Trong đó đề xuất trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Một trong những nội dung đáng chú ý là việc thẻ căn cước công dân (CCCD) sẽ dùng thay thế nhiều giấy tờ để làm thủ tục hành chính.
Chính phủ đề nghị bổ sung thêm 10 dự án luật vào chương trình năm 2023
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại tờ trình này, Chính phủđề nghị bổ sung thêm 10 dự án luật vào chương trình năm 2023. Trong đó, tại kỳ họp 5 (tháng 5/2023), Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Đây là dự án đã được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
“Thực hiện ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Công an phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, tiếp thu và báo cáo rõ hơn về một số nội dung có liên quan và trên cơ sở đó đã chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật”, tờ trình được Bộ trưởng Lê Thành Long ký nêu rõ.
Cũng tại kỳ họp 5, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến 5 dự án luật gồm: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trong 5 dự luật trên thì có 3 dự luật (Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020). Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Quốc hội chưa xem xét, thông qua 3 dự luật này.
Nêu trong tờ trình, Chính phủ cho hay, trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, tiếp thu giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã giao Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình.
Có 5 dự án luật bổ sung vào chương trình kỳ họp 5, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp 6 (tháng 10/2023).
Cũng tại kỳ họp thứ 6 này, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Chính phủ cho biết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2023
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
Bổ sung đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước
Với Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Chính phủ đề nghị xây dựng với 3 nhóm chính.
Đó là, bổ sung đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; xác định tiêu chí các hội nghị, lễ hội là đối tượng cảnh vệ; hoàn thiện chính sách về biện pháp cảnh vệ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
“Chính phủ nhận thấy, các chính sách và nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung là những nội dung đơn giản, đã rõ và trong quá trình lập đề nghị, Bộ Công an cũng đã nhận được sự đồng thuận cao của các cơ quan, tổ chức có liên quan”, tờ trình cho hay.
Ngoài ra, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến 3 dự án tại kỳ họp 6, gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo Chính phủ, trong 3 dự án luật này, có 2 dự án là Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và Luật Thủ đô (sửa đổi) là các dự án đã được giao nghiên cứu, rà soát tại Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Còn Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản thì “cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn”.
Qua năm2024, Chính phủ đề nghị chương trình gồm 14 dự án luật. Cụ thể, tại kỳ họp 7, trình Quốc hội thông qua 5 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp 6.
Đồng thời, cho ý kiến 7 dự án luật gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân.
Tại kỳ họp 8, trình Quốc hội thông qua 7 dự án, là các dự án được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án gồm: Luật Dân số (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi).
Thẻ căn cước công dân sẽ thay thế nhiều giấy tờ
Tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công an nhân dân.
Dự án Luật này đã được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Ngoài ra, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến 5 dự án luật gồm: Luật căn cước công dân; Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật đường bộ; Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
“Việc xây dựng Luật căn cước công dân (sửa đổi) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phát huy giá trị, tiện ích thẻ căn cước công dân, phục vụ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, tờ trình nhấn mạnh.
Trong đó, dự án luật tập trung vào các nhóm chính sách gồm:
Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ căn cước công dân.
Thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước công dân.
Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử. Cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.
Với các dự án luật được trình để cho ý kiến, Chính phủ đã giao Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình. Đồng thời Chính phủ đề nghị trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).