Trong những ngày gần đây, trong xã hội cũng như cộng đồng mạng Việt Nam dấy lên đàm luận về vấn đề tuyển thanh niên đi nghĩa vụ quân sự cũng như việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự 2015. Phóng viên Sputnik đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự về nguyên nhân dẫn tới tranh luận xung quanh chủ đề trên và sự cần thiết của việc sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự 2015 cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay.
Không phải là vấn đề quá mới và nóng
Sputnik: Thưa Đại tá Nguyễn Minh Tâm, vừa qua, cử tri tỉnh Thái Bình đã có đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, quy định theo hướng tất cả nam thanh niên đến tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, sau đó mới được đi học đại học hoặc học nghề. Việc này nhằm đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền cơ sở gọi thanh niên nhập ngũ. Vì sao đột nhiên vấn đề này lại được đề cập tới trong thời gian này, thưa Đại tá?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự:
Thực ra, đây không phải là vấn đề quá mới và nóng. Tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, sau khi ban hành và thực thi một đạo luật nào đó thì tới một thời hạn nhất định, thông thường là trong khoảng 5 đến 10 năm, người ta sẽ tiến hành sơ kết việc thực hiện đạo luật đó; xem xét các tác động tới đời sống xã hội trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực, xem xét phản hồi của dư luận xã hội cả thuận chiều và trái chiều; xem xét việc triển khai thực thi của các cơ quan hành pháp, tư pháp.v.v…; đánh giá hiệu lực và hiệu quả thực thi cũng như xem xét mức độ phù hợp của đạo luật đó với tình hình mới; từ đó có các căn cứ xác đáng để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Luật nghĩa vụ quân sự 2015 của Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ năm 2016 cũng không phải là ngoại lệ.
Việc một số ý kiến cử tri cho rằng cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, quy định theo hướng tất cả nam thanh niên đến tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự; sau đó mới được đi học đại học hoặc học nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền cơ sở gọi thanh niên nhập ngũ là có cơ sở từ thực tế và để bảo đảm tính công bằng, nghiêm minh. Họ có lý do để đòi hỏi sự công bằng ấy bởi một số quốc gia trên thế giới có chế độ nghĩa vụ quân sự như Hàn Quốc đã thực hiện rất nghiêm quy định này.
Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia có dân số khá trẻ, số lượng thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự hàng năm là rất cao. Nhưng do nhu cầu sử dụng lao động trong quân ngũ khá hạn chế nên không cần thiết phải gọi tất cả thanh niên trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự cùng lúc.
Mặt khác, ngoài lĩnh vực quân sự thì rất nhiều các lĩnh vực khác cũng có nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động ở độ tuổi thanh niên nhằm phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, an ninh, xã hội.v.v… Do đó, nếu chỉ nhìn từ khía cạnh quân sự để đề nghị gọi nhập ngũ tất cả thanh niên đến độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự là bất hợp lý, là chỉ nhìn thấy một trong các lĩnh vực sử dụng lao động, là phiến diện, là tư tưởng dân chủ kiểu cào bằng, nặng về hình thức và thiếu thực tế.
Bên cạnh đó, những chiến sĩ trước khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đều được các trung tâm của Bộ Quốc phòng, các đơn vị đào tạo nghề tùy theo khả năng của họ. Sau khi xuất ngũ, họ được địa phương ưu tiên giới thiệu việc làm và được tuyển chọn vào các cơ sở làm việc. Họ vẫn có thể tiếp tục theo học các bậc học nếu có nhu cầu.
Ngoài ra, với chính sách quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, sinh viên tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đều phải trải qua các khóa huấn luyện quân sự. Vì vậy, không cứ phải đưa tất cả thanh niên đến độ tuổi nghĩa vụ quân sự vào phục vụ trong quân đội mới là biện pháp rèn luyện duy nhất.
Nhập ngũ bằng nghĩa vụ quân sự không phải là con đường duy nhất để tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam
Sputnik: Ông đánh giá như thế nào về phản hồi của Bộ quốc phòng, khi trong văn bản trả lời cử tri đã viết: "Theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế đất nước còn hạn hẹp và nhiều yếu tố khác chi phối nên chưa thể gọi hết nam thanh niên nhập ngũ; hàng năm chỉ gọi nhập ngũ 3-3,2% trong tổng số thanh niên ở độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự"?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự:
Như tôi đã nêu ở trên, phản hồi của Bộ Quốc phòng chỉ là một phần khi tiếp nhận ý kiến của cử tri. Còn nhiều vấn đề khác mà tuy họ đã đề cập nhưng các phương tiện thông tin đại chúng có vẻ như đã hùa theo dư luận không để ý đến hoặc cố tình lờ đi như việc đào tạo chuyên ngành cho chiến sĩ mới tại các binh chủng kỹ thuật cũng hết sức quan trọng nhưng dư luận lại chỉ nhìn thấy một binh chủng dễ thấy nhất là bộ binh. Trong khi đó thì các tại các binh chủng có sử dụng vũ khí, khí tài có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao, hiện đại, việc huấn luyện bộ đội cũng phức tạp và gian khổ không kém gì bộ binh nếu không nói là vất vả hơn. Vấn đề là để khi có tình huống, những người này sẽ tái ngũ tại chính quân, binh chủng kỹ thuật và họ đã được đào tạo, huấn luyện.
