Tướng Đỗ Hữu Ca có được hưởng tình tiết giảm nhẹ sau khi nộp lại tiền ‘chạy án’?

Sau khi nhận hàng chục tỷ đồng tiền ‘chạy án’ từ một đối tượng, tướng Đỗ Hữu Ca đã chiếm đoạt, giữ lại cho bản thân. Tuy nhiên, đến nay, ông Ca đã nộp lại số tiền này để ‘khắc phục hậu quả’.
Sputnik
Theo luật sư, việc ông Ca tự nguyện nộp lại tiền có thể được xem là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm trong vụ án hình sự.
Tuy nhiên, ông Ca lại có thể phải đối mặt với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội", theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Được hưởng tình tiết giảm nhẹ nếu tự nguyện khắc phục hậu quả

Như Sputnik đã đưa tin, ngày 22/2, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố, lệnh tạm giam Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an TP. Hải Phòng, để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cổng TTĐT Bộ Công an cho biết, ông Đỗ Hữu Ca bị tạm giữ trong quá trình Công an tỉnh Quảng Ninh mở rộng điều tra vụ án hình sự "Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước", xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng.
Trong quá trình điều tra làm rõ vụ việc, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện ra việc nhận tiền chạy án, từ đó đã làm việc với ông Đỗ Hữu Ca.
Đáng chú ý, sau khi nhận tiền chạy án, tướng Đỗ Hữu Ca đã giữ lại cho bản thân. Đến nay, ông Ca đã khắc phục hết.
Liên quan đến vụ việc, luật sư Nguyễn Thị Xuyến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không được liệt kê vào tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.
Sẽ đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Đỗ Hữu Ca
Do đó, mặc dù ông Ca đã trả hết số tiền nhận chạy án, nhưng do hành vi vi phạm Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nên ông vẫn bị khởi tố theo quy định về pháp luật tố tụng hình sự.
Việc ông Ca khắc phục, nộp trả lại số tiền “chạy án” là việc người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, nên chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ trong vụ án hình sự.
Cụ thể, tình tiết giảm nhẹ trong vụ án hình sự là "tình tiết làm cho mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể giảm đi, là một trong những căn cứ quan trọng để tòa án quyết định hình phạt cụ thể đối với người phạm tội".
Luật sư cho biết, trong số 22 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có việc "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả". Điều này đã được quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
Theo đó, người phạm tội đã gây ra thiệt hại, tức là thiệt hại đã thực tế xảy ra nhưng người phạm tội đã sửa chữa, bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho bên bị thiệt hại hoặc đã tự nguyện khắc phục hậu quả của tội phạm.
Đặc biệt, pháp luật quy định rõ, để được hưởng tình tiết giảm nhẹ này, người phạm tội phải tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả thì mới được coi là tình tiết giảm nhẹ.
Còn nếu người phạm tội bị buộc phải sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả do tác động của người khác hoặc của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội thì không được xem là tình tiết giảm nhẹ để áp dụng.
Tướng Đỗ Hữu Ca nhận hàng chục tỷ đồng chạy án: Ai là “trùm cuối”?
Việc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả phải xảy ra trước khi toà tuyên án và thuộc ở cấp nào thì cấp đó coi là tình tiết giảm nhẹ.
Tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" được áp dụng dựa trên các quy định tại Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự 2015.

Tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định thế nào?

Về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) trích dẫn Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó người nào đưa thông tin gian dối, thông tin không có thật để người khác tin tưởng giao tiền, tài sản nhằm chiếm đoạt thì được xác định là hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trong vụ án liên quan đến ông Đỗ Hữu Ca, nguồn tin cho biết vị cựu Giám đốc Công an TP. Hải Phòng này đã nhận hàng chục tỷ đồng của một đối tượng để chạy án, nhưng không thực hiện công việc như đã thỏa thuận mà chiếm đoạt, giữ lại cho bản thân.
"Đây là tội phạm xâm phạm sở hữu, nếu người phạm tội bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên thì sẽ phải đối mặt với khung hình phạt 12 - 20 năm tù hoặc tù chung thân", - luật sư Đồng nói.
Đâu là lý do thực sự khiến tướng Đỗ Hữu Ca bị điều tra?
Cũng theo luật sư, ông Ca còn có thể phải đối mặt với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội", theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015.
"Việc ông Ca nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Vì vậy, trước khi đưa ra quyết định về hình phạt, tòa án sẽ cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự", - luật sư Đồng cho biết.
Thảo luận