Lần đầu tiên Việt Nam mở chiến dịch đưa các doanh nghiệp công nghệ số “vươn khơi” quốc tế

HÀ NỘI (Sputnik) - Thị trường công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam là một thị trường "chật chội". Nhưng cũng chính năng lực cạnh tranh vốn có này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể “đi cùng nhau” khai thác tiềm năng thị trường rộng lớn với giá trị hơn 1.800 tỷ USD
Sputnik
Đây là nhận định và định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ T&TT) Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” tổ chức ngày 23/2/2023 với chủ đề “doanh nghiệp số Việt Nam: Hợp tác số toàn cầu - Đối tác tin cậy để xây dựng Thế giới số”.

“Việt Nam sẽ là một quốc gia công nghệ số hàng đầu”

Sau 3 năm Covid-19, các hoạt động hợp tác quốc tế bị cầm chừng, Bộ TT&TT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu. Bộ sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. “Đi cùng nhau” là một trong những cách đi mà Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng cho các doanh nghiệp công nghệ.
“Doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ hơn, doanh nghiệp đi trước dẫn dắt doanh nghiệp đi sau”, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT (Bộ TT&TT) Nguyễn Thiện Nghĩa nêu rõ.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, thị trường công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam là một thị trường "chật chội". Chi cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số không lớn, nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại rất nhiều.
Cũng chính vì sự cạnh tranh này mà Việt Nam có khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá rẻ. Đây là năng lực cạnh tranh chính để có thể đi ra nước ngoài.
“Đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất. Đây là cách để chúng ta trở nên xuất sắc, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Cũng vì có năng lực cạnh tranh quốc tế mà chúng ta tồn tại được lâu dài ở trong nước. Đi ra nước ngoài cũng là để bảo vệ Việt Nam”, người đứng đầu ngành thông tin cho hay.
Chất lượng và giá rẻ sẽ rất phù hợp với giai đoạn đại chúng hoá công nghệ số, khi tất cả các nước, từ giàu đến nghèo, đều đang đẩy nhanh chuyển đổi số một cách toàn dân và toàn diện.
Ông Hùng cũng dẫn chứng, nếu như ChatGPT trả lời các thể loại câu hỏi của tất cả mọi người và vì thế mới đạt mức trung bình khá; thì Việt Nam có thể dùng AI để tạo ra trợ lý ảo chuyên sâu cho từng lĩnh vực chuyên môn. Khi mà dữ liệu liệu phải xử lý chỉ bằng một phần triệu so với ChatGPT thì trợ lý ảo của Việt Nam sẽ xuất sắc, đạt đến mức chuyên gia. Đây là cách tiếp cận cá thể hoá, phù hợp với trình độ hiện tại của Việt Nam. Thị trường ở đây là rất phong phú và không hề nhỏ.
“Làm gì thì cũng nên Việt Nam hoá. Tức đi con đường Việt Nam, dựa trên đặc điểm và sức mạnh cốt lõi Việt Nam để không ai có thể bắt chước mình. Chúng ta mà có nhiều công ty công nghệ số xuất sắc, giá trị của mỗi công ty có thể chỉ trăm triệu đô, Việt Nam sẽ là một quốc gia công nghệ số hàng đầu”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua ứng dụng công nghệ AI?
Đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh chóng, ông Pavel Poskakukhin, đồng Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định:

“Với dân số trẻ và am hiểu công nghệ, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu, đặc biệt là cung cấp giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, fintech…”.

Đồng quan điểm và nhìn nhận, ông Kully Nelson, Phó Tham tán Thương mại, Tuỳ viên Kinh tế số, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng cho rằng, thị trường công nghệ thông tin tại Hoa Kỳ với số lượng lớn các “Big Tech” là cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hợp tác làm ăn.

FPT chính thức mua toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ của công ty Mỹ & kinh nghiệm thành bại

