Fed ‘hắt hơi’ khó làm Việt Nam ‘sổ mũi’

Việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản lần thứ 8 thêm 0,25 điểm phần trăm lên biên độ 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, không tác động nhiều đến Việt Nam.
Sputnik
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đối với nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam, khả năng chống chọi trước sức ép từ Fed tăng lãi suất là không lớn khi kim ngạch xuất nhập khẩu tới 200% GDP, nên cần có chính sách hết sức thận trọng.

Fed tăng lãi suất

Ngày 1/2 (giờ địa phương), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên biên độ 4,5-4,75%.
Dù đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, nhưng động thái của Fed đúng như dự báo của thị trường, khó có khả năng gây bất ngờ cho các nhà làm chính sách Việt Nam.
Fed đã tăng lãi suất 8 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022 khi nền kinh tế Mỹ đối diện với nguy cơ suy thoái hiện hữu. Đây là đợt tăng lãi suất ít nhất của Fed kể từ khi chu trình thắt chặt chính sách tiền tệ này bắt đầu hồi tháng ba năm ngoái khi Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cố gắng kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mục tiêu cao nhất của Fed không gì nằm ngoài việc hạ nhiệt lạm phát. Tuy nhiên, dường như Mỹ chưa thể quá lạc quan với tình hình hiện tại. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 1/2, Chủ tịch Fed Jerome Powell dù trút được phần nào gánh nặng khi kinh tế Mỹ ‘hạ cánh mềm’ dù áp lực lạm phát vẫn là rất lớn.
“Lần đầu tiên chúng ta có thể khẳng định rằng quá trình giảm lạm phát đã bắt đầu”, Chủ tịch Fed Powell nói và chứng minh, số liệu 3 tháng qua cho thấy tốc độ tăng giá hàng tháng đã chậm lại.
Trong các tuyên bố của mình trước đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC -cơ quan hoạch định chính sách của Fed) luôn khẳng định việc tăng lãi suất liên tục trong phạm vi mục tiêu là phù hợp để kiềm chế lạm phát.
FOMC dự báo rằng lãi suất ngắn hạn chủ chốt sẽ tăng lên mức từ 5-5,25% vào cuối năm 2023. Điều này cho thấy, Fed đã sẵn sàng tăng lãi suất cơ bản và duy trì mức lãi suất đó tới cuối năm nay.
Quyết định chỉ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản đánh dấu tốc độ tăng lãi suất của Fed chậm lại sau những lần tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 12/2022 và 75 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp trong số 4 cuộc họp từ tháng 6 đến tháng 11/2022, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ những năm 1980, kinh tế Mỹ cũng có những chỉ dấu khá hơn.
Dù thế, Fed thừa nhận "lạm phát đã giảm bớt phần nào nhưng vẫn ở mức cao". Đặc biệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã không còn đánh giá xung đột Nga - Ukraina là yếu tố chính yếu gây sức ép lên lạm phát, nhưng khẳng định hệ quả căng thẳng Moskva - Kiev gây nên nhiều mối lo hơn.
“Chúng tôi cần thêm bằng chứng để tin chắc rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững”, ông Powell thận trọng.
Lãi suất ngân hàng SCB cao nhất hệ thống, Ngân hàng Nhà nước sẽ dò động thái của Fed

Fed tăng lãi suất không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam

Đánh giá việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất không gây bất ngờ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính quốc tế của Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam, lưu ý, động thái của Fed đã nằm trong dự tính, ngay cả mức tăng rất thấp (0,25 điểm) cũng đã được dự báo trước.
Thực tế, việc tăng lãi suất dù thấp cũng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động giao dịch ở nước ngoài của Việt Nam, hoặc các doanh nghiệp phải đi vay quốc tế bằng USD thì chịu lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ với VTC, xét rộng ra thì sức ép về tỷ giá giữa USD và Đồng Việt Nam trong lần tăng lãi suất này của Fed là không đáng kể.
Ông Thịnh phân tích, chỉ số DXY (đo lường biến động giữa đồng USD và 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới) hiện đang rất thấp, chỉ khoảng hơn 100 điểm. Chỉ số này lúc cao lên đến trên 113 điểm, nhưng hiện đang trong xu thế liên tục giảm thời gian gần đây.
“Những điều này đều phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế trong nước, phù hợp với cách điều hành tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng”, chuyên gia nói.
Cùng với đó, ông đánh giá, việc giữ vững giá trị Đồng Việt Nam so với USD vẫn được đảm bảo, từ đó hỗ trợ cho hoạt động và tăng trưởng kinh tế tốt hơn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra nhiều biện pháp, trong đó có thể có phương án yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều hơn.
“Do đó, theo tôi, không quá lo ngại về đợt tăng lãi suất lần này của Fed”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ có phương án thận trọng

Theo nhận định từ chuyên gia trong ngành, dù lần này Fed ‘hắt hơi’ không làm Việt Nam ‘sổ mũi’ do đã đoán định được phần nào động thái từ trước, nhưng Ngân hàng Nhà nước được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn, vất vả để điều hành tiền tệ, duy trì mức lãi suất và hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023 này.
Trước đó, phát biểu tại một sự kiện hồi tháng 1/2023, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Fed đã tăng lãi suất 4 lần với mức tăng 0,75 điểm % thể hiện quá trình kiểm soát lạm phát rất nhanh, mạnh và gấp gáp.
Điều này tạo nên mặt bằng lãi suất rất cao, tạo áp lực “khủng khiếp” lên chính sách tiền tệ của không chỉ Việt Nam mà của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi.
Cần lưu ý rằng, khả năng chống chọi của Việt Nam trước sức ép từ Fed tăng lãi suất là không lớn khi kim ngạch xuất nhập khẩu tới 200% GDP.
Đặc biệt, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn nên không thể để tỷ giá quá cao để giữ lãi suất bởi nguy cơ nhập khẩu lạm phát và nếu lạm phát tăng cao ngay lập tức sẽ gây ra bất ổn về kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, khi thị trường chứng khoán, trái phiếu và bất động sản gặp khó khăn càng gây sức ép lên tín dụng. Tỷ lệ tín dụng/GDP đã đạt 124%, đây là mức cao nhất đối với các nước có mức thu nhập trung bình thấp và cũng là mức cao so với các nước có mức xếp hạng BA – BAA theo Moddy.
Do đó, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nêu rõ, mục tiêu xuyên suốt của NHNN trong năm 2023 là phải giữ được sự ổn định của đồng tiền, kiểm soát lạm phát. Từ mục tiêu đó, NHNN cũng sẽ phải duy trì sự hoạt động ổn định, lành mạnh của ngành ngân hàng.
Đối với động thái mới của Fed, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, phân tích, việc tăng lãi suất của Fed nhằm góp phần kiểm soát lạm phát tại Mỹ, trong bối cảnh lạm phát đã bắt đầu giảm, từ mức rất cao của năm trước.
Với động thái này, giá USD sẽ có sự điều chỉnh. Đồng thời, giá USD thay đổi sẽ tác động đến tỷ giá giữa tiền Đồng Việt Nam và USD, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu sử dụng USD để giao dịch, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Làm thế nào để ít ảnh hưởng nhất và giúp doanh nghiệp có lợi nhất thì chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ có phương án thận trọng, phù hợp với tình hình kinh tế Việt Nam”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

Thảo luận