“Dòng chảy Pakistan”: Có lợi cho cả Nga cả Pakistan

Cả Nga và Pakistan đều hiểu rằng, dự án “Dòng chảy Pakistan” đôi bên cùng có lợi. Moskva và Islamabad tiếp tục đàm phán về nguồn cung dài hạn dầu và khí của Nga.
Sputnik
Trong những ngày 18-20/1/2023, phái đoàn Nga với 80 thành viên tiến hành các cuộc hội đàm kéo dài 3 ngày tại thủ đô Pakistan. Chủ đề của đàm phán là việc cung cấp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng dài hạn cho quốc gia Nam Á này, cũng như việc triển khai dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Pakistan”. Báo chí Nga và Pakistan trong những ngày này đang đề cập rất nhiều đến dự án “Dòng chảy Pakistan” sau một thời gian im ắng.
“Dòng chảy Pakistan” là gì? Vì sao chủ đề này lại nóng lên trong tình hình thế giới hiện nay? Nó sẽ mang lại những lợi ích gì, trước hết là cho nước Nga?

“Dòng chảy Pakistan” – thời điểm xây dựng đã chín muồi?

Vào năm 2015, Liên bang Nga và Pakistan đã ký một thỏa thuận liên chính phủ về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Pakistan (tên ban đầu của nó là Dòng chảy “Bắc-Nam”) từ Karachi đến Lahore. Đó là một đường ống dài 1,1 nghìn km với khả năng vận chuyển tới 16 tỷ mét khối mỗi năm. Nó phải kết nối các bến tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại các cảng Karachi và Gwadar ở miền nam Pakistan với các nhà máy điện và người tiêu dùng khí công nghiệp ở Lahore, miền Bắc Pakistan.
Sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên ở Pakistan vào năm 2021 đạt 32,7 tỷ mét khối, còn mức tiêu thụ của nước này là 44,8 tỷ mét khối. Để bù đắp cho việc thiếu nguồn cung trong nước Pakistan nhập khẩu hơn 12 tỷ mét khối khí ở dạng LNG.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov, Nga đặt mục tiêu tăng tổng sản lượng LNG hàng năm lên tới 100 triệu tấn vào năm 2030. Mặc dù hầu hết khối lượng LNG của Nga được bán theo hợp đồng dài hạn, nhưng có khối lượng có thể giao ngay, việc cung cấp theo hợp đồng ngắn hạn cũng có thể đàm phán, tính đến nhu cầu ngày càng tăng về khí đốt ở Pakistan.
Ông Nikolai Shulginov cũng cho biết, đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Pakistan” có thể vận chuyển khí đốt từ nhiều nguồn khác nhau, cả LNG tái hóa khí và các đường ống dẫn từ Iran hoặc Turkmenistan.

“Đường ống của “Dòng chảy Pakistan” có thể kéo dài sang các nước láng giềng của Pakistan, nếu mọi việc suôn sẻ. Câu hỏi đặt ra là: Dự án này có khả năng thực hiện được không? Như đã biết,năm 2015, Liên bang Nga và Pakistan đã ký một thỏa thuận liên chính phủ về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt; tháng 5/2021, Nga và Pakistan đã ký thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Pakistan”. Và chỉ bây giờ chủ đề này mới nóng lại. Hoa Kỳ gây áp lực tối đa lên Pakistan, nước này sẽ chịu áp lực đó, vì người Mỹ cung cấp vũ khí cho Pakistan”, - TS kinh tế Lê Xuân Hòa bình luận với Sputnik.

“Sự hợp tác giữa Pakistan và Nga có thể bị phương Tây cản trở. Nhưng, nếu Trung Quốc can thiệp vào tình hình, mà Trung Quốc có thể có ảnh hưởng mạnh hơn đến chính quyền Pakistan, thì có khả năng các hành động của phương Tây sẽ không có tác dụng mạnh. Và dự án “Dòng chảy Pakistan” hoàn toàn có thể thực hiện được. Tôi cho rằng, thời điểm này đã chín muồi cho việc bắt đầu xây dựng đường ống này”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik.
Cũng theo TS Hoàng Giang, thỏa thuận đã có vài năm, việc thực hiện thực ra rất phức tạp bởi thực tế là vào năm 2020, các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với Tập đoàn Rostec. Có thể trong năm 2023, mọi vấn đề tài chính và pháp lý sẽ được giải quyết ổn thỏa, và năm 2024, có thể bắt tay vào việc xây dựng “ Dòng chảy Pakistan”.

