Thấy gì khi Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ?

Sáng 27/2 (theo giờ địa phương), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ tham dự và có bài phát biểu tại phiên họp cấp cao khoá 52 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Geneva, Thụy Sĩ.
Sputnik
Cũng trong dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ có các cuộc gặp, tiếp xúc với lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Geneva; tiếp lãnh đạo và quan chức một số nước nhằm tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, quốc gia này.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ

Cổng TTĐT Chính phủ Việt Nam cho biết, đây là hoạt động đầu tiên của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong khuôn khổ phiên họp cấp cao khoá 52 Hội đồng Nhân quyền LHQ, diễn ra từ ngày 27-28/2.

"Chuyến công tác của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chính thức mở đầu sự tham gia của Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025", - Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva cho biết.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh, đây là hoạt động ngoại giao cấp cao nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại đa phương, đề cao vai trò của LHQ trong quản trị toàn cầu.
Việt Nam sẽ ưu tiên điều gì khi trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ?
Hoạt động này góp phần đề cao chiến lược cũng như chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước lấy con người là trung tâm của sự phát triển, thúc đẩy phát triển bền vững để mọi người dân đều được hưởng thành quả từ quá trình phát triển đó.

Ý nghĩa tích cực khi Việt Nam lần thứ 2 vào Hội đồng Nhân quyền LHQ

Kể từ khi Hội đồng Nhân quyền LHQ được thành lập cho tới nay, Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động cơ quan này.
Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, qua đó góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, việc Việt Nam lần thứ hai trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 mang ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện.
Trước hết, điều này có ý nghĩa khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước về việc đặc biệt coi trọng và phát huy nhân tố con người trong phát triển đất nước, gắn với tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.
Đồng thời, nó cũng mình chứng cho những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.
Thứ hai, việc Việt Nam được bầu vào hội đồng sẽ góp phần triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương quan trọng có tầm chiến lược, giúp nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.
Việc trúng cử Hội đồng Nhân quyền minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, đồng thời khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam trong vấn đề này.
Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ bất chấp các trò bẩn thỉu của phương Tây
Điều này càng ý nghĩa hơn gấp bội khi năm 2022 sẽ đánh dấu 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.
Thứ ba, việc tham gia và đóng góp tích cực trong Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ góp phần truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hoà bình, đề cao các giá trị nhân văn và nhân đạo;
Qua việc này, các cấp, các ngành và toàn dân cũng như bạn bè quốc tế sẽ hiểu đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc hơn chủ trương, chính sách và thành tựu quyền con người ở Việt Nam.
Thêm nữa, Việt Nam còn có thể tranh thủ sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm của LHQ và các đối tác quốc tế để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền công dân và quyền làm chủ của nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam sẽ chủ động, tích cực tham gia đóng góp vào công việc của Hội đồng Nhân quyền, tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan này.
Trên cương vị này, Việt Nam sẽ chủ động dẫn dắt, thúc đẩy các sáng kiến để thể hiện dấu ấn và phát huy lợi ích của mình theo các hình thức phù hợp với quy định và thông lệ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Trong đó, tập trung vào những nội dung như: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền gắn với đề cao tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và phù hợp với chức năng, thẩm quyền của Hội đồng nhân quyền; quyền con người trước tác động của biến đổi khí hậu; chống bạo lực và phân biệt đối xử, tăng cường bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; thúc đẩy bình đẳng giới; quyền con người trong bối cảnh chuyển đổi số; quyền sức khỏe; quyền việc làm; quyền tiếp cận giáo dục chất lượng và giáo dục quyền con người.

Hội đồng Nhân quyền LHQ

Hội đồng Nhân quyền LHQ được thành lập năm 2006, là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ.
Đây là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, bao gồm cả quyền phát triển. Việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam phát biểu tại cơ quan này cho thấy tiếng nói ngày càng được coi trọng của Hà Nội.
Hội đồng Nhân quyền LHQ hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.
Hiện nay, Hội đồng Nhân quyền LHQ có 47 nước thành viên, được phân bổ cân bằng theo khu vực địa lý. Theo đó, nhóm châu Á có 13 ghế, nhóm châu Phi có 13 ghế, nhóm Đông Âu có 6 ghế, nhóm Mỹ Latin và Caribbe với 8 ghế, còn lại nhóm Tây Âu và các nước khác (phương Tây) giữ 7 ghế.
Các thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ làm việc theo nhiệm kỳ 03 năm, không được tái cử nếu đã qua 2 nhiệm kỳ liên tục.
Hội đồng Nhân quyền LHQ bầu Chủ tịch và 04 Phó Chủ tịch với nhiệm kỳ 01 năm theo đề cử của 5 nhóm khu vực và theo nguyên tắc luân phiên giữa các nhóm khu vực.
Trước đó, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang được phân công phụ trách các lĩnh vực trước đây được ông Phạm Bình Minh đảm nhiệm. Đồng chí Trần Lưu Quang chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Nội vụ, Ủy ban Dân tộc.
Carl Thayer nêu khả năng Việt Nam ứng cử thành công vào Hội đồng Nhân quyền LHQ
Cụ thể, nhiệm vụ của ông Trần Lưu Quang gồm xây dựng thể chế, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cải cách tư pháp; ngoại giao và quan hệ đối ngoại (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân); hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vận động vốn vay ưu đãi; viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hội nhập quốc tế; theo dõi, chỉ đạo đàm phán và thực hiện các cam kết quốc tế song phương, đa phương; cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại; xử lý tranh chấp, khiếu kiện quốc tế.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng phụ trách đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; quan hệ của Việt Nam với các tổ chức quốc tế và khu vực; công tác biên giới và các vấn đề Biển Đông - Hải đảo; công tác người Việt Nam ở nước ngoài và các vấn đề người nước ngoài ở Việt Nam.
Ông Quang cũng được giao xử lý các vấn đề về nhân quyền; công tác dân tộc, tôn giáo; xóa đói giảm nghèo; những vấn đề thường xuyên về thi đua khen thưởng; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng chống tội phạm; phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại; đặc xá; phối hợp công tác giữa Chính phủ với TAND Tối cao và VKSND Tối cao.
Thảo luận