Châu Âu cắt giảm chi tiêu, Việt Nam cạn đơn hàng, “đội quân thất nghiệp” vọt tăng

Lần đầu tiên ở Việt Nam xảy ra tình trạng hết đơn hàng vào cuối năm, khiến tỷ lệ thất nghiệp, giảm việc làm, giảm thu nhập của người lao động tăng lên.
Sputnik
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp khó khăn bị cắt giảm đơn hàng là trên 637.000 người, trong đó số bị mất việc là hơn 53.000 người.

Lần đầu tiên ở Việt Nam xảy ra tình trạng hết đơn hàng cuối năm

Thông tin về tình hình thị trường lao động, việc làm tại Việt Nam trong năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, xét chung, thị trường lao động phục hồi tích cực, cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm đã duy trì được lực lượng lao động ổn định.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,7 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2022 ước đạt 68,5%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với năm trước.
Tuy nhiên, từ đầu quý 4/2022 đến nay, một số ngành, lĩnh vực xuất hiện những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm gây ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.
Chính phủ Việt Nam đồng ý thí điểm đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ
Hôm 10/1, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), thông tin tại buổi họp báo về tình hình lao động việc làm quý 4/2022 và năm 2022, do Tổng cục Thống kê tổ chức cũng đề cập đến vấn đề này.
Ông Nam lưu ý, thông thường quý 4 hàng năm thị trường lao động cần nhiều nhân lực, do nhiều doanh nghiệp cần "chốt" đơn hàng dịp lễ cuối năm.
“Tuy nhiên, trong quý 4/2022, lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm, do tác động của tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, buộc các nước châu Âu phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm”, - ông Phạm Hoài Nam lý giải.
Cạnh đó, lãi suất và tỷ giá tăng vọt cũng khiến các doanh nghiệp càng gặp khó khăn và phải cắt giảm lao động.
Báo cáo từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu, có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp), phải cắt giảm việc làm. Trong đó, 65,3% doanh nghiệp FDI, còn lại là dân doanh.
Đáng chú ý, tình hình khu vực phía Nam có phần kém khả quan hơn khi có tới 60% doanh nghiệp ở các tỉnh miền Nam; 24% doanh nghiệp ở các tỉnh miền Bắc; 16% doanh nghiệp ở các tỉnh miền Trung. Tập trung ở các ngành nghề: dệt may; da giày; chế biến gỗ; cơ khí công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 1997
Tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp là 637.491 người (khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp).
Trong đó, số bị mất việc là 53.674 người, chiếm 8,4%; số phải giảm giờ làm trên 359.087 người, chiếm 56,3%, trong đó chủ yếu là làm thêm giờ và giảm giờ làm bình thường; số phải tạm ngừng việc có trả lương là 22.679 người, chiếm 4%; số tạm hoãn hợp đồng lao động là 35.081 người, chiếm 5,5 %; số còn lại, doanh nghiệp sắp xếp theo một số hình thức khác (nghỉ phép năm, kéo dài thời gian nghỉ Tết...).

“Nằm ngoài dự báo”

Nói về thực trạng trái với quy luật “nhộn nhịp đơn hàng” như mọi năm, quý IV/2022, thị trường lao động Việt Nam rơi vào trạng thái trầm lắng, ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), cho biết, nguyên nhân chính là do doanh nghiệp không ký được đơn hàng xuất khẩu, buộc phải sa thải, cho nghỉ việc tạm thời, khiến tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng lên.
Trả lời vì sao quý 3, Tổng cục Thống kê dự báo rất lạc quan về thị trường lao động cuối năm nhưng đến quý 4, thực tế lại ngược với các ước tính trước đó, ông Minh khẳng định trên báo Đầu tư rằng, thông thường, quý IV hàng năm, thị trường lao động luôn rất sôi động, cộng với những kết quả rất ấn tượng trong 9 tháng đầu năm, nhất là quý III, nên Tổng cục Thống kê đã dự báo thị trường lao động quý IV/2022 hết sức sôi động.
Tổng kết 2023 và Dự báo 2024
Kinh tế Việt Nam năm 2022 đã đạt được “thành tựu đáng kinh ngạc”
“Nhưng diễn biến thực tế lại nằm ngoài dự báo, như kinh tế thế giới đối mặt với những thách thức rất lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức báo động đỏ; xung đột Nga - Ukraina càng ngày càng nóng. Tất cả những nhân tố này tác động tiêu cực ngay lập tức đến hoạt động sản xuất trong nước, vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, bị thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu, khiến thị trường lao động trở nên u ám”, - Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động lưu ý.

