Kết luận thật đáng thất vọng: Mỹ chưa được chuẩn bị cho một cuộc xung đột quy mô lớn với một cường quốc – trước hết với Trung Quốc. Về những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này - trong tài liệu của Sputnik.
Kho vũ khí cạn kiệt nghiêm trọng
Theo các tác giả của báo cáo, các sự kiện ở Ukraina cho thấy rõ rằng, một cuộc xung đột vũ trang giữa hai đại cường quốc sánh ngang với nhau về công nghệ chắc chắn sẽ phát triển thành một cuộc chiến tranh kéo dài. Và không chỉ trên chiến trường, mà còn trong ngành công nghiệp, vốn phải cung cấp cho mặt trận mọi thứ cần thiết mà không bị gián đoạn - từ trang bị cho binh lính đến tên lửa có độ chính xác cao và máy bay ném bom chiến lược. Phòng thủ thời bình không có khả năng này, và việc động viên công nghiệp phục vụ quốc phòng không thể được thực hiện nhanh chóng.
Báo cáo CSIS viết: "Đất nước không được chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đại chiến. Lầu Năm Góc đã bàn giao cho Kiev quá nhiều vũ khí và thiết bị quân sự, kết quả là Hoa Kỳ đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ vũ khí quan trọng. Kho vũ khí đang được bổ sung rất chậm, Bộ Quốc phòng chỉ đặt hàng một phần nhỏ những gì cần thiết. Các đồng minh châu Âu cũng gặp vấn đề tương tự và tổ hợp công nghiệp quốc phòng của họ đang thiếu hụt nguồn tài trợ".
Hiện nay có nhu cầu lớn nhất về lựu pháo M777 155mm. Lầu Năm Góc đã cung cấp cho Ukraina hơn 160 khẩu lựu pháo M777, cùng với hơn một triệu viên đạn cho các khẩu pháo 155mm này. Ngoài ra, kho dự trữ Javelin ATGM (chủ yếu bộ phận điều khiển hỏa lực và ống phóng), Stinger MANPADS và radar phản pháo AN/TPQ đang giảm mạnh. Chế độ Kiev đã nhận được hơn 8.500 Javelin ATGM, 1.600 Stinger MANPADS và 50 radar phản pháo AN/TPQ .
Theo các chuyên gia, nguồn vũ khí then chốt này của Quân đội Mỹ đang cạn kiệt. Và việc nhanh chóng tăng sản lượng là điều không thực tế - trong những thập kỷ qua, tổ hợp công nghiệp quốc phòng đã loại bỏ nhiều cơ sở "sản xuất dư thừa".
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của CSIS, Washington đang có những bước đi đúng đắn. Ví dụ, họ đã tuyên bố sẽ tăng gấp ba lần sản lượng đạn 155mm trong vòng ba năm. Hợp đồng với các doanh nghiệp quốc phòng đã được ký kết. Các tác giả của báo cáo kêu gọi tích trữ các loại vũ khí tối quan trọng khác.
Nguồn vũ khí sẽ cạn kiệt trong vòng một tuần
Theo báo cáo của CSIS, Hoa Kỳ có thể sẽ thua trong cuộc chiến vì Đài Loan. Các hoạt động quân sự theo hướng này chủ yếu diễn ra trên không và trên biển. Khó có khả năng tổ chức cung cấp vũ khí cho Đài Bắc, vì Hải quân PLA sẽ ngay lập tức phong tỏa hòn đảo.
Lầu Năm Góc đã nhiều lần tổ chức các trò chơi chiến tranh mô phỏng được tiến hành trên sa bàn để hình dung xung đột với Bắc Kinh. Kết quả từ các kịch bản diễn tập chiến tranh cho thấy rằng, điều kiện then chốt để giành chiến thắng là việc hủy diệt hoặc làm suy yếu nghiêm trọng lực lượng hải quân của Trung Quốc. Mô phỏng hầu như không bao giờ dẫn đến thành công vô điều kiện. Trung Quốc có hệ thống phòng không mạnh mẽ, Hải quân Trung Quốc sở hữu nhiều chiến hạm và Không quân có nhiều máy bay.
