Diễn biến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công công bố thông tin bất thường trong vòng 24h về việc thay đổi nhân sự Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019-2024 liên quan ông Nguyễn Cao Trí gây chú ý dù lý do không được phía Saigonbank tiết lộ.
Ông Nguyễn Cao Trí mất tư cách thành viên HĐQT Saigonbank
Ngày 19/1, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) công bố thông tin về việc ông Nguyễn Cao Trí không còn trong Hội đồng quản trị Saigonbank.
Cần lưu ý, đây là diễn biến được Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương đánh dấu là ‘thông tin bất thường’.
Cụ thể, theo công bố thông tin bất thường về việc thay đổi nhân sự Hội đồng quản trị của Saigonbank, ông Nguyễn Cao Trí, thành viên Hội đồng quản trị Saigonbank nhiệm kỳ 2019-2024 “đương nhiên mất tư cách” và không còn là thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng này kể từ ngày 19/1/2023 theo quy định tại Điều 35 Luật các Tổ chức tín dụng.
Tuy vậy, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương không nêu ra lý do cụ thể.
Quan hệ giữa ông Nguyễn Cao Trí và Saigonbank
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) thành lập từ năm 1987.
Theo thông tin được tạp chí VietnamFinance đề cập, cơ cấu sở hữu của Saigonbank hiện nay rất chặt chẽ, có 4 cổ đông lớn chiếm hơn 65% vốn điều lệ bao gồm Văn phòng Thành ủy TP.HCM, Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hoa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 18,18%; 16,35%; 14,08% và 16,64%.
Về phần mình, ông Nguyễn Cao Trí bắt đầu tham gia vào Hội đồng quản trị ngân hàng Saigonbank vào tháng 10/2021 sau khi mua vào 579.199 cổ phiếu SGB, tương đương 0,19% vốn điều lệ nhà băng này vào tháng 6/2021.
Ông Nguyễn Cao Trí vốn là một đại gia nổi tiếng tại TP.HCM. Tên tuổi của ông Trí không hề xa lạ gì với nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, giáo dục, tài chính, dịch vụ nhà hàng như Công ty CP Tập đoàn Capella, Công ty TNHH Capella Hospitality, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài Ven Sông.
Trong hoạt động của mình, ông Nguyễn Cao Trí từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tại một số công ty thành viên của Tập đoàn Bến Thành (Bến Thành Group), như Giám đốc đầu tư tại Công ty Bến Thành Tourist (1999 - 2005), Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land).
Ngân hàng Saigonbank kinh doanh ra sao?
Theo Báo cáo tài chính quý 4/2022 hợp nhất vừa được công bố hôm 20/1, Saigonbank cả năm vừa qua có lợi nhuận trước thuế 237 tỷ đồng, tăng gần 54% và lợi nhuận sau thuế đạt gần 190 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2021.
“Năm 2022, mặc dù thị trường có nhiều khó khăn nhưng Saigonbank vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu do Đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 237 tỷ đồng, đạt 125% kế hoạch cả năm, dư nợ cấp tín dụng tăng 14,93%, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 13,22% so với năm 2021”, - nhà băng cho biết.
Tổng thu nhập hoạt động của SAIGONBANK đạt 1.055 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Trong đó, thu nhập từ lãi thuần hơn 875 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh dịch vụ của SAIGONBANK cũng tăng trưởng mạnh (38%). Đồng thời, Saigonbank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng 17%, cao hơn hẳn những năm vừa qua.