“Đội quân thất nghiệp tăng”, doanh nghiệp cố gắng để hạn chế sa thải

Trả lời về việc tỷ lệ thiếu việc và thất nghiệp quý IV/2022 tăng không đáng kể so với quý trước đó, trong khi hàng trăm ngàn công nhân đã phải “nghỉ Tết sớm”, hàng chục ngàn người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong 3 tháng cuối năm 2022, ông Minh cho biết, chỉ riêng 3 tháng cuối năm 2022, cả nước có 117.000 lao động bị thôi việc, mất việc, trong đó, 68% là lao động phổ thông và 85% trong số họ làm việc ở ngành dệt may, da giày và sản xuất linh kiện điện tử.
“Như vậy, so với quý trước đó, trong quý IV/2022 có thêm 25.000 người bổ sung vào “đội quân thất nghiệp”. Khi bị mất việc làm tại các doanh nghiệp, người lao động phải chấp nhận làm công việc bấp bênh tạm thời, tức là tham gia thị trường lao động phi chính thức, khiến số lao động phi chính thức tăng trên 337.000 người”, - đại diện Tổng cục Thống kê nói.
Ông Minh cũng cho hay, những người bị mất việc còn lại sẽ đi làm các công việc tự sản tự tiêu hoặc rời bỏ thị trường lao động. Vì thế, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc tăng không đáng kể.
Thời gian qua, trước những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, cắt giảm việc làm của người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, cố gắng hạn chế thấp nhất việc sa thải lao động.
Doanh nghiệp cũng có phương án sắp xếp, bố trí lại lao động, giãn việc, giảm giờ làm hoặc thực hiện phương án sử dụng lao động và giải quyết chế độ đối với người lao động theo quy định.
Việt Nam: “Biến động làm nhiều doanh nghiệp bất động sản không kịp trở tay”
Bên cạnh đó, cơ quan lao động các địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động, chủ động nắm bắt tình hình, nhất là trên các địa bàn trọng điểm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi các chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động.
Cơ quan chức năng cũng hỗ trợ các doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm xây dựng phương án sử dụng lao động và kiểm tra, giám sát việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động đúng quy định. Chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là đối với những người mất việc làm; phối hợp với tổ chức công đoàn hỗ trợ các bên đối thoại, chia sẻ khó khăn; kịp thời giải quyết các tranh chấp lao động, đình công phát sinh, không để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự.
Để kịp thời ổn định tình hình, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực theo các ngành, lĩnh vực.
“Qua khảo sát, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khác vẫn cao, doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề vẫn đang đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng”, - Bộ LĐ-TB&XH nói.

‘Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng’

Ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, nên bình quân mỗi năm có khoảng 450.000 người bước vào độ tuổi lao động.
Với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khoảng 70%, thì bình quân mỗi năm trong điều kiện bình thường, Việt Nam có thêm 315.000 người gia nhập thị trường lao động.
Như vậy, trong điều kiện bình thường, lao động có việc làm năm 2022 phải cao hơn năm 2019 khoảng 945.000 người. Mặc dù số lao động có việc làm năm 2022 tăng khoảng 1,5 triệu người so với năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn năm 2019, do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, doanh nghiệp không ký được đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày, điện tử...
Thủ tướng Chính phủ đặt kỳ vọng vào ngành Nông nghiệp Việt Nam năm 2023
Về phía tổ chức công đoàn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, trước tình hình cạn đơn hàng, cắt giảm việc làm, cần nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng, sát thực tế đối với người lao động ở 3 mức độ: bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm.
Thậm chí, có thể tham khảo để ban hành gói hỗ trợ riêng cho người lao động tương tự các chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Công đoàn cũng đề nghị bổ sung thêm chính sách hỗ trợ người lao động bị giảm giờ làm việc tiêu chuẩn trong tháng dẫn đến tiền lương trong tháng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
Thảo luận