Đăng kiểm đường thủy bị “sờ gáy”: Công an TP.HCM bắt 14 người

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết, đã bắt tạm giam 14 bị can để điều tra về hành vi đưa và nhận hối lộ, xảy ra tại Chi cục Đăng kiểm số 6 và 9 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Sputnik
Bước đầu xác định, trong lúc kiểm định phương tiện đường thủy tại các bến, các đăng kiểm viên tại 2 đơn vị này đã nhận tiền từ chủ các phương tiện đường thủy nội địa hoặc thông qua những người môi giới để nhận hối lộ.

Bắt 14 người liên quan đăng kiểm đường thuỷ

Ngày 17/2, Công an TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan các sai phạm của trung tâm đăng kiểm.
Theo đó, ngày 5/2, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM nhận được tố giác về tội phạm đối với các sai phạm, tiêu cực trong quá trình đăng kiểm ở Chi cục Đăng kiểm số 6 (TP.HCM, giám đốc là ông Phạm Việt Phương) và Chi cục Đăng kiểm số 9 (Bà Rịa - Vũng Tàu, giám đốc là ông Hoàng Văn Duy), trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Qua các tài liệu thu thập được, ngày 16/2, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 bị can, bao gồm:
Phú Thọ: Bắt Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm nhận hối lộ
4 bị can Thái Việt Anh, Bùi Long Khương, Phạm Mạnh Hùng, Dương Xuân Chế về tội "đưa hối lộ" theo quy định tại điều 364 Bộ luật hình sự;
Hoàng Văn Duy (giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 9), Lê Hải Hòa, Vũ Phương Huy, Nguyễn Văn Hiển (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 9) về tội "nhận hối lộ" theo quy định tại điều 354 Bộ luật hình sự.;
Phạm Việt Dũng, Phạm Tiến Bình, Phạm Văn Dương, Nguyễn Văn Duẩn, Mai Ngọc Cường, Nguyễn Văn Đồng (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6) cũng về tội "nhận hối lộ" theo quy định tại điều 354 Bộ luật hình sự.
Các quyết định nói trên đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.

“Sai phạm nghiêm trọng, xảy ra từ lâu”

Bước đầu xác định, các đăng kiểm viên tại 2 đơn vị này trong lúc kiểm định các phương tiện đường thủy tại các bến đã nhận tiền từ chủ các phương tiện đường thủy nội địa hoặc thông qua những người môi giới để nhận hối lộ.
Sau khi nhận tiền, các đăng kiểm viên của 2 chi cục đăng kiểm này đã bỏ qua các lỗi vi phạm của chủ phương tiện đường thủy như không mang tàu thuyền lên đà chống để quan sát từ bên dưới; thiếu trang bị về an toàn, phòng cháy chữa cháy; không kiểm tra hệ thống máy...
Đại diện Công an TP.HCM không thông tin chi tiết về khoản tiền đưa - nhận hối lộ khi bỏ qua các lỗi nhưng nhấn mạnh "sai phạm nghiêm trọng và xảy ra từ rất lâu".
Nguyên cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận tiền hối lộ "như lương tháng"
Tuy nhiên, có nguồn tin cho biết, việc chung chi trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện đường thủy cũng đã diễn ra lâu nay theo kiểu "luật bất thành văn", tùy vào mỗi loại phương tiện mà có những mức giá khác nhau.
Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM, nói thêm, việc khởi tố các lãnh đạo, đăng kiểm viên không ảnh hưởng đến quá trình hoạt động tại 2 chi cục đăng kiểm này. Hoạt động đăng kiểm vẫn tiếp tục như bình thường. Người dân vẫn có thể đến để đăng ký đăng kiểm.
Tính đến ngày 17/2, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố 128 bị can để điều tra về các hành vi sai phạm, tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm.
Thảo luận