Những trang sử vàng

Sài Gòn cuối thế kỷ 19 qua con mắt du khách Nga

Sputnik tiếp tục loạt bài về quá trình người Nga và người Việt Nam tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau kể từ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.
Sputnik
Năm 1880, nhà văn Vsevolod Krestovsky đến thăm Sài Gòn. Một nhà văn tài năng - cuốn tiểu thuyết "Khu ổ chuột ở Petersburg" của ông được viết cách đây 160 năm đã được xuất bản nhiều lần ở cả nước Nga trước cách mạng và dưới thời Xô Viết. Vào cuối những năm 1990, truyền hình Nga đã chiếu thành công bộ phim nhiều tập "Bí mật St. Petersburg" dựng theo cuốn tiểu thuyết của Vsevolod Krestovsky. Trong hai ngày ở Sài Gòn, ông đã nhìn thấy rất nhiều điều thú vị. Và khi ông trở về Nga, trong một bài bút ký, nhà văn đã mô tả bức tranh toàn cảnh về cuộc sống và truyền thống của người Việt. Ông kể về họ thật rõ ràng và sinh động đến mức, độc giả có thể tưởng tượng được những điều nhà văn miêu tả đang diễn ra trực tiếp trước mắt, như đang xem một chương trình truyền hình.
Ví dụ, ông viết về những căn nhà truyền thống, y phục Việt vào thời điểm đó. Nhà văn Krestovsky lưu ý rằng, những cô gái Việt, trái ngược với những người phụ nữ Trung Quốc, không có tục lệ bó chân. Và với lòng ngưỡng mộ, ông mô tả những người phụ nữ Việt Nam khéo léo bế trẻ em bên hông mình, thậm chí đồng thời cùng lúc vẫn có thể rảnh tay chèo thuyền trên sông. Và đối với những chiếc thuyền này với rất nhiều loại, Krestovsky đã dành riêng cả công trình nghiên cứu về chúng: trọng tải chở, hệ thống buồm, cách điều khiển thuyền bơi, hình dáng bên ngoài của chúng. Ví dụ, ông viết:
“Một trang trí đặc trưng của con thuyền là hai sọc đen ở hai bên mũi, trên đó vẽ một con mắt màu trắng với con ngươi màu đen: để con tàu nhìn thấy nơi nó đang đi, và để những linh hồn xấu xa trên biển nghĩ rằng đó không phải là một con thuyền mà là một con rồng ghê gớm”.
Những trang sử vàng
Người Nga đã biết được gì về Việt Nam vào năm 1864?
Nhà văn Nga đã so sánh những cánh buồm mở rộng với những con bướm khổng lồ. Ông đã mô tả đầy màu sắc quá trình thay đổi màu nước ở sông Mekong, thảm thực vật trên bờ sông, và những ngôi nhà Việt mà ông nhìn thấy trên đường về Sài Gòn.
Và đây là những gì Krestovsky đã viết về Sài Gòn 140 năm trước:
“Thành phố nằm lệch các tuyến hàng hải và tàu thuyền chỉ ghé vào trong những dịp đặc biệt. Khi bước ra khỏi tàu lớn, thật khó có thể gọi chiếc xe kéo đứng lẻ loi buồn bã trên bến tàu. Du khách ở Sài Gòn hiếm hoi đến nỗi, theo những người Pháp ở đó đánh giá, không cần phải xây khách sạn. Các vỉa hè được xây bằng gạch nung, và khi có một ngọn gió nhỏ thổi qua, lớp bụi đỏ phủ trên quần áo của bạn và để lại trên mặt những vết bẩn. Những ngôi nhà chỉ một hoặc hai tầng, nhà ba tầng là ngoại lệ hiếm hoi”.
Tất nhiên, nhiều quan sát của Krestovsky vào năm 1880 hiện nay trở nên khó tin. Chiếc xe kéo tay duy nhất trên bến tàu - liệu có thể đúng như vậy không? - ngày nay chúng ta hỏi. Nhưng chính giá trị của những gì nhân chứng chứng kiến nằm ở đó: họ giúp chúng ta biết được trước đây chúng ta như thế, giúp chúng ta đánh giá con đường mà ta trải qua từ khi đó.
