Giờ đây, Lực lượng phòng vệ nước này có thể sử dụng vũ khí để bắn hạ vật thể xâm phạm không phận nhưng chỉ trong điều kiện tự vệ, cụ thể là nếu nó đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân hoặc khi cần phải sơ tán khẩn cấp.
"Cho đến nay, chỉ mới tính đến các trường hợp (xâm nhập) do máy bay chiến đấu có người lái, vì việc đánh chặn chúng đe dọa trực tiếp đến tính mạng của phi công, nên các điều kiện nghiêm ngặt đã được đưa ra (đối với việc sử dụng vũ khí). Trong trường hợp khinh khí cầu không người lái, có thể coi những điều kiện như vậy là không cần thiết", - kênh NHK dẫn nguồn tin cho biết.
Đối với khinh khí cầu không người lái, việc đánh chặn chúng xem như biện pháp bảo vệ tính mạng và tài sản của công chúng, vì có thể cản trở chuyến bay an toàn của máy bay khác.
Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, hiện đang đứng đầu Ủy ban quốc phòng thuộc Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, gọi những quả khinh khí cầu không rõ nguồn gốc xuất hiện 3 lần trên bầu trời nước này là "lỗ hổng lớn trong công tác phòng thủ", đồng thời cho biết rằng ông sẽ yêu cầu một lời giải thích từ chính phủ.
Các vật thể bay không xác định nguồn gốc đã được phát hiện trên bầu trời Nhật Bản ba lần: vào tháng 11 năm 2019 ở tỉnh Kagoshima, vào tháng 6 năm 2020 tại thành phố Sendai và vào tháng 9 năm 2021 ở tỉnh Aomori. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng chúng là khí cầu do thám của Trung Quốc.