Nga- Pakistan đàm phán về các hợp đồng dài hạn

Vào đầu tháng 12/2022, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Pakistan Musadiq Malik thông báo rằng, Islamabad sẽ nhận được dầu thô, xăng và nhiên liệu diesel từ Nga với giá ưu đãi. Ông cũng tuyên bố rằng, chính phủ Nga đã đề nghị bắt đầu đàm phán về các hợp đồng dài hạn.
Pakistan nói về triển vọng cung cấp LNG từ Nga
Như Sputnik đã đề cập ở phần đầu, một phái đoàn Nga gồm tới 80 thành viên đã đến quốc gia Nam Á này vào hôm thứ Ba 17/1 để tham dự cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ Nga-Pakistan về hợp tác. Phía Pakistan do Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Ayaz Sadiq dẫn đầu. Theo chương trình nghị sự, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào các phương thức thanh toán cho các nguồn năng lượng cung cấp, chi phí vận chuyển và bảo hiểm.
Và dĩ nhiên, “Dòng chảy Pakistan” cũng là chủ đề trung tâm của đàm phán Nga – Pakistan lần này.
Theo lời ông Nikolai Shulginov - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Liên bang Nga, Nga và Pakistan đang xây dựng lộ trình của dự án đường ống dẫn khí “Dòng chảy Pakistan” và Nga không thấy trở ngại nào trong việc xây dựng dòng chảy này.
Nga nhấn mạnh cách tiếp cận dự án là phải toàn diện, vì đây không chỉ là vấn đề đường ống mà còn là nguồn khí đốt. Nga và Pakistan hiện đang thảo luận dự án từ cả khía cạnh vận chuyển khí tái hóa và khí qua đường ống - từ Iran hoặc thông qua TAPI (đường ống dẫn khí dài 1.735 km đang được xây dựng từ Turkmenistan đến Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ).
“Điều cực kỳ quan trọng là phải nghiên cứu cẩn thận tất cả các phương án có sẵn và đưa ra phương án minh bạch và hiệu quả nhất về chi phí”, - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Liên bang Nga Nikolai Shulginov phát biểu trong trả lời phỏng vấn báo chí Pakistan trước thềm đàm phán tại Islamabad.
Theo các chuyên gia, vì Dự án đã được thỏa thuận từ năm 2015, nhiều vấn đề, nhất là về mặt kỹ thuật, đã được nghiên cứu kỹ nên sẽ không có trở ngại gì về mặt kỹ thuật và tài chính. Chi phí đầu tư, có tính đến lạm phát, hiện vào khoảng 2,2-2,3 tỷ đô la. Và theo thông tin hiện có, số tiền cho dự án đã có, có điều tiền của Pakistan hay của các nhà đầu tư nước ngoài khác thì vấn đề này vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng.

“Dòng chảy Pakistan”: Đôi bên cùng có lợi

Cả Nga và Pakistan đều hiểu rằng, dự án “Dòng chảy Pakistan” đôi bên cùng có lợi.
Pakistan có kế hoạch thực hiện dự án Nga xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới tại nước này, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo Bộ trưởng Tài chính Pakistan Shaukat Tarin, Pakistan cần một đường ống dẫn khí để vận chuyển LNG tái hóa khí từ Nam lên Bắc, và trong hai hoặc ba năm tới, điều này sẽ trở nên thực sự quan trọng sống còn đối với Pakistan.Thông qua dự án này, Nga sẽ giúp Pakistan cải thiện an ninh năng lượng và tăng cường sử dụng khí đốt tự nhiên.
Nói về lợi ích của Nga, rõ ràng là Nga sẽ không hợp tác với Pakistan, nếu như sự hợp tác đó không hứa hẹn tăng trưởng tài chính và phát triển kinh tế cho chính nước Nga.
“Nếu bỏ qua toàn bộ những rủi ro trong khu vực, hướng xuất khẩu khí đốt sang Ấn Độ là một chủ đề thú vị, bởi vì Ấn Độ là một thị trường tiềm năng, rộng lớn, có triển vọng rất lớn và việc triển khai dự án đường ống dẫn khí tại Pakistan có khả năng mở ra cơ hội xuất khẩu sang Ấn Độ”, - TS kinh tế Lê Xuân Hòa nhấn mạnh, trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
“Dòng chảy Pakistan” sẽ mở rộng việc cung cấp các nguồn tài nguyên trong nước cho khu vực Nam Á và sẽ góp phần tạo ra một mạng lưới đường ống dẫn khí hoàn chỉnh đến các khu vực muốn hợp tác với Liên bang Nga trong lĩnh vực nguyên liệu thô. Ảnh hưởng chính trị của Nga tại khu vực Nam Á sẽ tăng”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang bình luận với Sputnik.
"Dòng chảy Pakistan" - tuyến đường ống dẫn khí đốt dài 1,1 nghìn km đi qua lãnh thổ Pakistan có khả năng vận chuyển tới 16 tỷ mét khối mỗi năm. Vài con số để so sánh: Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ có công suất là 31,5 tỷ mét khối, “Dòng chảy phương Bắc 2” — 55 tỷ mét khối/năm.
Thảo luận