Ví dụ, những mô tả của Krestovsky về chợ Sài Gòn, quán trà và quán ăn, mà 140 năm trước đây là những “câu lạc bộ”, nơi có thể biết tất cả mọi tin tức - chẳng lẽ chúng đã đánh mất tính thiết yếu của mình trong thời đại chúng ta? Và chẳng lẽ những người phụ nữ Việt nam đã thôi khéo léo bế con bên hông vẫn rảnh tay chèo những chiếc thuyền có màu săc rực rỡ trên sông? Còn chẳng lẽ lời khuyên dành cho những người du lịch mà nhà văn Nga đưa ra từ năm 1880 đã trở nên lỗi thời: để tránh các vết cắn đau, trước khi đi ngủ, bạn phải cẩn thận kiểm tra giường và vào mỗi buổi sáng phải xem lại quần áo và giày của mình?
Những trang sử vàng
Tình hình Việt Nam 100 năm trước qua con mắt của các thủy thủ Nga
Nhà khoa học - nhà tự nhiên học người Nga Erickson đã đến thăm Sài Gòn 20 năm sau Krestovsky. Là một chuyên gia về động thực vật, ông rất ấn tượng với Vườn Bách thảo địa phương. Đồng thời, ông lưu ý rằng, ông coi thành phố như một khu vườn thực vật khổng lồ. Trong tạp chí “Khoa học và Sư phạm Phổ thông” xuất bản ở Matxcơva, ông đã mô tả chi tiết các loài động vật và thực vật của Việt Nam mà ở Nga không ai biết. Và học giả Erickson đã thấy bức tranh rất khác tại Sài Gòn, thành phố đã trở nên tốt hơn rõ rệt trong thời gian đã trôi qua kể từ chuyến thăm của Krestovsky:
“Những con phố và đại lộ Sài Gòn rất sạch sẽ, những chiếc xe kéo náo nhiệt bủa vây khách rời tàu. Ngoài ra còn có loại xe bốn bánh loại nhỏ, một ngựa, lò xo, không có cửa sổ mà có rèm che. Những con phố bằng phẳng, trải đầy cát đỏ đầm chặt. Có rất nhiều cửa hàng tuyệt vời với hàng hóa châu Âu trên đường phố. Còn những ngôi nhà đẹp nhất trong thành phố là tòa bưu điện và điện báo, Nhà hát và nhà thờ Công giáo”.
Và du khách người Nga Bolshakov, khi ở thăm Sài Gòn, đã đặc biệt ấn tượng với những buổi biểu diễn tại các nhà hát Việt Nam và Trung Quốc. Đồng thời, trong bài viết đăng tải trên tạp chí "Đo vẽ và trắc địa" xuất bản ở St. Petersburg, ông Bolshakov lưu ý rằng, nhà hát Trung Quốc có vẻ sơ khai hơn. Ông cũng đau đớn viết về việc chính quyền thuộc địa không cấm đoán mà còn khuyến khích người bản xứ dùng a phiến. Tình cảnh của những ai đâm đầu vào bàn hút thật thê lương.
Và ở đây có một điều quan trọng. Những người Nga đến thăm Việt Nam từ rất lâu trước Cách mạng Tháng Mười năm 1917 là những người thuộc những tầng lớp xã hội khác nhau và có quan điểm chính trị khác nhau. Tuy nhiên, tất cả họ đều đồng cảm với đất nước và con người Việt Nam. Trong các bài viết của họ không có lời nào làm mất uy tín của nhân dân Việt Nam và các anh hùng của đất nước này, không có lời nào xuyên tạc lịch sử, chế nhạo thuần phong mỹ tục của người dân địa phương, kể cả khi một số phong tục tập quán không làm vừa lòng du khách Nga. Với tính khách quan rất cao, họ đã giới thiệu với độc giả Nga về cuộc sống của người Việt Nam, về địa lý và khí hậu, hệ động thực vật, văn hóa và truyền thống của Việt Nam.
Thảo luận