Trong khi đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt vấn đề về định nghĩa "cà phê ngon".
Theo ông Hoan, nhiều người Việt "ngồi nhà nghĩ cà phê của mình ngon nhất nhì thế giới trong khi thế giới không uống cà phê của chúng ta".
Theo ông Hoan, nhiều người Việt "ngồi nhà nghĩ cà phê của mình ngon nhất nhì thế giới trong khi thế giới không uống cà phê của chúng ta".
Trên thực tế, người tiêu dùng Âu - Mỹ cảm thấy cà phê Việt Nam mạnh hơn nhiều so với gu thưởng thức của họ. Nhiều nước chuộng cà phê Arabica nhưng Việt Nam lại mạnh về Robusta.
Bài toán xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam
Chiều 4/3, trong khuôn khổ Chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" do Báo Người Lao Động tổ chức, đã diễn ra Hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?".
Hội thảo do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam và một số hiệp hội nông sản, các địa phương có thế mạnh về cà phê, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu cà phê, các chuyên gia thức uống…
Phát biểu tại sự kiện, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam Thái Như Hiệp cho biết, tỷ lệ chế biến sâu trong ngành cà phê còn rất thấp, trong khi cà phê Robusta của Việt Nam chưa được bảo hộ, khiến người nông dân vùng trồng cà phê trọng điểm ở 5 tỉnh Tây Nguyên chịu nhiều thiệt thòi.
Về phần mình, ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch CLB Kết nối Doanh nhân Việt Nam - Quốc tế, cho rằng chế biến sâu là con đường bắt buộc với ngành cà phê Việt Nam.
"Thái Lan có loại cà phê cao cấp, bán đến 50 USD-100 USD/ly ở các khách sạn 5 sao trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới", - ông Cường dẫn chứng.
Theo Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, sự thành công của các thương hiệu cà phê quốc tế tại Việt Nam như Starbucks đến từ việc, đây không chỉ là sản phẩm cà phê đơn thuần, mà còn là cả trải nghiệm thưởng thức cho người tiêu dùng trong nước.
"Chúng ta vẫn xuất khẩu từng sản phẩm riêng lẻ nhưng thương hiệu nước ngoài nhập khẩu nguyên chuỗi giá trị vào chúng ta", - ông Vũ đặt vấn đề.
Chủ tịch Công ty Lekofe Lê Hữu Nghĩa thì cho rằng, trước hết, doanh nghiệp cà phê phải xây dựng được thương hiệu rồi mới tính đến chuyện chế biến sâu.
Ở thị trường Âu - Mỹ, người tiêu dùng chỉ sử dụng sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng. Dù cà phê Việt Nam có chế biến sâu, doanh nghiệp tự tin chất lượng tốt, giá rẻ bằng 1/3 đối thủ cũng không bán được ở nước ngoài vì không có thương hiệu.
Vì vậy, doanh nghiệp thường phải chấp nhận bán cà phê thô cho các thương hiệu nước ngoài bởi thực tế có chế biến sâu cũng khó bán được. Người nông dân cũng muốn bán được hàng liên tục để ổn định cuộc sống, và việc xuất thô đến nay vẫn thoả mãn nhu cầu của họ.
Chủ tịch Napoli Coffee Nguyễn Đức Hưng cũng cho rằng, việc xây dựng thương hiệu của cà phê Việt Nam vẫn còn yếu. Ông Hưng lấy dẫn chứng, ở một số nước, một quán cà phê có diện tích vài nghìn m2 được công nhận là rộng nhất khu vực hay thế giới, có thể thu hút cả nghìn khách du lịch mỗi ngày, giúp quảng bá cho ngành cà phê của quốc gia đó.
Theo ông Hưng, để xây dựng được một địa điểm như vậy ở TP.HCM là không quá khó nhưng doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thế nào là cà phê ngon?
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt vấn đề về định nghĩa "cà phê ngon".
"Người Việt Nam thường chê cà phê ở châu Âu chua chua, nhạt nhạt trong khi mấy trăm năm nay họ vẫn uống như vậy. Có khi chúng ta đang ngồi nhà nghĩ cà phê của mình ngon nhất nhì thế giới trong khi thế giới không uống cà phê của chúng ta", - ông Hoan nói.
Trên thực tế, người tiêu dùng ở thị trường Âu - Mỹ nhận xét cà phê Việt Nam mạnh hơn nhiều so với gu thưởng thức của họ. Nhiều nước chuộng cà phê Arabica nhưng Việt Nam lại mạnh về Robusta.
Do đó, cần nhìn nhận rõ ràng Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới. Các doanh nghiệp nội địa có thể than phiền cà phê Việt xuất khẩu bị doanh nghiệp nước ngoài "thay tên đổi họ", nhưng thật sự thì nhà nhập khẩu đã chế biến, phối trộn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nước sở tại.
"Chúng ta nói đến câu chuyện chế biến tinh, thoát ly việc xuất thô thì phải có dữ liệu, nói cà phê ngon là ngon thế nào", - ông Hoan nói thẳng.
Về việc xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt, ông gợi mở các doanh nghiệp định vị lại sản phẩm, kể những câu chuyện từ tách cà phê phin, cà phê vợt truyền thống của Việt Nam, khơi gợi cảm xúc cho người tiêu dùng.
"Có vấn đề chúng ta phải định vị lại, có vấn đề chưa khai phá hết. Chúng ta có rất nhiều câu chuyện để xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt. Chúng ta cũng chưa kể câu chuyện cho người nông dân. Doanh nghiệp muốn làm cà phê sạch, tử tế thì đều phải bắt đầu từ người nông dân", - người đứng đầu ngành Nông nghiệp nhắn nhủ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng, ngành gạo của Thái Lan đưa ra thông điệp nhất quán, rõ ràng là "Think rice, Think Thailand" - "Nghĩ đến gạo, Nghĩ đến Thái Lan".
"Vậy thông điệp của cà phê Việt Nam sẽ là gì? Liệu có thể là "Drink cafe, Feel Vietnam" - "Uống cà phê, phiêu Việt Nam" không? Chúng ta làm thế nào để cà phê hơn cả một thức uống", - ông Hoan nói.