Loạt nhân sự bị bắt, Cục Đăng kiểm Việt Nam xin Bộ Nội vụ cho tuyển thêm người

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị Bộ Nội vụ cho Cục Đăng kiểm được ký hợp đồng lao động ở vị trí việc làm tại các đơn vị trực thuộc cục này theo nghị định số 111/2022/NĐ-CP để kịp thời bổ sung nhân sự, đặc biệt là đăng kiểm viên.
Sputnik
Động thái “tuyển dụng nhân sự” đáng chú ý này của Cục Đăng kiểm Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hàng loạt cán bộ đăng kiểm, thậm chí cả cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà trước đó đã bị bắt.

Cục Đăng kiểm Việt Nam xin Bộ Nội vụ tuyển thêm người

Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) vừa có công văn gửi Bộ Nội vụ đề nghị cho tuyển người theo vị trí việc làm để bổ sung nhân lực đăng kiểm sau loạt nhân sự đã bị bắt.
Theo văn bản của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam hiện đang áp dụng cơ chế quản lý tài chính theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quyết định của Thủ tướng. Các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm hạch toán phụ thuộc.
“Tuy nhiên, từ tháng 12/2022 đến nay, nhiều lãnh đạo, đăng kiểm viên tại 7 trung tâm và 2 chi cục đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm đã bị khởi tố, bắt tạm giam, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng người làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm”, - Bộ GTVT cho biết.
Do vậy, Bộ GTVT cho biết, việc bổ sung nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ đăng kiểm viên cho Cục Đăng kiểm để đáp ứng nhu cầu đăng kiểm phương tiện cho người dân và doanh nghiệp là rất cần thiết và cấp bách.
Nguyên cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận tiền hối lộ "như lương tháng"
“Nếu không sẽ dẫn tới tình trạng ùn tắc, quá tải nghiêm trọng, người dân và doanh nghiệp bức xúc vì phương tiện không được kiểm định đúng hạn”, - Bộ GTVT nhấn mạnh.
Được biết, việc tuyển dụng người làm việc tại các tổ chức tham mưu và đơn vị trực thuộc do Cục Đăng kiểm thực hiện.
Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Cục Đăng kiểm được áp dụng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức để tuyển dụng, sử dụng và quản lý người làm việc tại các tổ chức tham mưu, giúp việc cục trưởng, tại các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm.

“Rất cấp bách”

Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay để tuyển dụng người làm việc tại các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm theo quy định tại nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì phải mất ít nhất 60 ngày.
Trong khi đó nhu cầu bổ sung nhân sự để các đơn vị đăng kiểm duy trì hoạt động là rất cấp bách.
Ngày 30/12/2022, Chính phủ đã ban hành nghị định số111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Khoản 1, điều 9 của nghị định này quy định "đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ký kết hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở vị trí việc làm do viên chức đảm nhiệm theo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của đơn vị".
Hiện nay, các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm hạch toán phụ thuộc. Từ khi thành lập (từ 25/4/1964) đến nay, Cục Đăng kiểm luôn thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Cục Đăng kiểm không được giao biên chế công chức, viên chức và không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Nóng: Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà bị bắt, lộ ra chuyện hối lộ
Do đó, ngày 15/2/2023 Cục Đăng kiểm đã có công văn đề nghị cho Cục Đăng kiểm được ký hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở vị trí việc làm tại các đơn vị trực thuộc cục theo quy định tại khoản 1, điều 9, nghị định số 111/2022/NĐ-CP.
Để gấp rút bổ sung nhân sự, đặc biệt là khối đăng kiểm viên nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Nội vụ cho phép Cục Đăng kiểm được ký hợp đồng lao động theo đề nghị của cơ quan này cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định.

Vụ án Cục Đăng kiểm Việt Nam không phải tham nhũng vặt

Như Sputnik thời gian qua đã thông tin, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tiêu cực, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã thống nhất bổ sung vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Thượng tá Trần Thị Kim Lý, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thông tin, tính đến ngày 17/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố 128 bị can để điều tra về các hành vi sai phạm, tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm.
Trong đó có ông Đặng Việt Hà, nguyên là cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam; ông Trần Kỳ Hình, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam; Trần Anh Quân, quyền Trưởng Phòng kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam; Đặng Trần Khanh, Phó Trưởng Phòng kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Đặc biệt, hàng loạt lãnh đạo, nhân viên Phòng kiểm định xe cơ giới; giám đốc, phó giám đốc, nhân viên của các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở TP.HCM và các tỉnh, thành phố khắp cả nước cùng các đối tượng khác có liên quan cũng đã bị bắt.
Công an các tỉnh, thành cũng đã khởi tố điều tra nhiều vụ án, khởi tố, bắt giam nhiều bị can liên quan đến sai phạm của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại địa phương.
Xem xét trách nhiệm tập thể Cục Đăng kiểm Việt Nam
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an phát biểu tại họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 2/2 nhấn mạnh, qua điều tra cho thấy một vài lãnh đạo Phòng Kiểm định, Cục Đăng kiểm nhận hối lộ định kỳ theo tháng, theo quý của một số trung tâm đăng kiểm để bỏ qua các lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động, lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra, đánh giá định kỳ, ký duyệt mã đăng kiểm, thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả về phanh, khí thải.
“Đây là vụ án tham nhũng, có tổ chức, hành vi sai phạm có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng Kiểm định xe cơ giới đến giám đốc các trung tâm đăng kiểm gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội”.
Tại buổi họp báo thông tin về kết quả phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tiêu cực, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học khẳng định vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm “không phải là tham nhũng “vặt” mà có hệ thống, có tổ chức, có quy mô lớn.
“Tính chất nghiêm trọng của vụ việc là có tổ chức, phân công, phối hợp chặt chẽ. Chính vì thế, Ban Chỉ đạo mới quyết định đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo”, - ông Học nhấn mạnh.
Thảo luận