Theo báo cáo của Bộ Công Thương Việt Nam, cùng với nguồn cung ứng từ hai nhà máy lọc dầu trong nước, trong tháng đầu năm 2023, lượng nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam đạt khoảng 1 triệu tấn, tương đương giá trị là 879 triệu USD.
Tổng cục Hải quan đưa ra số liệu, trong tháng 1/2023 lượng xăng dầu các loại nhập khẩu đạt 1,03 triệu tấn, với trị giá 911 triệu USD, tăng 8,6% về lượng và tăng 10,8% về trị giá so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, lượng nhập khẩu đã tăng 69,8% và trị giá tăng 99,7%.
Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Hàn Quốc, chiếm 36-37% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu, đạt 3.222.662 tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 96,2% về lượng và tăng 72% về kim ngạch so với năm 2021.
Tiếp sau là thị trường Singapore, chiếm hơn 16% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu trong năm 2022, đạt 1.490.073 tấn, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 17,7% về lượng và tăng 91,3% về kim ngạch. Đây là mức tăng đột biến so với những năm trước đây.
Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu lớn khác như Malaysia là 220 nghìn tấn, tăng 28,5%; nhập khẩu từ Thái Lan là 83 nghìn tấn, giảm 18,4%. Riêng 4 thị trường lớn ở châu Á chiếm đến hơn 87% tổng lượng xăng dầu của cả nước trong tháng đầu năm.
Năm 2023, dự báo thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến khó lường. Do đó, về phân giao tổng nguồn xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu việc phân giao cần dựa trên con số thực hiện của năm 2022 và tính toán trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trở lên, tương ứng hệ số 1,3-1,4 GDP. Lượng xăng dầu phân giao này tăng khoảng 10% so với số thực hiện của năm 2022.
Đồng thời, Bộ này cũng đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023, với mức tăng từ 10% và 15% so với năm 2022. Sản lượng trong 2 kịch bản lần lượt là 25,9 triệu m3, tấn và 26,76 triệu m3, tấn. Sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng, quý căn cứ vào số liệu thực hiện để có điều chỉnh phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị, trong phân giao này cần tách bạch tương đối giữa sản lượng nhập khẩu và mua hàng sản xuất trong nước.