Ai đã khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước ở Việt Nam?

Mặc dù vào tuần này không có nhiều thông tin phong phú về Việt Nam trên các phương tiện truyền thông Nga và nước ngoài, nhưng, báo chí nước ngoài làm chúng tôi hài lòng với một số bài báo nghiêm túc.
Sputnik
Chính sách đối nội, nền kinh tế và ngành du lịch - đó là những chủ đề cơ bản mà chúng tôi sẽ đề cập trong bài tổng quan truyền thống "Việt Nam trên báo chí nước ngoài".

Phương Tây không cần lo lắng

Việc một số lãnh đạo cấp cao buộc phải từ chức tại Việt Nam vẫn khiến các chuyên gia phương Tây phân tích về chính trị trong nước. Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius viết về điều này trên tờ The Hill. Nhà ngoại giao Mỹ cho rằng, những thay đổi trong giới lãnh đạo Việt Nam sẽ không ảnh hưởng đến thái độ của Việt Nam đối với phương Tây, vì một đất nước đang phát triển nhanh chóng và ổn định cần duy trì mối quan hệ tốt với các chính phủ và giới kinh doanh nước ngoài.

"Bất chấp những cơn gió ngược vào năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt 6,5% trong năm nay, và mục tiêu này không thể đạt được nếu không có thương mại và đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình ra quyết định chậm hơn vào năm 2023 do các công chức thận trọng hơn ở các vị trí mới đang thiếu kinh nghiệm", - ông Osius viết.

Còn tạp chí The Diplomat đăng tải bài viết của nhà khoa học chính trị D. Hutt với tựa đề "Chuyện hoang đường về Đổi mới ở Việt Nam". Tác giả lập luận rằng, công lao khởi xướng công cuộc đổi mới không thuộc về ĐCSVN, mà thuộc về nhân dân Việt Nam, những người bằng nỗ lực của chính mình đã thúc đẩy nhà cầm quyền cộng sản chấp nhận những thay đổi thị trường này.
Nông dân và công nhân của các doanh nghiệp nhà nước đã bắt đầu tham gia vào các hoạt động thị trường từ rất lâu trước năm 1986, có nghĩa là cải cách thị trường là một quá trình phát triển từ dưới lên, chứ không phải là một quá trình chuyển đổi từ trên xuống do ĐCSVN khởi xướng. Tác giả ghi nhận công lao của ĐCSVN trong việc đưa Việt Nam hội nhập vào hệ thống kinh tế thế giới, gia nhập WTO, ký kết các hiệp định thương mại tự do với nước ngoài, và phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tác giả lo ngại rằng, chiến dịch phòng, chống tham nhũng có thể chuyển sang tấn công khu vực tư nhân. D. Hatt viết rằng, vào năm 2022, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài ít hơn năm 2021. Vào tháng 1 năm nay, vốn đầu tư nước ngoài giảm gần 20% so với năm ngoái, điều đó khiến giới doanh nghiệp lo ngại. Còn Nikkei Asia viết rằng, Hoa Kỳ đang thúc giục Việt Nam gia tăng nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho người lao động bằng cách tuân theo luật cho phép các công đoàn thoát khỏi sự kiểm soát của Đảng Cộng sản. Việt Nam đã hứa sẽ thông qua luật này trước khi tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, mà Hoa Kỳ đã rút khỏi hiệp định này.
Bao giờ Việt Nam tiến thẳng vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

Trang The Strategist của Úc phân tích quá trình phục hồi nền kinh tế Việt Nam. GDP của Việt Nam được ghi nhận là đã tăng trưởng ở mức cao đáng ngạc nhiên là 8,03% vào năm 2022, các doanh nghiệp và thị trường lao động đã phục hồi, ngành kinh tế đối ngoại cho thấy khả năng phục hồi, số lượng lao động có việc làm trở lại mức trước đại dịch và thu nhập hộ gia đình tăng 5,8%. Nhưng, các dấu hiệu của biến động Covid-19 vẫn tồn tại. Ấn phẩm dự đoán rủi ro trong lĩnh vực tài chính ngày càng trầm trọng hơn do chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa vào năm 2023 và tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế ở ba đối tác thương mại chính của Việt Nam - Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. Đã đến lúc các cơ quan quản lý tập trung vào ổn định tài chính trong ngắn hạn và tăng trưởng nhanh trong trung và dài hạn.
Hãng thông tấn Krasnaya Vesna đưa tin rằng, vào năm 2023, Việt Nam có thể thu hút 36 - 38 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việt Nam sẽ thu hút FDI hướng đến các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nikkei Asia cho biết rằng, chính phủ Việt Nam chậm hơn hai năm so với kế hoạch 10 năm phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 do giá LNG tăng cao buộc các quan chức phải tìm kiếm một con đường hợp lý để tiến tới trung hòa carbon. The Star đưa tin, so sánh cùng kỳ giai đoạn trước dịch là Tết 2020, lượng khách của Vietnam Airlines Tết Quý Mão 2023 vượt gần 20%. Tờ The Sun của Nhật Bản viết về việc xuất khẩu gạo Việt Nam tăng 41% so với năm ngoái và mở rộng thị trường bán hàng. Người tiêu dùng Mỹ vẫn chưa nhận được bất kỳ chiếc xe điện nào của VinFast được chuyển đến Hoa Kỳ, theo Yahoo.News. VinFast giải thích việc trì hoãn giao xe nhằm hoàn tất cập nhật phần mềm mới nhất, đồng thời cho biết một lô hàng nữa sẽ được chuyển qua Mỹ vào quý 2 năm nay.
Fintechnews viết về các công ty quốc tế giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam dưới hình thức hỗ trợ cho vay kỹ thuật số. Các chuyên gia của Ủy ban châu Âu ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam nhằm cải thiện cuộc chiến chống đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không theo quy định (IUU), nhưng cảnh báo những thiếu sót vẫn còn tồn tại, theo Prensa Latina. Hiện nay ở Việt Nam có 96,35% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) và 86,7% tàu cá được cấp phép. Theo The Star, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải bắt đầu giám sát và cấp chứng chỉ carbon cho các nhà xuất khẩu và nhà bán lẻ để đáp ứng với thuế carbon vừa được thông qua ở EU.

Miễn visa Việt Nam với thời gian lưu trú 45 ngày

Trang Lifehacker của Úc cho biết cách tổ chức tour du lịch Việt Nam bằng nhiều phương tiện giao thông khác nhau, từ máy bay đến du thuyền. Và nhiều ấn phẩm du lịch của Nga đăng tải thông tin rằng, cơ quan chức năng Việt Nam sẽ xem xét khả năng tăng thời gian miễn thị thực cho du khách Nga từ 15 lên 45 ngày. Đây là một giải pháp hiệu quả để thu hút khách du lịch quốc tế và tăng lưu lượng khách du lịch đến Việt Nam.
Thảo luận