Kể từ nửa cuối thế kỷ 19, những tàu chiến Nga ngày càng thường xuyên xuất hiện ở Việt Nam. Những chiến hạm của Đế quốc Nga di chuyển giữa các cảng trên Biển Baltic và Biển Đen và cảng Vladivostok trên bờ Thái Bình Dương đã vào các cảng của Việt Nam để tiếp nhận nhiên liệu, lương thực, thực phẩm. Kết quả là, hơn một trăm năm trước, không chỉ các sĩ quan Nga, mà hàng nghìn thủy thủ được biên chế vào hải quân từ khắp Đế quốc Nga đã có cơ hội đến thăm đất nước của các bạn. Trở về nhà sau khi kết thúc chuyến hải trình, họ đã kể cho gia đình và bạn bè về những gì họ đã thấy ở Việt Nam.
Còn các thuyền trưởng đã viết báo cáo về thời gian tàu cập cảng tại Việt Nam gửi đến các cơ quan quân sự và Bộ Ngoại giao Nga. Những báo cáo này không xuất bản trên trang báo, nhưng chúng vẫn được lưu giữ trong kho lưu trữ nhà nước Nga, bất kỳ ai cũng có thể làm quen với chúng.
Ví dụ, vào tháng 3 năm 1884, chiếc tàu chiến Nga "Skobelev" đã cập cảng Sài Gòn. Thuyền trưởng báo cáo rằng, vào đêm trước khi tàu vào cảng Sài Gòn, họ đã biết tin quân Pháp đánh chiếm Bắc Ninh vào ngày 12 tháng 3, và đô đốc Courbet đã được thăng cấp Phó đô đốc vì việc này. Quân Pháp có 10 nghìn lính, 70 người lính đã bị thương trong trận đánh Bắc Ninh. Thuyền trưởng tàu Nga báo cáo thêm, người Pháp nói rằng, tổn thất của Việt Nam lớn hơn nhiều, nhưng không có thông tin cụ thể nào về việc này, vì những người bảo vệ thành phố đã rút lui mà không để lại một người chết hoặc bị thương.
Vô cùng thú vị là báo cáo của thuyền trưởng tàu tuần dương "Oryol" của Nga gửi Bộ trưởng Bộ Hải quân của Đế quốc Nga. Chiếc tàu tuần dương đã cập cảng Sài Gòn vào ngày 17 tháng 2 năm 1916. Trước đó hai ngày đã có cuộc tấn công vào đô thị Sài Gòn, cuộc đột kích do các thành viên của tổ chức bí mật dưới sự lãnh đạo của Phan Xích Long tiến hành. Viên sĩ quan Nga lưu ý rằng, phong trào xã hội bí mật hoạt động dưới khẩu hiệu đánh đổ đế quốc Pháp và vì công lý, đây không phải là những kẻ cướp như người Pháp mô tả, mà thực ra là một tổ chức chính trị kháng chiến. Những người này đã có kế hoạch tấn công Khám Lớn Sài Gòn để giải cứu Phan Xích Long cùng các đồng sự.
Tuy nhiên, chỉ được trang bị kiếm, giáo và "bùa hộ mệnh", họ rút lui dưới làn đạn súng trường của cai ngục, sau đó là một làn sóng đàn áp hàng loạt. Toà án Sài Gòn kết án tử hình 60 người nổi loạn, trong đó có lãnh tụ phong trào Nguyễn Hữu Trí và nhà sư Cao Văn Long, hàng trăm người khác bị bỏ tù. Bộ máy kiểm duyệt của thực dân Pháp đã để lại rất nhiều lỗ hổng trong các bài báo đưa tin về phiên tòa, - thuyền trưởng Nga cho biết. - Do đó, động lực của phong trào này phải được đánh giá dựa trên dữ liệu mà chúng tôi đã thu thập được với sự trợ giúp của những câu hỏi và tin đồn.
Báo cáo của thuyền trưởng tàu Nga với những dữ liệu này là lời kể rất thú vị của một người đã chứng kiến những sự kiện đó. Thuyền trưởng báo cáo về tình hình hỗn loạn ở Sài Gòn. Hơn nữa, các cơ quan chính thức và những người Việt Nam đã giải thích theo những cách khác nhau nguyên nhân dẫn đến các cuộc bạo loạn. Đại diện của chính quyền Pháp gọi vụ việc chỉ là do các hành động của mấy trăm người Việt Nam mà họ khinh miệt gọi là "cặn bã của xã hội và những tên cướp". Còn những người Việt Nam tin rằng, phong trào của các hội kín là rất nghiêm túc, mang tính chất chính trị chứ không phải do những nhóm xấu tổ chức, và có hàng nghìn người đã tham gia vào cuộc nổi dậy, - thuyền trưởng tàu tuần dương "Oryol" cho biết.
Tàu tuần dương "Oryol"
© Ảnh : Public domain
Viên sĩ quan Nga báo cáo rằng, đối với ông, thông tin nhận được từ phía Việt Nam có vẻ đáng tin cậy hơn. Rốt cuộc, nếu những gì đã xảy ra chỉ là một hành động cướp, thì những người này không thể lên kế hoạch từ trước, còn những người nổi loạn đã có một kế hoạch được phát triển cẩn thận và rất có thể kết thúc thành công. Thuyền trưởng người Nga báo cáo rằng, động lực chính của cuộc nổi dậy là cuộc đấu tranh chống hành động của Pháp ép buộc những người nông dân Việt Nam phải phục vụ trong quân đội thuộc địa. Mà đây là thời điểm Thế chiến I, và Pháp đã có kế hoạch gửi những lính Việt tham gia trực tiếp vào chiến trận ở châu Âu. Ngoài ra, thuyền trưởng chỉ ra, thời điểm nhập ngũ trùng với thời gian làm các công việc đồng áng. Người Việt Nam bắt đầu né tránh lệnh gọi nhập ngũ, và người Pháp chuyển sang đàn áp - đây là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc nổi dậy. Báo cáo lưu ý rằng, chính người Pháp đã kích động cuộc nổi dậy bằng cách phá hủy cấu trúc xã truyền thống của Việt Nam và loại bỏ các quy tắc của luật pháp địa phương.
Như các bạn có thể thấy, thuyền trưởng của tàu tuần dương Nga, dù chuyến Sài Gòn vào tháng Hai năm 1916 chỉ kéo dài một vài ngày, có thể hiểu khá chính xác tình hình trong nước. Còn có nhiều ví dụ về việc người Nga thấu hiểu và đồng cảm với nhân dân Việt Nam và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của họ.