Theo UBND TP.HCM, dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có tổng mức đầu tư sơ bộ rất lớn, trên 200.000 tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD), do đó việc xây dựng phương án tài chính, huy động vốn phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả tài chính.
Đường sắt trên cao
UBND TP.HCM vừa có công văn gửi Ban quản lý Dự án đường sắt (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) để góp ý cho báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đoạn qua địa bàn Thành phố.
Theo phương án đề xuất, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ qua địa bàn TP.HCM có tổng cộng hơn 36km (trong đó gần 12km đi trên cao và hơn 24km là các đoạn đi trên mặt đất).
Theo thiết kế, tuyến đường sắt này cũng đi qua các khu vực đô thị, dân cư đông đúc hoặc các khu vực đang tiếp tục trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Theo đó, góp ý về hướng tuyến, UBND TP.HCM đề nghị Ban quản lý Dự án đường sắt nghiên cứu xây dựng đoạn đi qua TP.HCM đi trên cao (trừ một số đoạn về các ga hàng hóa, ga trạm đầu mối kỹ thuật).
UBND TP.HCM lý giải, việc đi trên cao sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng việc chia cắt từ các tuyến đường bộ dưới mặt đất đảm bảo tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn vì hiện nay quá trình đô thị hóa tại thành phố rất nhanh.
‘Siêu dự án 9 tỷ USD’
Đối với phương án huy động vốn cho dự án, UBND TP.HCM cho rằng, dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ vào khoảng 9 tỷ USD.
Thành phố nêu quan điểm, dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có tổng mức đầu tư sơ bộ rất lớn trên 200.000 tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD), do đó việc xây dựng phương án tài chính, huy động vốn phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả tài chính.
“Đây là mức đầu tư rất lớn dù đã tính đến phương án huy động vốn từ khu vực tư nhân nhưng phương án này khó khả thi nếu chỉ khai thác doanh thu từ bán vé”, thành phố nhận định.
UBND TP.HCM góp ý, phương án huy động vốn tư nhân sẽ khả thi khi kết hợp đầu tư tuyến đường sắt với đầu tư phát triển các trung tâm đô thị xung quanh nhà ga dọc tuyến.
“Khi đó, đất xung quanh các nhà ga sẽ được đấu giá để huy động vốn xây dựng dự án. Với phương án này sẽ giải quyết một phần không nhỏ bài toán về vốn cho dự án”, thành phố nêu quan điểm.
Tuy nhiên, trước mắt vẫn là vai trò dẫn dắt của đầu tư công để phát triển hạ tầng và hình thức này vẫn là hình thức đầu tư khả thi cho dự án này.
UBND TP.HCM cũng đề nghị Ban quản lý Dự án đường sắt làm rõ các cơ chế, chính sách cụ thể và quỹ đất thu hồi xung quanh các nhà ga để có thể triển khai theo mô hình giao thông có sức chở lớn kết hợp với phát triển đô thị.
Về tổng mức đầu tư của dự án UBND TP.HCM đề nghị cần làm rõ các chi phí xây dựng, chi phí thu hồi đất (phần công trình chính), chi phí thu hồi đất (xung quanh các nhà ga) trên địa bàn từng địa phương mà dự án đi qua.
Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ
Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ bắt đầu từ ga An Bình (tỉnh Bình Dương) đến ga Cần Thơ (TP Cần Thơ).
Dự án đi qua 6 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 174,4 km. Dự án đường sắt này xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi; tốc độ thiết kế lớn nhất để chạy tàu là 190km/h, trong đó tàu khách khai thác với tốc độ dưới 190km/h, tàu hàng khai thác tốc độ dưới 120km/h.
Theo phương án nghiên cứu tiền khả thi do đơn vị tư vấn lập, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có điểm đầu là ga An Bình (Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng.
Toàn tuyến có 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.