Và thực tế, Mỹ đang là 1 trong 2 thị trường lớn nhất của FPT, đóng góp mức lợi nhuận cao nhất trong số toàn bộ các thị trường, với mức độ tăng trưởng năm 2022 là 50%. Doanh số FPT America đã tăng 5 lần và 10 lần về lợi nhuận từ 2017 đến 2022.
Khẳng định vị thế là doanh nghiệp tiên phong ra biển lớn, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cũng chia sẻ thông tin, rằng ngày 23/2 Công ty Cổ phần FPT cũng đã công bố đã hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ (IT Services) của Công ty Intertec International (Mỹ).
Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì
Năm 2023, cùng với thương vụ này, FPT cũng mở rộng hiện diện tại Costa Rica, Colombia và Mexico. Đây cũng là 3 nước có trung tâm sản xuất công nghệ của Intertec.
"Cùng với mạng lưới 22 trung tâm cung ứng công nghệ của FPT trên toàn thế giới, mảng dịch vụ công nghệ của Intertec mới sáp nhập sẽ giúp 2 bên đảm bảo đồng hành cùng khách hàng nhanh nhất ở mọi múi giờ, mọi địa điểm trên thế giới và khai thác tối đa các cơ hội không giới hạn từ thị trường các nước nói tiếng Anh", đại diện FPT nói.
Nhìn lại hành trình vươn ra thị trường quốc tế trong hơn 22 năm vừa qua, ông Trương Gia Bình chia sẻ giai đoạn khởi đầu là vô cùng khó khăn, nhưng thành quả lại vô cùng hấp dẫn. Chính niềm tin vào việc người Việt có thể làm được là yếu tố duy nhất giúp FPT không buông bỏ sứ mệnh này.
Nếu như trong 2 năm đầu mở văn phòng đầu tiên tại Bangalore và Silicon Valley (thủ phủ phần mềm của Ấn Độ và Mỹ), FPT không ký được hợp đồng nào khi ngân sách dần cạn kiệt.
Thì với quyết định "sống còn", là chuyển hướng sang mảng công nghệ mới như Cloud, AI, Big Data,… Giờ đây, các sản phẩm của FPT đã có mặt trong cả con chip ô tô của những hãng lớn nhất. Lĩnh vực này là một "thế giới IT", mở ra nhiều cơ hội mới không chỉ cho FPT mà còn cho nhiều doanh nghiệp công nghệ khác.

"FPT thiết kế cả vỏ xe, nội thất, test độ an toàn, làm các hệ thống điện tử của ô tô. Chúng tôi đã tập hợp các kỹ sư giỏi người Việt để chế tạo ra những bộ phận then chốt nhất trên một chiếc ô tô, ví dụ như sạc điện. FPT cũng sẽ hướng tới việc làm đối tác phần mềm cấp 1 của một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất", Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ.

Tại thị trường Nhật, với chiến lược khác biệt so với hàng loạt quốc gia khác, FPT thực sự có những thành công ban đầu khi đào tạo toàn bộ kỹ sư trong nước học tiếng Nhật để chiếm lĩnh thị trường này. Làm việc bằng tiếng bản địa là yêu cầu đầu tiên mà FPT đưa ra khi xâm nhập vào các thị trường quốc tế khác. Theo đó, các công ty Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội ở một số quốc gia không nói tiếng Anh nhưng kỹ sư của ta phải thông thạo ngôn ngữ của họ.
Đồng yen mất giá kỷ lục, FPT Việt Nam vẫn thắng lớn
Theo đó, ba lời khuyên mà “cánh chim đầu đàn” FPT chia sẻ dành cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin khi có định hướng mở rộng sang thị trường quốc tế.

“Thứ nhất, dành thời gian tìm hiểu thị trường hướng đến. Nếu xâm nhập quốc gia nào thì doanh nghiệp phải ở gần khách hàng. Cụ thể, khách hàng lớn ở đâu, đặt văn phòng ở đó. Thứ hai, phải nói tiếng bản địa để cho ra các sản phẩm sát với nhu cầu bản địa. Thứ ba, thay vì nói về IT hãy nói về chuyển đổi số với các công nghệ mới như: IoT, Blockchain,… cơ hội chính là ở đó”, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ.

Ngoài ra, Chủ tịch Bình cũng cho biết, trong năm 2023 FPT cũng đặt mục tiêu sẽ cho ra mắt chip quốc gia.
Bên cạnh FPT, Viettel cũng là một trong những doanh nghiệp Việt có được thành công ấn tượng tại thị trường nước ngoài. Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng cho rằng, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu văn hóa, cách làm việc cũng như thượng tôn pháp luật để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra.
Việc gắn kết với chính quyền địa phương để cùng tham gia xây dựng chính sách cho ngành đang đầu tư là rất cần thiết. Đồng thời, cần gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của người dân địa phương thông qua việc phát huy trách nhiệm xã hội như triển khai các dự án internet trường học, hỗ trợ chính phủ các nước chống dịch Covid-19 …
Viettel đem công nghệ “made in Vietnam” ra thế giới
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ TT&TT chính thức thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài” nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.
Thảo luận