Lệnh trừng phạt về nhiên liệu của một số quốc gia chống lại nguồn cung từ Nga có hiệu lực từ ngày 5/2: Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga, trong khi EU và các nước G7 ấn định giá trần đối với những sản phẩm này. Giá trần được đặt ở mức 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu từ Nga được giao dịch ở mức cao hơn giá dầu thô (dầu diesel) và 45 USD/thùng đối với sản phẩm được giao dịch ở mức thấp hơn (dầu mazut). Các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô có hiệu lực từ ngày 5/12 - sớm hơn hai tháng so với lệnh trừng phạt đối với sản phẩm dầu (có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày công bố).
“Do sự thay đổi trong dòng dầu từ Nga, một số quốc gia châu Á có thể thay thế các sản phẩm tinh chế của Nga trên thị trường châu Âu bằng các sản phẩm chế biến từ dầu của Nga (ví dụ: Ấn Độ đã thực hiện khá thành công việc này vào năm 2022)", - ông Kolobanov khẳng định.
Người đối thoại của hãng tin cũng lưu ý rằng các nước châu Á quan tâm đến việc nạp dầu thô cho các nhà máy lọc dầu mới của họ hơn là nhập khẩu nhiên liệu thành phẩm. Do đó chuyên gia cho rằng sẽ không thể chuyển hướng hoàn toàn nguồn cung sản phẩm dầu của Nga từ châu Âu sang phía đông, do vậy nên có thể hình thành một lượng dầu diesel và dầu mazut dư thừa nhất định trên thị trường nội địa.
“Về mặt hình thức, theo quy luật thị trường tình trạng dư thừa sẽ dẫn đến giảm giá bán buôn, tuy nhiên ở Nga giá nhiên liệu chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ cơ chế thuế trong ngành dầu mỏ (thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ chế điều tiết giá nội địa, thuế khai thác khoáng sản) phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài và tỷ giá hối đoái của đồng rúp, do đó không thể dự đoán được phản ứng của thị trường giá cả trong nước trong những điều kiện như vậy", - Kolobanov nói.