‘Cái duyên’ đã đưa tôi đến Việt Nam
“Tôi thấy hoàn cảnh lịch sử của đất nước Việt Nam và Palestine rất giống nhau, đều đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc. Hai dân tộc tuy xa nhau về địa lý nhưng rất gần nhau về hoàn cảnh. Vì vậy, tình cảm của tôi dành cho Việt Nam bắt đầu nhen nhóm từ rất sớm”, Đại sứ Saadi Salama chia sẻ với Sputnik.
“Như người Việt Nam hay nói, đó là “cái duyên” đưa tôi đến Việt Nam. Tôi đã được Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) mời nhận học bổng đi học ở nước ngoài, trong đó một trong những lựa chọn là đi học ở Việt Nam. Không chần chừ, tôi đã nhận học bổng sang Việt Nam học”.
Cảm hứng từ những trải nghiệm
“Tôi đến Việt Nam năm 19 tuổi. Tôi theo học nhiều lĩnh vực và dần trở thành một nhà Việt Nam học. Tôi may mắn khi chứng kiến, trải nghiệm nhiều điều quan trọng ở Việt Nam ở 3 giai đoạn khác nhau. Thứ nhất là giai đoạn Bao cấp, thứ hai là giai đoạn Đổi mới. Giai đoạn thứ 3 là khi tôi quay lại Việt Nam trên cương vị Đại sứ vào cuối năm 2009”, Đại sứ Saadi Salama chia sẻ.
“Tôi nghĩ rằng, những trải nghiệm đó không còn là quyền sở hữu của riêng mình. Tôi muốn chia sẻ với các bạn Việt Nam và các bạn nước ngoài thông qua những trang viết để họ có thể tìm hiểu thêm về một đất nước đã ghi tên mình trong những quốc gia không chỉ thành công trên con đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà còn trên con đường phát triển kinh tế - xã hội”, Đại sứ bộc bạch.
“Sau đó, tôi nghĩ về việc viết cuốn hồi ký “Câu chuyện Việt Nam của tôi”. Tác phẩm được thực hiện trong vòng 5 năm. Đáng lẽ, cuốn sách phải ra mắt từ năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 40 năm tôi đến Việt Nam, nhưng do dịch COVID-19 bùng phát khiến tôi phải lùi thời gian phát hành cuốn sách vào đầu năm 2023. Tôi rất vui mừng khi cuốn hồi ký được phát hành”, Đại sứ Saadi Salama chia sẻ với Sputnik.
“Đây là cuốn sách của một người nước ngoài viết về Việt Nam. Qua đó, tôi còn muốn gửi một thông điệp cho thế hệ trẻ Việt Nam để các em nhìn lại lịch sử đất nước, để thấy Việt Nam phát triển như thế nào. Đồng thời để họ tri ân với thế hệ trước của Việt Nam - một thế hệ đã hy sinh xương máu, sống trong điều kiện cực kỳ khó khăn và phức tạp để có Việt Nam như ngày hôm nay”, Đại sứ Saadi Salama bày tỏ.
‘Càng khó khăn, người Việt càng sáng tạo’
“Có thể nói tôi đã dành 1/3 cuộc đời mình, gắn bó với mảnh đất này, giờ tôi đã hơn 60 tuổi rồi. Tổng số thời gian tôi sống tại Việt Nam là hơn 20 năm. Nhưng 1/3 cuộc đời đó là 1/3 thời gian quan trọng khi tôi đã trưởng thành, lập nghiệp, khi tôi đã tham gia hoạt động ngoại giao …tôi đã chứng kiến Việt Nam có rất nhiều đổi thay”.
“Tôi thấy dân tộc Việt Nam có những vốn từ mà người ta sử dụng để động viên, tạo cảm hứng hoặc động lực cho con người. Người Việt Nam luôn nói “Cố gắng”. Đặc biệt, càng khó khăn bao nhiêu thì người Việt Nam càng sáng tạo bấy nhiêu, để đối phó với khó khăn đó, để tồn tại. Điều đó làm tôi ngưỡng mộ và đánh giá cao tinh thần và sự kiên định, lòng quyết tâm của người Việt. Chính vì thế, tình yêu của tôi với Việt Nam ngày càng lớn. Tôi ngày càng tôn trọng một dân tộc xứng đáng có vị trí trên bản đồ thế giới”.
“Chính sách, đường lối của lãnh đạo Việt Nam cùng sự đồng hành đầy tâm huyết của nhân dân Việt Nam đã giúp Việt Nam trở thành một quốc gia đóng góp cho sự phồn vinh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Từ một quốc gia nhập lương thực (gạo), Việt Nam đã trở thành thành quốc gia xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu..hay may mặc, da giày”.
Từ tình yêu đến trách nhiệm
“Một phần quan trọng kiến thức nền của tôi được hình thành ở Việt Nam. Tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ sách báo, phim ảnh và những gì tôi chứng kiến tại đây. Chính vì vậy, dần dần tôi trở thành người bản xứ, hiểu phong tục tập quán, hiểu lịch sử, hiểu thậm chí câu chuyện của từng vùng miền. Tôi nghĩ, tôi dần trở thành một người nước ngoài có tâm hồn Việt. Điều đó giúp tôi hiểu xã hội Việt Nam một cách khác với những người nước ngoài, khác với những chuyên gia nghiên cứu Việt Nam. Vì trong người tôi có một phần Việt Nam. Tức là tôi hiểu phong tục, tập quán, thậm chí tư duy của tôi cũng dần dần trở thành tư duy của một người Việt Nam”.
“Tôi ngày càng thấy có trách nhiệm, không chỉ nằm trong việc thúc đẩy và phát triển mối quan hệ giữa Palestine - Việt Nam, mà còn với xã hội Việt Nam, con người Việt Nam. Đây là trách nhiệm của một người đã sống và làm việc tại Việt Nam nhằm đóng góp một phần nhỏ để tôi thể hiện tình yêu của mình với Việt Nam nói chung, với Hà Nội nói riêng”, nhà ngọai giao Palestine tâm sự.
“Tôi hy vọng trong thời gian tới tôi sẽ viết cuốn hồi ký cho độc giả Ả Rập. Tôi tin chắc rằng, cuốn sách sẽ được đón nhận nồng nhiệt, sẽ có rất nhiều người tìm đến cuốn sách về Việt Nam - một quốc gia ghi tên mình trên bản đồ là quốc gia thành công giành độc lập, tự do và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội”, Đại sứ Saadi Salama bày tỏ.