi con voi trắng được nhìn nhận theo một khía cạnh mới.
Một người Myanmar viết trên Internet: "Bây giờ chú voi con này là một tù nhân".
Người khác nói tiếp: "Nó cũng sẽ bị đưa ra xét xử".
"Voi được coi là con vật quan trọng vào thời xưa thôi", - một người nữa kết luận.
Myanmar ngày nay đang ở thế khó. Vốn là một nước nghèo và giờ lại mất khả năng phát triển tiến bộ dưới sự cai trị của quân đội. Năm ngoái Myanmar ghi nhận mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong số các nước ASEAN (2%) và tỷ lệ lạm phát cao nhất - 19%. Trên thực tế, đất nước này đang chìm trong nội chiến, vì để đối phó với sự đàn áp của chính phủ, nhiều bộ phận xã hội đã nổi dậy cầm vũ khí.
Myanmar sống trong sự cô lập quốc tế. Các nước phương Tây và Nhật Bản đã ngừng đầu tư vào nền kinh tế nước này vì cho rằng chính quyền quân sự hiện tại đang vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn. Một trường hợp điển hình năm ngoái là việc các nhà lãnh đạo Myanmar không được tham dự hội nghị cấp cao ASEAN tại Phnom Penh.
Thật không may, chính quyền quân sự đã cầm quyền ở Myanmar trong hai năm không làm gì để khắc phục tình hình. Quân đội đã không phản ứng tích cực đối với các đề xuất của ASEAN để giải quyết tình hình trong nước, điều này không làm hài lòng các thành viên còn lại của tổ chức. Người đứng đầu chính quyền quân sự, tướng Min Aung Hlaing, đã nhiều lần hứa sẽ tổ chức bầu cử quốc hội mới "công bằng", nhưng vẫn chưa đưa ra ngày cụ thể. Các viên tướng tiếp tục “gây áp lực” cho các đối thủ chính trị của mình, không những không ân xá cho họ mà ngược lại, còn kéo dài thời hạn giam giữ. Thế nên, vào cuối năm ngoái, tòa án đã tăng án tù cho nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi lên 33 năm.
Điều duy nhất mà quân đội đủ thông minh để làm là trao tặng huân chương và huy chương cho những người ủng hộ họ nhân dịp kỷ niệm 75 năm độc lập của Myanmar, được tổ chức vào ngày 4 tháng giêng.
Tờ báo Irrawadi của chính phủ Myanmar viết rằng "con voi trắng quý giá được đất nước yêu quý, sẽ mang lại thịnh vượng và hạnh phúc cho quốc gia". Cầu chúc cho nhân dân Myanmar được hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc, nhưng họ không nên chỉ hy vọng vào sức mạnh kỳ diệu của một con voi trắng. Điều này nên được thực hiện bởi các chính trị gia có trách nhiệm.