Quốc hội họp bất thường bầu Chủ tịch nước, Việt Nam vẫn giữ bí mật về nhân sự thay ông Phúc

Diễn biến mới trên chính trường Việt Nam liên quan nhân sự thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sputnik
Theo thông báo mới nhất của Văn phòng Quốc hội, kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra sáng mai ngày 2/3 để kiện toàn nhân sự Chủ tịch nước.

Quốc hội Việt Nam triệu tập họp bất thường bầu Chủ tịch nước

Tối ngày 1/3, trên cổng TTĐT Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã phát đi thông cáo báo chí về chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội Khóa XV.
"Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14, Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV để kiện toàn nhân sự Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", - Quốc hội thông báo.
Cần nhấn mạnh rằng, tại Việt Nam, việc triệu tập kỳ họp bất thường là điều "bình thường", nhằm đáp ứng và phản ứng nhanh, kịp thời với yêu cầu của thời đại, thực tế đòi hỏi của đất nước.
Hôm 14/2 vừa qua, tại phiên họp thứ 20 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội (Nghị quyết), trong đó có nội dung về họp bất thường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, theo Nội quy kỳ họp vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 4 (tháng 10/2022) thì việc triệu tập kỳ họp bất thường phải trước 7 ngày.
Ông Huệ nêu vấn đề, liệu có cần quy định cụ thể trong nghị quyết để đảm bảo việc triệu tập kỳ họp bất thường đảm bảo thời gian này hay không. Đồng thời, quy định như dự thảo thế này cũng không rõ yếu tố thời hạn.

"Phải quy định thế nào để đảm bảo quy định về thời gian. Vì nếu không quy định đúng, đại biểu Quốc hội có thể thắc mắc và từ chối", - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.

Hay như với quy định về thời hạn gửi hồ sơ đến các cơ quan Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng phải nghiên cứu quy định để đảm bảo khả thi.
Từ thực tiễn có kỳ họp bất thường chỉ nói triệu tập kỳ họp để làm công tác nhân sự chứ nội dung cụ thể thì chưa công bố được. Việc gửi hồ sơ, tài liệu cũng không thể đảm bảo gửi trước 7 ngày, Chủ tịch Quốc hội lưu ý:
"Kỳ họp bất thường liên quan nhân sự thì không thể đòi hỏi triệu tập trước 7 ngày như bình thường được. Như kỳ họp bất thường vừa rồi", - ông Vương Đình Huệ nói và lưu ý, cần quy định phải làm sao chặt chẽ để có cơ sở pháp lý cho các cơ quan thực hiện.

Ai là tân Chủ tịch nước của Việt Nam?

Như vậy, Thông cáo phát đi tối nay (1/3) xác nhận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV "để kiện toàn nhân sự Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Về thời gian, kỳ họp bất thường lần thứ 4 Quốc hội Khóa XV diễn ra trong buổi sáng ngày 2/3/2023 tại Nhà Quốc hội.
"Theo Chương trình, Lễ Tuyên thệ của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh VOV1- Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam trong khoảng thời gian từ 10h- 11h sáng cùng ngày", - Thông cáo nhấn mạnh.
Về nhân sự thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc, các thông cáo chính thức của Việt Nam hiện chưa nêu cụ thể.
Thực tế, những ngày gần đây, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư đồng loạt được báo chí phương Tây cùng nhiều nhà quan sát quốc tế đề cập với nhận định "nhiều khả năng" sẽ được giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn giữ chức Chủ tịch nước, và trong chiều nay 1/3/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước, thì theo cập nhật của Sputnik, Việt Nam hiện vẫn giữ bí mật về cán bộ được lựa chọn cho một trong bốn chức danh lãnh đạo chủ chốt này.
Việt Nam: Trung ương Đảng họp bất thường giới thiệu nhân sự bầu Chủ tịch nước

Đã giới thiệu nhân sự để bầu Chủ tịch nước

Như Sputnik thông tin, trong chiều nay 1/3/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trước đó, tại kỳ họp bất thường lần thứ ba vào ngày 18/1/2023, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Ngay sau khi Quốc hội khóa XV thông qua nghị quyết việc miễn nhiệm này, bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo quy định, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc bầu Chủ tịch nước. Sau đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (nếu có).
Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước, thành lập Ban kiểm phiếu và bầu Chủ tịch nước theo hình thức bỏ phiếu kín.
Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.
Theo Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Chủ tịch nước phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Điều quan trọng, Chủ tịch nước cần có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, toàn Đảng và nhân dân; có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp.
Chủ tịch nước của Việt Nam cũng đồng thời là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước; quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ Bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc Trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Trường hợp đặc biệt sẽ do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Theo quan sát, các quyết định về nhân sự cấp cao tại Việt Nam vẫn luôn được Ban chấp hành Trung ương Đảng cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn thận trọng, sáng suốt, với tiêu chuẩn khắt khe, đặt mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu.
Đồng thời, các nhân sự được lựa chọn để Quốc hội phê chuẩn hầu hết đều là cán bộ được đào tạo bài bản, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, được tín nhiệm và tin tưởng, đồng thời nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào nhân dân trong và ngoài nước.
Sau khi chính thức được bầu, Chủ tịch nước sẽ phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.
Thảo luận