Mặt khác, Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện đang có tới 17 nhà trường đào tạo sĩ quan ở các bậc học đại học và cao đẳng. Mọi công dân Việt Namtrong độ tuổi quy định và có nguyện vọng đều có thể đăng ký dự thi tuyển và các trường này theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Quốc phòng và các quy định có liên quan. Do đó, nhập ngũ bằng nghĩa vụ quân sự không phải là con đường duy nhất để tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, tất cả các sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường đại học (ngoài Quân đội và Công an) đều được xếp vào ngạch sĩ quan dự bị để có thể nhập ngũ khi có tình huống xảy ra.
Vì vậy, các cơ quan thông tin đại chúng của Việt Nam cần có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn để phản ánh chính xác, trung thực đường lối quân sự của Việt Nam, chính sách quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân của Nhà nước Việt Nam, cần hết sức tránh việc phản ánh một chiều, thiếu chân thực, dẫn đến những hậu quả không tốt đối với dư luận xã hội.
Những bất cập của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015
Sputnik: Theo Đại tá, những vấn đề gì cần khắc phục trong việc thực hiện tuyển nghĩa vụ quân sự để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng theo pháp luật?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự:
Không ai khác, chính Bộ Quốc phòng Việt Nam sau khi sơ kết 7 năm thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đã phát hiện ra những bất cập để từ đó, đề xuất sửa đổi luật này.
Trước hết, do Luật Cư trú đã thay đổi, sổ hộ khẩu giấy đã hết hiệu lực, thông tin về công dân được tích hợp vào hệ thống quản lý công dân điện tử toàn quốc cũng như tích hợp trong thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử. Cũng do vấn đề tự do cư trú mà việc quản lý công dân đến tuổi nhập ngũ đã khó khăn hơn do những di biến động về địa điểm cư trú của người dân cũng như việc quản lý công dân bằng mã định danh cá nhân.
Trong khi đó thì Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 lại căn cứ vào nơi thường trú cố định của công dân để quản lý việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong đó có tình trạng công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự không đăng ký di chuyển nghĩa vụ quân sự từ địa phương nơi đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đến nơi làm việc mới. Bên cạnh đó, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, công tác đăng ký, quản lý nghĩa vụ quân sự chưa thành nề nếp, chưa chặt chẽ trong việc thực hiện đăng ký di chuyển nghĩa vụ quân sự khi nhập học và đăng ký di chuyển sau khi tốt nghiệp về địa phương, đến nơi làm việc hoặc đã hoàn thành chương trình học tập, tốt nghiệp ra trường.
Những bất cập nói trên đã sinh ra những kẽ hở để một số công dân trong độ tuổi nhập ngũ trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Thứ hai, việc quy định một số trường hợp được miễn, hoãn nghĩa vụ quân sự cũng có chỗ chưa hợp lý. Chẳng hạn đối với quy định đối với công dân là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động thì được xem xét tạm hoãn gọi nhập ngũ. Tuy nhiên, khái niệm “người không còn khả năng lao động” thiếu chi tiết, dẫn đến không thống nhất trong quá trình thực hiện xét duyệt đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, ảnh hưởng công bằng xã hội. Vì “người không còn khả năng lao động” vốn được hiểu là người suy giảm tỷ lệ khả năng lao động, nhưng lại cũng có thể hiểu là người đã hết tuổi lao động, có lương hưu hoặc không có lương hưu.
Thứ ba, quy định về công dân đang được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo. Tuy nhiên, những trường hợp được gia hạn học thêm, lưu ban, nợ môn, thi lại tốt nghiệp chưa được quy định cụ thể, dẫn đến tình trạng công dân lợi dụng để trốn tránh lệnh gọi nhập ngũ.
Thứ tư, việc gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân quy định tại Điều 40, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 cũng bộc lộ vướng mắc, bất cập khi một Hội đồng Nghĩa vụ quân sự nhưng đang lại có tới hai thẩm quyền gọi khám sức khỏe, gây bất cập về chất lượng giao, nhận quân và tạo kẽ hở để lọt nguồn công dân gọi nhập ngũ, gây khó khăn trong quá trình giao chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ.
Vì vậy, Luật Nghĩa vụ quân sự cần được sửa đổi để phù hợp với phương thức quản lý công dân hiện đại cũng như làm kín các kẽ hở, lỗ hổng đang tồn tại nhằm làm cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân được dân chủ, công bằng, bình đẳng cũng như việc thực thi pháp luật có hiệu lực và hiệu quả tốt hơn.
Sputnik: Cảm ơn Đại tá Nguyễn Minh Tâm về những thông tin rất hữu ích.