Thu hồi tài sản tham nhũng: Cần tháo gỡ kịp thời “điểm nghẽn” gây ách tắc

Cùng với việc hoàn thiện pháp luật trong nước, cần tăng cường hợp tác quốc tế, ký kết, tham gia các điều ước quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng.
Sputnik
Thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những tiêu chí đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng. Trong giai đoạn 2005 - 2013, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam trung bình chỉ khoảng 8%. Tỷ lệ này đã tăng lên bình quân 32,04% giai đoạn 2013 - 2020. 80 nghìn tỷ, tương ứng 53% là kết quả thu hồi được ở giai đoạn 2016 - 2021. Tuy có nhiều cải thiện, nhưng kết quả này vẫn chưa phải là cao, và có thể nói, hiện nay công tác này ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Phóng viên Sputnik đã có cuộc trao đổi về đề tài đang nóng này ở Việt Nam với TS Kinh tế - Luật Lê Văn Hòa.
Việt Nam xác minh tài sản của 32 cán bộ ngành tòa án

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp

Sputnik: Thưa Tiến sỹ, những nguyên nhân gì khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam chưa hiệu quả, chưa đạt yêu cầu? Các chuyên gia luật pháp cho rằng, một trong những lý do chính là thiếu cơ chế thu giữ tài sản của bị can. Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?
TS Kinh tế - Luật Lê Văn Hòa:
Năm 2022, các cơ quan tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 160.000 tỷ đồng; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 290% về tiền so với năm 2021. Đây là một kết quả khả quan, cao hơn nhiều so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Tôi cũng cho rằng, một trong những lý do chính là thiếu cơ chế thu giữ tài sản của bị can. Một số quy định của pháp luật Việt Nam về thu hồi tài sản còn bất cập, vướng mắc. Ví dụ, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý sau thanh tra; rồi cơ chế chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán chưa đồng bộ và còn lỏng lẻo, gây khó khăn cho việc xử lý, thu hồi khi thi hành án và xử lý sau thanh tra.
Tiếp theo là thời gian giải quyết vụ án, vụ việc kéo dài, cách xa thời điểm có hành vi vi phạm nên tài sản tham nhũng dễ bị tẩu tán, che giấu, thất thoát; việc đối tượng bỏ trốn gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu tài sản hoặc xử lý chung; việc phối hợp giữa các cơ quan thu hồi tài sản còn hạn chế.
Nguyên nhân nữa là tội phạm thường rất tinh vi, có nhiều thủ đoạn gian manh và đã có sự chuẩn bị trước cho các hậu quả xảy ra, họ cho người khác đứng tên tài sản tham nhũng của mình.
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp còn do một nguyên nhân nữa: Đó là chưa có Luật đăng ký tài sản và người thân của người có chức vụ không thuộc diện phải kê khai tài sản nên khó có thể thu hồi, khó có thể chứng minh chủ thực sự của tài sản. Hơn nữa, tài sản xử lý thuộc diện thu hồi trong các vụ án tham nhũng kinh tế là những tài sản phức tạp, như tài sản đã bị tẩu tán ra nước ngoài, tài sản là các dự án bất động sản chưa hoàn thành về pháp lý, tài sản là cổ phần, cổ phiếu... Tình trạng này gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng.
Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Lâm Đồng bị kỷ luật

Rất cần hoàn thiện cơ chế

Sputnik: Liên quan đến vấn đề cơ chế pháp luật cần có để việc thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả hơn, rồi cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng sẽ hiệu quả hơn, ông có quan điểm như thế nào?
TS Kinh tế - Luật Lê Văn Hòa:
Tôi cho rằng, Việt Nam rất cần hoàn thiện cơ chế và tổ chức thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; nghiên cứu, hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng. Kinh nghiệm lập pháp của một số nước cho thấy, họ đã hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp như một giải pháp để đấu tranh hiệu quả đối với tội phạm tham nhũng. Kinh nghiệm của các quốc gia như Úc, Anh, Thái Lan, Singapore cho thấy, việc áp dụng các biện pháp thu hồi không qua thủ tục kết án hình sự và buộc đối tượng tình nghi phải tự chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản mang lại nhiều hiệu quả đột phá. Chúng ta cần nhận thức được, đó cũng là yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Hiện nay, các quốc gia sử dụng bốn phương thức cơ bản để thu hồi tài sản tham nhũng: Thu hồi tài sản dựa trên truy tố hình sự; thu hồi tài sản không dựa trên bản án hình sự; thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính; khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản. Ở Việt Nam, cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay chủ yếu dựa trên các bản án kết tội của Tòa án. Điều này tạo ra hệ lụy: Khó tránh khỏi việc thất thoát tiền, tài sản do người phạm tội đã nhanh chóng che giấu, tẩu tán khiến cho công tác thu hồi gặp nhiều khó khăn. Đây là cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu ở Việt Nam hiện nay, được thực hiện thông qua cơ quan Thi hành án dân sự,
Chính vì vậy, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế chưa xử lý được những trường hợp sau: Thứ nhất, trong trường hợp có căn cứ khẳng định tiền, tài sản liên quan đến hành vi tham nhũng nhưng chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội được, do nhiều lý do khác nhau như đối tượng phạm tội đã chết, mất tích hoặc bỏ trốn, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra, truy nã... Thứ hai, hệ thống pháp luật hiện hành quy định nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tiền, tài sản thuộc về cơ quan có thẩm quyền (cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra). Quy định này dẫn đến thực tế là hầu hết các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế người phạm tội luôn tìm thủ đoạn chuyển các tài sản liên quan đến tội phạm thành tài sản khó hoặc không thể xác định được nguồn gốc do phạm tội mà có. Thứ ba, Luật Phòng chống tham nhũng chưa quy định các biện pháp ngăn chặn khi phát hiện tài sản có dấu hiệu tham nhũng qua việc kiểm soát tiền, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức.
Việc xây dựng cơ chế tịch thu, thu hồi tài sản thông qua việc khởi kiện dân sự được nhiều nước sử dụng. Phương thức thu hồi tài sản dựa trên quy trình khởi kiện dân sự được Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) khuyến nghị các quốc gia nghiên cứu để áp dụng. Để thực hiện được nội dung này, cần hoàn thiện các quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự.
Cùng với việc hoàn thiện pháp luật trong nước, cần tăng cường hợp tác quốc tế, ký kết, tham gia các điều ước quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia trong việc phong tỏa, thu hồi tài sản của người phạm tội đã tẩu tán ở nước ngoài.
Đâu là lý do thực sự khiến tướng Đỗ Hữu Ca bị điều tra?

Những bước đi trong xây dựng cơ chế pháp lý

Sputnik: Hiện nay, Việt Nam đang có những bước gì trong việc xây dựng cơ chế cho phép thực hiện việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả?
TS Kinh tế - Luật Lê Văn Hòa:
Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã được ban hành. Hiện Thanh tra Chính phủ đang xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản.
Trước đó, ngày 11/01/2022, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 Luật, trong đó có Luật Thi hành án dân sự. Luật này đã tháo gỡ kịp thời “điểm nghẽn” gây ách tắc, kéo dài quá trình tổ chức thi hành án, chậm thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng vừa chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng đề án về cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cơ chế xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp, nhằm tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Một điểm nữa tôi cho là cũng rất quan trọng, đó là cần nghiên cứu bổ sung các quy định về trách nhiệm giải trình đối với tài sản của người thân khi có cơ sở nghi ngờ.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Thảo luận