Theo các nhà phân tích, trong những điều kiện như vậy, tên lửa chống hạm tàng hình JASSM-ER có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 925 km chiếm ưu thế. Tên lửa này được trang bị cho cả máy bay chiến lược và máy bay chiến thuật. Vũ khí này sẽ cần hàng trăm đơn vị mỗi ngày, do đó dự trữ tên lửa JASSM-ER sẽ hết trong vòng chưa đầy một tuần. Và Mỹ sẽ phải mất hai năm để khôi phục nguồn cung cấp tên lửa này. Còn việc sản xuất các tên lửa chống hạm LRASM hiện đại hơn đang bị đình trệ mà không có bất kỳ cuộc chiến nào - kể từ năm 2018, Hải quân Hoa Kỳ đã mua ít hơn một trăm tên lửa loại này.
Gót chân Achilles
Lầu Năm Góc sẽ sớm gặp phải tình trạng thiếu tên lửa phòng không SM-6, cũng như tên lửaTomahawk phục vụ trong biên chế của Hải quân. Và các hợp đồng tên lửa quy mô lớn hơn vì lợi ích của Hải quân không phải lúc nào cũng được Quốc hội chấp thuận. Đầu tháng này, Chỉ huy hải quân Mỹ Michael Gilday phàn nàn với các phóng viên rằng, hợp đồng trị giá 33 triệu USD mua 11 tên lửa LRASM đã bị từ chối ở cấp cao nhất.
Đô đốc Gilday giải thích: "Tôi không chỉ cố gắng lấp đầy kho vũ khí của chúng ta mà còn muốn làm cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hoạt động ở mức tối đa ngay bây giờ để chúng ta gặp ít khó khăn hơn trong tương lai. Các sự kiện ở Ukraina cho thấy rằng, tốc độ tiêu thụ vũ khí công nghệ cao trong các cuộc xung đột ở cấp độ và cường độ như vậy là cao hơn nhiều so với dự đoán trước đó".
Có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt không chỉ tên lửa chống hạm mà còn cả phương tiện mang chúng. Vào mùa thu năm 2021, các chuyên gia từ Trung tâm Công nghệ và Khái niệm Quốc phòng tại Viện Hudson đã công bố một báo cáo kết luận rằng, Mỹ có thể mất đa số máy bay nếu xung đột Đài Loan nổ ra.
Vấn đề chính ở đây là tình trạng không hoàn hảo của các máy bay tiếp nhiên liệu trên không cho Lực lượng Không quân ở xa các sân bay quê hương. Những chiếc máy bay chiến đấu và máy bay ném bom sẽ không thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa. Điều này đặc biệt quan trọng trong cuộc xung đột với các quốc gia có lãnh thổ rộng lớn.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, phi đội máy bay tiếp nhiên liệu trên không của Mỹ đã giảm gần một nửa xuống còn 470 chiếc. Số lượng này rõ ràng là không đủ cho một cuộc chiến toàn diện.
Các chuyên gia CSIS nhắc nhở rằng, "tuổi thọ" phục vụ trung bình của các máy bay tiếp dầu KC-10 Extender và KC-135 Stratotanker là 52 năm. Đây là tuổi thọ rất cao theo tiêu chuẩn hàng không. Và nếu các máy bay Extender được đưa vào sử dụng vào năm 1981 vẫn có thể được sử dụng, thì hầu hết các máy bay Stratotanker được sản xuất từ năm 1954 đến năm 1965 phải được xử lý.
Theo các nhà phân tích, vấn đề về máy bay tiếp dầu - gót chân Achilles của Không quân Mỹ - không thể được giải quyết trong một sớm một chiều. Hiện có nhu cầu về số lượng máy bay tiếp dầu ít nhất gấp đôi, mà để thực hiện nhiệm vụ này phải mất 15-20 năm sản xuất không bị gián đoạn với nguồn vốn tốt. Ngoài ra còn có khó khăn lớn với việc tiếp cận nguồn vốn.